Hậu Giang: “Cổng có đèn - Đường có hoa - Nhà có số”

02/05/2024 - 09:53

Kênh Long Phụng nằm trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, có điểm bắt đầu từ xã Hiệp Hưng đến xã Phương Bình. Năm 1963, con kênh có bề rộng 3m và dài hơn 10 cây số hoàn thành từ sự đồng lòng của quân, dân nơi đây. Trở thành tuyến đường huyết mạch giúp bộ đội ta vận chuyển vũ khí bằng xuồng ba lá từ huyện Phụng Hiệp về huyện Long Mỹ (cũ).

Tuyến đường có mô hình “Cổng có đèn - Đường có hoa - Nhà có số” ở ấp Long Phụng A về đêm.

Ngày nay, cũng bằng tinh thần đoàn kết, người dân góp sức cùng chính quyền địa phương xây dựng nơi đây thành một vùng quê yên bình, đẹp đẽ, đáng sống.

Ấp Long Phụng A cách trung tâm xã Hiệp Hưng khoảng 1 cây số, có 487 hộ dân với 1.724 khẩu. Những năm qua, đời sống người dân có những thay đổi rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được nâng lên. Minh chứng là hộ khá, giàu ngày càng nhiều, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ngày một giảm; các phong trào ngày càng phát triển, nhiều tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu, tuyến đường đẹp được xây dựng mang lại bộ mặt mới cho nông thôn xã nhà.

Từ nền tảng thành công của mô hình Chung tay thắp sáng đường quê mang lại trước đó, năm 2023, xã Hiệp Hưng tiếp tục chọn Long Phụng A để xây dựng mô hình đột phá “Cổng có đèn - Đường có hoa - Nhà có số”.

Ông Phạm Văn Vũ, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Long Phụng A, nhớ lại: “Ngay khi vừa tiến hành họp dân, hầu như tất cả đều đồng thuận. Vậy là chỉ trong thời gian ngắn, chính quyền địa phương và người dân ra quân phát quang, múc đất đắp taluy, trồng hoa hai bên lề lộ… Không khí rộn rã cả một vùng quê”.

Không chỉ đóng góp ngày công lao động, người dân còn đóng góp tiền bạc để mô hình sớm hoàn thành.

Kết quả là vận động trong dân được 50 triệu đồng, nguồn xã hội hóa 10 triệu đồng, mua nguyên vật liệu, dựng 46 cột, kéo điện, lắp bóng đèn thắp sáng tuyến đường vào ban đêm, dọc tuyến kênh với chiều dài 1,5 cây số (đoạn từ cầu Ông Triều đến nhà ông Ba Nhỏ).

Hộ ông Ngô Hoàng Giang hưởng ứng nhiệt tình nhất từ khi nghe chính quyền địa phương triển khai mô hình.

Phần đất mặt tiền nhà ông dài 32m nằm trong mô hình “Cổng có đèn - Đường có hoa - Nhà có số”, phải đóng góp nhiều tiền hơn các hộ khác để mua trụ, đèn, hoa giống trồng hai bên đường nhưng ông đều đóng góp đầy đủ, thậm chí bản thân ông còn đầu tư thêm giàn đèn năng lượng mặt trời để tuyến đường được sáng hơn.

“Hồi trước, chưa có đèn đường, rồi cây cối mọc ra hai bên đường um tùm che khuất tầm nhìn, lâu lâu là tôi lại nghe tiếng ngã xe ngoài cổng do người dân trượt té. Thành ra khi Nhà nước đề xuất thực hiện mô hình này, bản thân tôi và những người dân sinh sống nơi đây đều đồng ý ngay”, ông Ngô Hoàng Giang bộc bạch.

Hiệu quả của mô hình “Cổng có đèn -Đường có hoa - Nhà có số” mang lại từ khi thành lập đến nay là tình trạng tai nạn giao thông, trộm cắp vặt ở địa phương đã giảm; đời sống tinh thần của người dân được nâng lên. Có số nhà cũng giúp cho việc quản lý thuận lợi hơn.

Ông Lý Xuân Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Hưng, khẳng định: “Từ khi ra mắt và đi vào hoạt động cho đến nay mô hình đã nhận được sự đồng thuận và nhất trí rất cao của bà con cùng tham gia thực hiện, bộ mặt nông thôn thay đổi, giao thông đi lại an toàn, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Từ kết quả này, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng để tăng thêm chiều dài tuyến và áp dụng ở một số tuyến đường khác trong xã nhằm góp phần nâng chất các tiêu chí nông thôn mới”.

Ngày trước, từ sự đoàn kết một lòng, tuyến kênh Long Phụng được đào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và hoạt động cách mạng. Ngày nay, cũng từ sự thống nhất giữa ý Đảng lòng dân, tuyến kênh này giúp người dân giao thương, đi lại dễ dàng hơn, quê hương ngày càng giàu đẹp!

Theo MINH MẪN (Báo Hậu Giang)