Bác sĩ kiểm tra các dấu hiệu bệnh TCM ở trẻ tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Hậu Giang.
3 tháng qua ghi nhận 483 ca với 85 ổ dịch nhỏ
Xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, là địa bàn có tình hình dịch TCM tăng nhiều nhất hiện nay ở tỉnh. Nhất là kể từ khi bước vào năm học 2023-2024, các em học sinh tập trung đến trường là điều kiện thuận lợi cho dịch lây truyền. Đã có những ca bệnh và ổ dịch nhỏ ghi nhận ở trường học. Bà Lê Thị Nhí, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Thạnh Hòa, thông tin: “Mới đây, ở điểm lẻ tại ấp Phú Xuân ghi nhận 3 trẻ mắc bệnh TCM cùng học nhóm trẻ. Chúng tôi đã cho nhóm trẻ nghỉ học 1 tuần để phối hợp với trạm y tế thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng dịch, không để dịch tiếp tục lây cho các trẻ khác. Từ đầu năm học đến nay, trường đã có 8 trẻ mắc bệnh TCM, ngoài ổ dịch nhỏ tại nhóm trẻ trên, 5 trường hợp còn lại mắc rải rác ở các lớp”. Trường có đến 5 điểm dạy trẻ, gồm điểm chính và 4 điểm lẻ với 580 trẻ.
Theo bà Phạm Ngọc Diễm, Trưởng trạm Y tế xã Thạnh Hòa: “Trong tháng 9 xã ghi nhận 17 trường hợp mắc bệnh TCM, trong đó số mắc tăng nhiều thời gian gần đây. Đối với các ca bệnh, ổ dịch nhỏ chúng tôi tăng cường giám sát, tuyên truyền người dân xung quanh nhà có ca bệnh quan tâm phòng dịch”. Theo số liệu giám sát dịch TCM, đến thời điểm này, xã Thạnh Hòa ghi nhận 37 ca bệnh TCM, cao nhất so với các xã, phường, thị trấn khác của tỉnh.
Không riêng xã Thạnh Hòa, trong 4 tuần của tháng 9, huyện Phụng Hiệp ghi nhận 57 ca bệnh TCM, cao nhất so với các huyện, thị, thành phố khác ở tỉnh. Từ đầu năm đến nay, huyện ghi nhận 159 ca bệnh TCM, tăng 64 ca so với cùng kỳ năm 2022. Số mắc bệnh TCM đã gia tăng ở huyện từ tháng 8.
Theo số liệu giám sát dịch của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 7 tháng đầu năm trên địa bàn huyện Phụng Hiệp chỉ ghi nhận 49 ca bệnh, trong khi qua hai tháng 8, 9 đã ghi nhận trên 100 ca bệnh.
Thông tin về tình hình dịch TCM cả tỉnh trong 9 tháng qua, ông Lê Văn Chúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm sóát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Tình hình dịch bệnh này đã tăng từ tháng 7 ở tỉnh. Trong các tháng 7, 8, 9 lần lượt ghi nhận 172, 174, 137 ca. Tổng số mắc bệnh 3 tháng 483 ca với 85 ổ dịch nhỏ đang được ngành kiểm soát”.
Dù dịch vẫn đang được kiểm soát, nhưng số ca mắc bệnh chưa được kéo giảm trong 3 tháng qua tiềm ẩn nguy cơ dịch có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới nếu không chủ động khâu phòng bệnh.
Nhiều phụ huynh còn mơ hồ trong phòng bệnh
Ghi nhận tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh cuối tuần qua, một số phụ huynh còn mơ hồ khi được hỏi cần làm gì để phòng bệnh TCM cho trẻ? Chị Đỗ Thị Kim Th., xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, đưa con là bé Hồ Kh.B., đến khám bệnh, lo lắng: “Bác sĩ chẩn đoán bệnh tay - chân - miệng. Cháu mới bệnh một ngày thôi, sốt không hạ, quấy khóc nên tôi đưa cháu đi khám bệnh. Bác sĩ nói cháu theo dõi bệnh TCM. Tôi có nghe bệnh này nhưng chỉ nghe thoáng qua việc phòng bệnh thì còn chưa rõ lắm”.
