Quyết tâm đảm bảo tiến độ
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1 đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 60 ngày 16/6/2022. Dự án có tổng chiều dài 188,2km, đi qua địa phận tỉnh An Giang 56,7km, thành phố Cần Thơ 37,7km, tỉnh Hậu Giang 37,7km và tỉnh Sóc Trăng 56,1km. Sơ bộ tổng mức đầu tư là 44.691 tỉ đồng. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe ô tô cao tốc; giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m, được chia thành 4 dự án thành phần.
Các ngành, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ khảo sát thiết kế, đảm bảo các mốc thời gian bàn giao hồ sơ và cắm cọc giải phóng mặt bằng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Đến nay, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đã tiếp thu, giải trình theo ý kiến tham gia góp ý của các tỉnh, thành phố Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và hoàn thiện dự thảo gửi các chủ đầu tư rà soát trước khi lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND các tỉnh ký ban hành. 4/4 tỉnh, thành phố đã giao nhiệm vụ chủ đầu tư thực hiện dự án; giao nhiệm vụ cho tổ chức dịch vụ công về đất đai hoặc thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; Hội đồng nhân dân 4/4 tỉnh, thành phố đã có Nghị quyết bố trí vốn cho công tác giải phóng mặt bằng.
Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông yêu cầu chủ đầu tư các dự án thành phần khẩn trương lập kế hoạch tổng thể, chi tiết các hạng mục công việc đến thời điểm khởi công dự án để làm căn cứ triển khai, kiểm điểm tiến độ thực hiện. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ công tác khảo sát thiết kế đảm bảo các mốc tiến độ bàn giao hồ sơ và cắm cọc giải phóng mặt bằng (đợt 1 cuối tháng 10-2022; đợt 2 cuối tháng 11-2022 và đợt 3 cuối tháng 1-2023).
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá cao kết quả triển khai dự án trong thời gian qua. Bộ trưởng cho rằng các tỉnh đã tập trung cao độ cho các dự án trọng điểm của ngành giao thông, thời gian tới, đề nghị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc bộ giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh. Các tỉnh cần xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện theo các mốc thời gian Nghị quyết 91 giao. Địa phương phối hợp Bộ GTVT, đơn vị tư vấn để xác định các vị trí trạm dừng nghỉ. Liên quan đến nội dung thay đổi hướng tuyến, đề nghị rà soát kỹ các vị trí điều chỉnh để khẩn trương thực hiện.
Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sau khi được đầu tư sẽ hình thành trục ngang trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long qua thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng. Kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam, tạo dư địa, động lực, không gian phát triển cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Từ đây, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Bám sát thời gian quy định
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua địa bàn Hậu Giang 36,9km, tổng mức đầu tư 9.027 tỉ đồng. Đoạn qua Hậu Giang được xác định là dự án thành phần 3. Dự kiến, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.647 tỉ đồng; diện tích thu hồi đất khoảng 247ha. Vừa qua, Hậu Giang đã tham gia góp ý quy chế phối hợp với Cục Quản lý xây dựng. Đồng thời, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện dự án và giao trách nhiệm chủ đầu tư. Tỉnh đã thông qua HĐND ban hành Nghị quyết bố trí vốn và UBND tỉnh đã điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đối với dự án này.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường giao nhiệm vụ cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tính toán phương án bồi thường, lập kế hoạch sử dụng đất năm 2022 và đưa vào kế hoạch sử dụng đất của 2 đơn vị cấp huyện bị ảnh hưởng bởi dự án. Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện Châu Thành A và Phụng Hiệp quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng dọc theo tuyến cao tốc dự kiến đi qua. Tỉnh cũng chỉ đạo Sở GTVT căn cứ vào mốc thời gian trong Nghị quyết 91 của Chính Phủ (triển khai Nghị quyết 60 của Quốc hội về đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng), trên cơ sở đó xây dựng, ban hành kế hoạch chi tiết để đảm bảo lộ trình thực hiện.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết: Sau khi tiếp nhận hồ sơ dự án từ Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, tỉnh Sóc Trăng đã chủ động rà soát hồ sơ, khảo sát thực địa và phối hợp với tỉnh Hậu Giang thống nhất lại hướng tuyến. Ngày 26-8 vừa qua, chủ đầu tư đã phê duyệt dự toán, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu tư vấn. Đồng thời, tư vấn đã khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn được 10% khối lượng; khảo sát địa hình 5%, khảo sát địa chất 20%.
Đối với đoạn tuyến qua địa phận thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cho biết: Thành phố đã hoàn tất công tác khảo sát địa hình. Khảo sát địa chất phần cầu hoàn thành 60%, phần tuyến đạt khoảng 36%. Dự kiến đến ngày 20-9, thành phố cũng hoàn thành khâu khảo sát mỏ vật liệu và bãi đổ thải cho dự án. Cũng trong tháng này, UBND thành phố Cần Thơ sẽ làm việc với UBND tỉnh An Giang và UBND tỉnh Hậu Giang để thống nhất điểm đấu nối. Khoảng đầu tháng 10 hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế các yếu tố cơ bản để trình Bộ GTVT xem xét chấp thuận làm cơ sở thực hiện giải phóng mặt bằng.
Trong buổi làm việc mới đây với các địa phương về tình hình triển khai dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh 5 mốc tiến độ phải tập trung thực hiện. Cụ thể, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoàn thành trước ngày 12-11-2022 để Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thẩm định, phê duyệt trước ngày 10-12-2022. Lập khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư liên quan đến 2 tỉnh trở lên, hoàn thành trước ngày 31-10-2022 để Bộ TN&MT thẩm tra, bảo đảm trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25-11-2022. Lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương trước ngày 20-1-2023. Phê duyệt dự án hoàn thành trước ngày 20-1-2023 và bảo đảm khởi công trước ngày 30-6-2023. Phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30-6-2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31-12-2023.
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, ông Lê Đức Tuân cho biết: Ban Quản lý dự án tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông để thống nhất kế hoạch triển khai công việc, bám sát theo các mốc thời gian Nghị quyết giao. Đồng thời, tiến hành giám sát hàng tuần, không để chậm các mốc tiến độ. Trên cơ sở hồ sơ thiết kế được duyệt ở bước chủ trương, tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ để cắm cọc giải phóng mặt bằng. Song song đó, thống nhất việc điều chỉnh cục bộ một số điểm trên tuyến để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ẨN LIÊN (Báo Hậu Giang)