Hậu Giang: Hiệu quả kinh tế từ mô hình cánh đồng lớn

13/06/2022 - 13:47

Sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn (CĐL) đã được triển khai ở nhiều địa phương, đạt năng suất cao, nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra, giảm được chi phí sản xuất,... góp phần tạo sự liên kết chặt chẽ hơn giữa Nhà nước - doanh nghiệp - nông hộ - nhà khoa học. Do đó, diện tích CĐL ngày càng được mở rộng, nhất là các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó có Hậu Giang.

Sản xuất lúa trong mô hình cánh đồng lớn giảm được chi phí, cho lợi nhuận cao hơn nhiều so với sản xuất tự do.

Năm 2012, mô hình CĐL đã được UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo thực hiện tại huyện Vị Thủy và Châu Thành A. Hiện nay, mô hình này được mở rộng tại các huyện Vị Thủy, Long Mỹ, Châu Thành A, Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh. Hàng vụ, những hộ dân trong CĐL được các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu và thu mua với số lượng lớn. Tuy vậy, hiện nay vẫn còn nhiều nông hộ sản xuất lúa theo mô hình truyền thống, chi phí tăng, thu nhập thấp hơn nhiều so với hộ dân trong CĐL.

Nghiên cứu tiến hành khảo sát 194 nông hộ trồng lúa ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang trong vụ Đông xuân năm 2020-2021; trong đó, 97 nông hộ sản xuất trong CĐL, 97 nông hộ sản xuất theo kiểu tự do, truyền thống. Ngoài ra, nghiên cứu còn sử dụng số liệu thứ cấp từ báo cáo tổng kết năm 2019, 2020 và các giai đoạn phát triển kinh tế của UBND huyện Vị Thủy 2016-2020; báo cáo tổng kết năm của các cơ quan, ban, ngành, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy năm 2019, 2020; Niên giám thống kê huyện Vị Thủy năm 2019, 2020.

Nghiên cứu sử dụng các phương pháp phân tích như: Phương pháp so sánh, phương pháp chi tiết, phương pháp thống kê mô tả, phương pháp chuyên gia. Để phân tích hiệu quả kinh tế và các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của nông hộ trồng lúa trong và ngoài mô hình CĐL, nghiên cứu phân tích các chỉ tiêu như tổng chi phí, doanh thu, thu nhập ròng, thu nhập ròng trên chi phí, thu nhập ròng trên doanh thu, doanh thu trên chi phí, thu nhập ròng trên ngày công. Ngoài ra, nghiên cứu còn phân tích các chỉ tiêu kinh tế khác, như: hiệu quả kinh tế tuyệt đối, hiệu quả kinh tế tương đối, hiệu quả kinh tế tăng thêm. Ngoài ra, để phân tích các yếu tố ảnh hưởng của hai mô hình trồng lúa trong và ngoài mô hình CĐL, nghiên cứu sử dụng mô hình phân tích hồi quy.

Kết quả khảo sát cho thấy, 2 nhóm nông hộ sản xuất lúa trong và ngoài CĐL có một số khác biệt về độ tuổi, trình độ học vấn, số thành viên của nông hộ, số thành viên tham gia sản xuất, diện tích và kinh nghiệm. Từ các phương pháp và mẫu khảo sát trên, nghiên cứu chỉ ra hiệu quả kinh tế sản xuất lúa trên 1ha trong và ngoài CĐL của 2 mô hình. Qua so sánh, chi phí mô hình CĐL thấp hơn mô hình sản xuất tự do là 3,94%, nhưng doanh thu mô hình CĐL chênh lệch đến 20,33%, còn thu nhập ròng thì cao hơn đến 42,1%.

