Người dân trong tỉnh gia cố đê bao để chống ngập úng cho cây trồng.
Ghi nhận nhiều ảnh hưởng
Ngày 26-7 vừa qua, mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã làm sập và tốc mái 32 căn nhà của người dân tại xã Vĩnh Tường và Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy; trong đó nặng nhất là tại xã Vĩnh Trung với 27 căn (có 2 căn sập hoàn toàn).
Vẫn còn bàng hoàng khi nhắc lại chuyện căn nhà của mình bị sập hoàn toàn do lốc xoáy gây ra, anh Nguyễn Văn Mưa, ở ấp 2, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Tối hôm đó khoảng hơn 0 giờ, tôi đang nằm ngủ thì tỉnh giấc vì bên ngoài trời có mưa to, không lâu sau tôi nghe có tiếng gió thổi mạnh và kèm theo tiếng cây đổ ngã, chưa kịp chạy ra khỏi nhà thì cơn lốc xoáy đi ngang qua làm sập hoàn toàn căn nhà của tôi và tấm tôn phía trên nhà cũng đè lên người. Rất may mắn là tôi không bị thương và lúc này trong nhà cũng chỉ có một mình tôi. Sau khi nhà sập thì tôi cố gắng thoát ra ngoài và nhìn thấy nhiều ngôi nhà khác của người dân xung quanh cũng bị lốc xoáy làm tốc mái tôn. Điều đáng sợ là nhiều tấm tôn bị gió thổi bay còn vướng trên dây điện và bay xa ra nằm ngoài ruộng cách ngôi nhà hơn 100m”.
Cùng chia sẻ tâm trạng lo lắng khi có nhà bị tốc mái do lốc xoáy gây ra, anh Nguyễn Minh Quốc, ở ấp 2, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, thông tin: “Đêm xảy ra lốc xoáy, mặc dù 3 cha con không có ở trong nhà vì bữa đó về bên nhà nội mấy cháu chơi; thế nhưng, khi nghe người thân gọi điện cho hay thì tôi lật đật chạy về nhà và chứng kiến được cảnh đáng sợ khi nhiều tấm tôn từ căn nhà kiên cố của mình bị lốc xoáy thổi bay khắp nơi, trong đó có nhiều tấm tôn vướng lên đường dây điện rất nguy hiểm, còn đồ đạc trong nhà thì bị ướt hết do mưa. Do trời tối và cúp điện nên tôi đợi đến rạng sáng mới cùng người dân dọn dẹp lại nhà cửa và cùng ngành chức năng của huyện, xã tiến hành khắc phục hậu quả để ổn định lại cuộc sống”.
Ông Nguyễn Công Duy, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, cho biết: Ngay sau khi nhận được tin báo về tình hình lốc xoáy xảy ra trên địa bàn xã Vĩnh Tường và Vĩnh Trung gây nhiều thiệt hại về nhà, cây cối và vườn cây ăn trái của người dân, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Vị Thủy đã nhanh chóng xuống hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và tiến hành thăm hỏi, động viên, cũng như trao tiền hỗ trợ cho người dân có nhà bị sập và tốc mái theo quy định. Trong đó, địa phương điều động nhiều cán bộ là lực lượng công an, quân đội của huyện khẩn trương đến hiện trường để phối hợp với các đoàn thể của xã, ấp và người dân tham gia khắc phục các điểm bị ảnh hưởng và thiệt hại do lốc xoáy gây ra. Nhờ triển khai tốt phương châm “4 tại chỗ” nên công tác khắc phục hậu quả do lốc xoáy gây ra được thực hiện nhanh chóng và giúp người dân sớm ổn định lại cuộc sống.
Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ đầu năm đến nay, tình hình giông lốc trên địa bàn tỉnh đã làm sập 5 căn nhà và tốc mái 31 căn; đồng thời làm tốc mái 7 mái che tại khu chợ đêm của thành phố Vị Thanh, cũng như làm vỡ cửa kính cường lực (Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh) và gãy 7 cây sầu riêng. Ước thiệt hại do giông lốc gây ra là gần 1,2 tỉ đồng.