Bác sĩ Trần Kỷ, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, thông tin: Gần đây trẻ đến khám bệnh TCM tăng, số trẻ đang nhập viện điều trị trong khoa trên dưới 15 bệnh mỗi ngày, nhiều trẻ mắc bệnh độ nhẹ chúng tôi cho thuốc và cho điều trị ngoại trú, nhưng luôn căn dặn gia đình phối hợp theo dõi sát các biểu hiện bệnh của trẻ, nếu có các triệu chứng bệnh như sốt cao không hạ, giật mình nhiều,… cần đưa trẻ đến tái khám để được khám, điều trị kịp thời. Đối với các trường hợp nhập viện trẻ sốt cao khó hạ, giật mình nhiều, mạch nhanh nên nhập viện để theo dõi sát tình trạng bệnh”.
Một số trường hợp trẻ mắc bệnh TCM diễn biến chuyển nặng nhanh, có thể nhanh chóng tử vong nếu không kịp thời điều trị, vì vậy các bậc phụ huynh, người trông trẻ cần quan tâm phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Trước nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra và lây nhiễm ở các lớp học, đòi hỏi các điểm trường cần quan tâm công tác phòng dịch. Bà Lê Thị Nhí, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Thạnh Hòa, cho biết: “Ban giám hiệu luôn nhắc nhở các cô giáo đặc biệt quan tâm tình trạng sức khỏe khi đón trẻ vào lớp. Nếu có trẻ bệnh báo với phụ huynh và phối hợp ngành y tế để kiểm soát. Các giải pháp phòng dịch được thực hiện thường xuyên ở trường, như tăng cường hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng đúng cách, vệ sinh đồ chơi, phòng học. Tuyên truyền để có sự phối hợp của phụ huynh học sinh quan tâm phòng bệnh cho trẻ ở gia đình”.
Tình hình dịch gia tăng, ngành y tế tỉnh đang tăng cường giám sát, ngăn sự lây lan, hạn chế thấp nhất số ca bệnh và điều trị tích cực hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Ông Lê Văn Chúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chia sẻ: “Chúng tôi tăng cường giám sát các ổ dịch nhỏ, các ca bệnh. Phối hợp ngành giáo dục và đào tạo tăng cường các biện pháp phòng dịch ở trường học. Song, bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng cần sự chung tay phòng dịch của người dân. Thường xuyên rửa tay và rửa tay cho trẻ bằng xà phòng đúng cách, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi, phòng, lớp học,… tránh tiếp xúc với trẻ mắc bệnh. Các bậc cha mẹ khi đi làm về nên vệ sinh sạch sẽ trước khi ẵm trẻ. Các hoạt động truyền thông sẽ được tăng cường cả chiều rộng và chiều sâu. Dự kiến trong tháng 10 tới sẽ triển khai chiến dịch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nhằm tăng cường tuyên truyền kêu gọi nhân dân tham gia phòng dịch.
Một số trường hợp trẻ mắc bệnh TCM diễn biến chuyển nặng nhanh, có thể nhanh chóng tử vong nên phải cẩn trọng
Tình hình dịch bệnh này đã tăng từ tháng 7 ở tỉnh. Trong các tháng 7, 8, 9 lần lượt ghi nhận 172, 174, 137 ca. Tổng số mắc bệnh 3 tháng 483 ca với 85 ổ dịch nhỏ đang được ngành kiểm soát.
Một số trường hợp trẻ mắc bệnh TCM diễn biến chuyển nặng nhanh, có thể nhanh chóng tử vong nếu không kịp thời điều trị, vì vậy các bậc phụ huynh, người trông trẻ cần quan tâm phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Theo HỒNG DIỄM (Báo Hậu Giang)