Kết quả nghiên cứu cho thấy cả 2 mô hình đều mang lại hiệu quả kinh tế cho nông hộ. Tuy vậy, mô hình sản xuất lúa trong CĐL mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình sản xuất lúa tự do. Chi phí sản xuất lúa trong CĐL thấp hơn so với sản xuất lúa tự do khoảng 736.000 đồng/ha, sản lượng lúa thu hoạch trong CĐL cao hơn khoảng 0,67 tấn/ha lúa. Giá bán lúa trong CĐL cũng cao hơn sản xuất tự do là 555,52 đồng/kg, do đó doanh thu mang về cho việc sản xuất lúa trong CĐL cao hơn sản xuất tự do trên 8 triệu đồng/ha, còn thu nhập ròng thì cao hơn gần 9 triệu đồng/ha. Các tỷ số doanh thu trên chi phí và thu nhập của mô hình sản xuất lúa trong CĐL cao hơn 0,53 lần so với sản xuất tự do, tỷ số thu nhập trên doanh thu thì cao hơn khoảng 0,1 lần.

So với nông hộ ngoài CĐL thì nông hộ tham gia sản xuất lúa trong mô hình CĐL có chi phí giảm 736.267,32 đồng/ha, doanh thu tăng 4.361.918,04 đồng/ha, thu nhập cao hơn 5.098.185,36 đồng/ha.

Phân tích, so sánh kết quả các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của hai mô hình bằng phương pháp phân tích hồi quy tuyến tính cho thấy: cả hai mô hình sản xuất lúa trong CĐL và sản xuất lúa tự do đều cho kết quả là các nhân tố định tính thuộc về đặc điểm cá nhân của nông hộ như: tuổi, trình độ, số lượng người của gia đình, thành viên tham gia sản xuất, diện tích, năm kinh nghiệm đều không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập trồng lúa của nông hộ.

Các nhân tố chi phí có sự ảnh hưởng tới thu nhập của nông hộ trồng lúa trong CĐL gồm: Chi phí làm đất, chi phí gieo sạ, chi phí cấy giặm, làm cỏ, chi phí thuốc nông dược, chi phí phân bón, chi phí bón phân. Còn các nhân tố chi phí có sự ảnh hưởng tới thu nhập của nông hộ trồng lúa tự do gồm: Chi phí giống, chi phí cấy giặm, làm cỏ, chi phí thuốc nông dược, chi phí phân bón, chi phí bón phân và chi phí lao động gia đình. Đối với mô hình CĐL thì chi phí cấy giặm, làm cỏ ảnh hưởng nhiều nhất đến lợi nhuận của nông hộ, còn đối với nông hộ trồng lúa tự do thì chi phí giống là có sự ảnh hưởng nhiều nhất đến lợi nhuận của nông hộ.

Khi tham gia mô hình CĐL người dân được tập huấn kỹ thuật trồng lúa thường xuyên, khoa học; sản phẩm đầu ra được thuận lợi hơn và bán được giá cao hơn. Sản xuất lúa theo mô hình CĐL giúp cho nông dân và doanh nghiệp liên kết với nhau, tạo ra sản phẩm lúa chất lượng cao, sản xuất theo nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh một số thuận lợi thì sản xuất lúa theo mô hình CĐL cũng gặp những khó khăn nhất định, như hợp đồng bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp đối với người dân có thể bị phá vỡ khi thị trường lúa, gạo cung lớn hơn cầu; số doanh nghiệp tham gia mô hình này chưa nhiều; chưa có sự tham gia liên kết của các nhà khoa học, ngân hàng…

Do đó, nghiên cứu đề xuất cần có sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động nông hộ tham gia mô hình CĐL; hỗ trợ người dân áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, giới thiệu các phương pháp canh tác có hiệu quả cao, giúp người dân định hướng xu hướng thị trường. Tăng cường sự phối hợp của các doanh nghiệp, liên kết chặt chẽ với người dân, đảm bảo nguồn cung đầu vào và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra ổn định. Có giải pháp thu hút các nhà khoa học tham gia tập huấn kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật; tăng sản lượng, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiểu biết cho người dân…

Theo Báo Hậu Giang