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Ngoài ghi nhận thiệt hại về nhà thì tình hình mưa dầm kèm theo giông lốc còn làm ảnh hưởng và thiệt hại trên nhiều loại cây trồng của người dân trong tỉnh. Cụ thể, qua tổng hợp của ngành nông nghiệp tỉnh thì hiện toàn tỉnh ghi nhận có 209ha lúa Hè thu trong giai đoạn trổ - chín bị đổ ngã, với tỷ lệ đổ ngã trung bình từ 20-40% (tỷ lệ cao nhất 70%) trên cùng diện tích; trong đó có 96,3ha tại huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ ghi nhận thiệt hại từ 20-40% (cao nhất 50%). Ngoài ra, có 73ha lúa Thu đông ở giai đoạn mạ bị ngập úng; trong đó có 42,61ha bị thiệt hại, tỷ lệ trung bình từ 20-40% (cao nhất 80%). Bên cạnh đó, giông lốc còn làm nghiêng ngả, xiêu vẹo 20ha mía, tỷ lệ ảnh hưởng từ 3-5%, chưa ghi nhận thiệt hại năng suất; đồng thời một số loại cây trồng bị gió giật làm nghiêng ngả, gãy nhánh cục bộ ở vài vườn nhưng chưa ghi nhận thiệt hại năng suất.
Chủ động phòng tránh thiên tai
Theo dự báo, mùa mưa bão 2024 kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9, trong đó hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông xấp xỉ trung bình nhiều năm (khoảng 11-13 cơn trên Biển Đông; có 5-7 cơn đổ bộ vào đất liền), tập trung nhiều vào nửa cuối mùa mưa bão. Ngoài dự báo trên, điều mà ngành chức năng tỉnh lo ngại là tình hình giông lốc từ đầu mùa mưa đến nay diễn biến phức tạp và gây thiệt hại không nhỏ cho người dân trên địa bàn tỉnh mỗi khi có mưa xuất hiện. Do đó, để góp phần đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng của người dân, giảm thiểu những tác động tiêu cực do thiên tai gây ra, nhất là tình hình giông lốc; ngành chức năng tỉnh khuyến cáo người dân cần chủ động chằng chống nhà cửa và những công trình không đảm bảo khi có gió bão, lốc xoáy; đồng thời chặt tỉa cành cây đề phòng gió mạnh gây đổ ngã.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đề nghị các ngành có liên quan và địa phương của tỉnh khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó bão, lũ lụt, sạt lở đất; đồng thời xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, ngành NN&PTNT tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác quản lý, đầu tư, duy tu, sửa chữa, nâng cấp, đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng xây dựng các công trình, dự án trọng điểm trong phòng, chống thiên tai. Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động thông tin truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai bằng nhiều hình thức, bảo đảm thông tin về thiên tai đến được người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng nhằm giúp bà con có phương án phòng, chống hiệu quả.
Thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ngành chức năng các địa phương trong tỉnh đã và đang tăng cường công tác thăm đồng, kịp thời ghi nhận và theo dõi báo cáo tình hình thiệt hại hàng ngày do mưa giông gây ra. Bên cạnh đó, vận động nông dân gia cố bờ bao, cống đập, khai thông dòng chảy, tích cực bơm chống ngập úng cho lúa và các loại cây trồng khác nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa giông gây ra. Ngoài ra, ghi nhận trên nhiều tuyến đường nội ô của tỉnh, ngành chức năng có liên quan đang đẩy mạnh việc chặt tỉa cành cây xanh nhằm đề phòng gió mạnh gây đổ ngã.
Có thể nói, việc chủ động các bước “phòng từ sớm, tránh từ xa” đang được các ngành có liên quan của tỉnh và người dân tích cực thực hiện trong công tác phòng, chống thiên tai là biện pháp hữu hiệu nhất để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra, góp phần bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo HỮU PHƯỚC (Báo Hậu Giang)