Hậu Giang: Cư trú của cư dân vùng Vị Thanh - Hỏa Lựu

16/08/2024 - 09:05

Tương tự như nhiều địa phương khác ở miền Hậu Giang, sự hình thành không gian cư trú của người Hỏa Lựu - Vị Thanh đều bám theo đất rừng, đất đồng mới khai khẩn, đặc biệt, ở cặp theo địa hình sông, rạch, xẻo, ngọn... vừa để có nước ngọt sinh hoạt, cấy trồng; vừa thuận tiện việc di chuyển qua lại giữa chòm xóm.

Tại vùng đất Vị Thanh - Hỏa Lựu xưa, từ khi có kinh xáng Xà No đã hình thành việc cư trú nhà cửa san sát dọc theo hai bờ kinh.

Vào buổi đầu khẩn hoang, người đi lập nghiệp phía Rạch Giá dọc theo sông Cái Lớn, Cái Bé, vùng rừng U Minh, gặp biết bao gian nan, hiểm nguy, ở nơi “sương lam, chướng khí”. Do đó, mọi người phải tụ tập, sống theo lối quần cư thành chòm, thành xóm, rồi mới tới lập ấp, lập làng. Thân phận người đi khai hoang, như câu thơ của nhà Nam bộ học Sơn Nam: “Tới Cà Mau, Rạch Giá cất chòi đốt lửa giữa rừng thiêng...”.

Như vậy, căn chòi chính là kiểu nhà ở đầu tiên của cư dân khẩn hoang, trong không gian cư trú - chòm xóm. Đây là việc phải làm ngay, bởi có ổn định cư trú, họ mới đốt rừng, chặt cỏ, phát quang để đất thành khoảnh mới canh tác được. Theo nhà Nam bộ học Sơn Nam, người lập nghiệp tới vùng sông Cái Lớn (gồm đất Hỏa Lựu - Vị Thanh) thường đi sâu vô phía hai bờ cả ngàn thước, để dọn đất cất nhà ở. Họ vào sâu bởi các lý do: đấy là đất thấp, có nước ngọt, sậy, đế dễ dọn, chặt đốt gốc. Hơn nữa, càng vô rạch nhỏ càng xa sấu, cọp và tránh được nguy hiểm. Bởi cọp hay ở các rừng bờ sông lớn hay ngoài vàm.

Tuy nhiên, người Khmer lại thích ở đất gò ven sông Cái Lớn, Cái Tư. Để tránh cọp, họ cất nhà sàn để ở. Trong sách “Tìm hiểu đất Hậu Giang”, Sơn Nam viết về người khẩn hoang trên đất rừng tràm, trầm thủy U Minh: “Họ tiến vào rừng, hạ tràm xuống cho đất trống trải rồi đào 2, 3 cái mương nhỏ, quăng đất lên đắp nền nhà. Nhà dựng lên như một hòn đảo nhỏ...”.

 Khi thực dân Pháp tiến hành đào kinh Xà No, cùng hệ thống kinh nhánh, người về lập nghiệp càng đông, số người khá giả càng nhiều. Giới điền chủ, đại điền chủ, hương chức làng hình thành. Vì vậy, không gian cư trú có sự biến đổi tạo nên các hình thức cư trú mới, phù hợp với điều kiện “tự nhiên” của sông, rạch và “tự tạo” của kinh đào.

Trong bối cảnh đất Hỏa Lựu - Vị Thanh “lắm doi, nhiều vịnh”, người khẩn hoang ở thành “chòm - xóm”, “phum - sóc”, họ cất nhà ở dọc theo sông, rạch lớn hoặc rạch nhỏ; nhưng không sát bờ, mà sâu vô một khoảng. Các nhà mọc lên thành “chòm”, khi nhô ra, khi thụt vô; người khá giả thì cất “nhà cao cẳng” tức loại nhà sàn, có thang lên xuống, để vừa vệ sinh, vừa tránh được thú dữ.

Thời trước, hệ thống sông, rạch ở đây hầu như nước mặn quanh năm, nên người ta không cần phải ở sát mé sông. Từ cuối thập niên đầu thế kỷ XX, theo sau những con kinh đào, hình thức cư trú mới trên “đất bờ xáng” ra đời và phát triển nhanh chóng.

Đó là lối tập hợp gia cư san sát dọc theo hai bờ kinh xáng, nhà cửa nối liền, chen chân chiếm vị trí mặt tiền. Sự hình thành và phát triển làng xóm, theo “không gian chiều dọc”, “liền canh, liền cư”. Trước mỗi nhà có cầu bến để lấy nước nấu ăn, tắm giặt. Phía sau là khuôn viên thổ cư, trồng một ít cây, trái. Đúng như câu nói dân gian: “nhứt cận thị, nhị cận giang”.

Song song đó, chợ búa hình thành, nhiều nhà máy xay lúa, trại cưa, trại ghe xuồng, tiệm quán mọc lên; khách thương hồ tứ xứ kéo tới trao đổi hàng hóa tạo thành một khung cảnh tấp nập, như nhà Nam bộ học Sơn Nam tạm gọi là “văn minh kinh xáng”. Sự trù phú ở các tuyến kinh đào, nhất là kinh xáng đã nâng cao giá trị, giá cả “đất bờ xáng” cho đến ngày nay.

Theo VỊ THANH (Báo Hậu Giang)