Hậu Giang: Điểm sáng tăng trưởng kinh tế

05/10/2023 - 08:46

Chín tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Hậu Giang đứng đầu cả nước khi đạt 13,3%. Đây được xem là một điểm sáng để tỉnh tiếp tục duy trì giữ vững vị trí trong những tháng cuối năm.

Sản xuất công nghiệp có nhiều khởi sắc trong 9 tháng đầu năm. Ảnh: HOÀI THU

Khởi sắc

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, 9 tháng năm 2023 UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy; tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý III/2023 đạt 12,85%, 9 tháng năm 2023 đạt 13,3%, dẫn đầu cả nước; các khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng tốt.

Đặc biệt, trong những tháng gần đây, lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có dấu hiệu phục hồi với nhiều dự án mới đi vào hoạt động, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh phục hồi và tăng trưởng trở lại. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 9 năm 2023 tính theo giá so sánh năm 2010 thực hiện được 3.344 tỉ đồng, tăng 3,15% so với tháng trước và tăng 14,83% so với cùng kỳ; tính chung 9 tháng qua thực hiện được 28.226 tỉ đồng, tăng 10,87% so với cùng kỳ và đạt 72,41% kế hoạch.

Đối với chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tăng 1,46% so với tháng trước và tăng 12,3% so với cùng kỳ; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 9,18% so với cùng kỳ; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,05% so với tháng trước và tăng 78,21% so với cùng kỳ; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 0,42% so với tháng trước và tăng 18,32% so với cùng kỳ. Chỉ số IIP ước 9 tháng tăng 11,69% so với cùng kỳ. Ngoài ra, trong 9 tháng năm 2023, có 613 doanh nghiệp đăng ký, tổng vốn trên 1.956 tỉ đồng. Từ đầu năm đến nay cũng đã cấp mới 10 chủ trương đầu tư ngoài khu công nghiệp với số tổng số vốn gần 2.086 tỉ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 323 dự án đầu tư, với tổng mức đầu tư 185.752 tỉ đồng...

Về lĩnh vực nông nghiệp, lãnh đạo Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết, tháng qua ngành và các địa phương cùng nông dân tập trung vào sản xuất vụ lúa Thu đông và thu hoạch lúa Hè thu theo kế hoạch. Đặc biệt, giá lúa duy trì ở mức cao nên người dân rất phấn khởi. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh mở rộng diện tích sản xuất rau màu, cây ăn quả, đặc biệt các cây trồng có lợi thế cạnh tranh cao, sản xuất theo chuỗi giá trị, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Tình hình chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát tốt. Diện tích nuôi thủy sản tiếp tục được mở rộng, mô hình nuôi luân canh trong ruộng lúa và nuôi lồng bè, bể bồn tiếp tục được phát triển.

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, thời gian qua tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, do đó tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch; tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả kém sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của tỉnh như lúa chất lượng cao, cây ăn trái, rau an toàn, gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an sinh xã hội được quan tâm, chỉ đạo, trọng tâm là tích cực quan tâm, chăm lo cho trẻ em, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó trong học tập nhân dịp tựu trường, Tết Trung thu năm 2023. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt, số ca mắc tay - chân - miệng và sốt xuất huyết giảm so với tháng trước. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo...

Giá lúa ở mức cao, người dân rất phấn khởi đẩy mạnh sản xuất.

Tăng tốc những tháng cuối năm

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh là 5.662,997 tỉ đồng. Tổng khối lượng thực hiện 9 tháng được 3.133,903 tỉ đồng, đạt 55,34% kế hoạch, thấp hơn 4,33% so với cùng kỳ. Giá trị giải ngân được 3.115,586 tỉ đồng, đạt 55,02% kế hoạch HĐND tỉnh giao, cao hơn 2,52% so với cùng kỳ. UBND tỉnh cho biết sẽ tiếp tục rà soát, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhất là trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn để tăng khối lượng thực hiện và giải ngân theo kế hoạch...

Bên cạnh đó tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu. Triển khai hiệu quả các nội dung kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2023. Tiếp tục chỉ đạo chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, Hội nghị Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ XIII và Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2023 tại tỉnh Hậu Giang.

Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, cho biết: Việc tổ chức chuỗi sự kiện ngành công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam năm 2023 nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành công thương khu vực phía Nam năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, đề ra nhiệm vụ và giải pháp thực hiện các tháng cuối năm. Bên cạnh đó, trưng bày, giới thiệu tiềm năng phát triển các mặt hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu của doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam nhằm tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn ổn định sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tăng cường trao đổi thông tin giữa lãnh đạo Bộ Công thương, các đơn vị thuộc bộ và các địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước ngành công thương. Tạo điều kiện để Sở Công thương và các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Công thương thực hiện nhiệm vụ về khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam trao đổi thông tin, kinh nghiệm; hỗ trợ hợp tác cùng nhau góp phần phát triển ngành công thương. Tạo sự kết nối, liên kết giữa cơ quan nhà nước - doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp - doanh nghiệp.

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, để tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong tháng 10 và những tháng cuối năm, đã yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023. Tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Thu đông theo kế hoạch, chuẩn bị tốt cho xuống giống vụ lúa Đông xuân 2023-2024. Triển khai tốt kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất rau màu, thủy sản nuôi trên ruộng lúa trong những tháng cuối năm. Tăng cường công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; công tác, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và kiểm tra vệ sinh thú y.

Ở khía cạnh khác, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, tình hình thiên tai từ đầu năm đến nay diễn biến khá phức tạp. 9 tháng qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 63 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.550m, diện tích mất đất 9.362m2; ước thiệt hại 5,6 tỉ đồng, so với cùng kỳ tăng 46 điểm sạt lở, chiều dài sạt lở tăng 1.089m, diện tích mất đất tăng 6.528m2, ước thiệt hại tăng 3,54 tỉ đồng. Về giông lốc, tổng số nhà sập 20 căn, tốc mái 66 căn, ước tổng thiệt hại 1,741 tỉ đồng, so với cùng kỳ số nhà sập tăng 7 căn, nhà tốc mái tăng 19 căn, ước thiệt hại tăng 76,8 triệu đồng. Ông Trần Thanh Toàn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết sau khi thiên tai xảy ra đã huy động lực lượng và phương tiện hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, giúp người dân bị thiệt hại ổn định cuộc sống. Đồng thời, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương cũng đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn kiểm tra, rà soát đánh giá mức độ thiệt hại để tổng hợp báo cáo nhằm có cơ sở hỗ trợ thiệt hại cho người dân theo quy định.

Theo HOÀI THU (Báo Hậu Giang)