Các vườn trái cây ở thành phố Ngã Bảy là sản phẩm du lịch đang thu hút du khách.
Đa dạng sản phẩm du lịch miệt vườn
Với sự nỗ lực của nhà vườn, sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương đã từng bước tạo nên những sản phẩm du lịch phong phú. Vườn dâu Thiên Ân, vườn trái cây Bảy Liễu, Chín Hùng, Kim Ngân... Mỗi điểm có diện tích trên dưới 20 công đất, được nhà vườn chọn trồng một hoặc nhiều loại cây ăn trái, nhiều nhất là dâu, chôm chôm, sầu riêng, để thu hút khách nhiều mùa vụ trong năm.
Đến đây, du khách không chỉ tham quan phong cảnh miền quê, còn được thưởng thức những loại trái cây theo mùa, những món ăn đồng quê, như cá lóc, chuột đồng, ốc bươu được nướng trui, nấu chua, luộc mẻ, hấp tiêu... Để tạo sức hút riêng, nhà vườn còn nghiên cứu tạo nên những trò chơi như đánh đu, kéo co, đi cầu lắc, trải nghiệm tát mương bắt cá... Dù chưa thật sự đa dạng, nhưng mỗi điểm đến đều là sự đầu tư sáng tạo, tâm huyết, góp phần tạo nên nét riêng cho sản phẩm du lịch của địa phương.
Ngoài những vườn cây ăn trái đặc sản, thành phố còn có điểm du lịch sinh thái Ngã Bảy sông Garden, mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên khi thưởng ngoạn cảnh sắc bên dòng sông Ngã Bảy và thưởng thức những món ăn, thức uống bình dân nhưng gợi nhớ. Hay Homestay Miệt Vườn mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên với những buổi tiệc bánh dân gian, trái cây vào những dịp lễ, tết, thưởng thức đờn ca tài tử và nghe nhiều câu chuyện hay về lịch sử của bài hát “Tình anh bán chiếu” nổi tiếng gắn với danh ca Út Trà Ôn, câu chuyện về các làng nghề ven sông Ngã Bảy...
Những người dân làm du lịch ở Ngã Bảy đã bằng tình yêu quê hương, muốn giới thiệu đặc sản quê mình, đã không ngừng nỗ lực, mài mò học hỏi cách làm du lịch. Được địa phương tiếp sức, tạo điều kiện, các nhà vườn mạnh dạn đầu tư, tham quan những mô hình du lịch sinh thái miệt vườn ngoài tỉnh để đúc kết kinh nghiệm. Ông Ngô Văn Liễu, chủ vườn trái cây 7 Liễu, xã Tân Thành, chia sẻ: “Được học hỏi, tôi dần rút kinh nghiệm để bài trí trong khu vườn của mình thành nhiều khu, làm thêm nhiều trò chơi dân dã để thu hút khách. Sắp tới, tôi trồng thêm nhiều loại trái cây để mở cửa đón khách thường xuyên, không còn trông chờ một vụ chôm chôm như thời gian qua”.
Các nhà vườn còn tự quảng bá bằng cách ứng dụng mạng xã hội để đưa sản phẩm du lịch của mình đến gần với du khách.
Kỳ vọng từ tiểu đề án về du lịch...
Thời gian qua, từ việc ban hành, triển khai nghị quyết, xây dựng và triển khai kế hoạch, đề án, bám sát nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển du lịch, lĩnh vực này ở Ngã Bảy đã được quan tâm đầu tư. Ngoài việc xây dựng công trình cầu tàu, bờ kè và các mô hình tàu tại điểm phục hồi Chợ nổi Ngã Bảy, với tổng kinh phí trên 35 tỉ đồng, thành phố còn đang triển khai xây dựng trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 3 sao. Trên địa bàn có 2 doanh nghiệp lữ hành đã chào bán các sản phẩm du lịch Ngã Bảy để thu hút khách.
Địa phương tăng cường quảng bá, xúc tiến, kêu gọi đầu tư lĩnh vực du lịch trên phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng video quảng bá cảnh đẹp quê hương... Ông Nguyễn Hoài Vũ, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Ngã Bảy, chia sẻ: “Ngã Bảy đang từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, tiếp tục phát huy thế mạnh, tiềm năng, để phát triển du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền các nghị quyết, kế hoạch của tỉnh, của địa phương; quan tâm liên kết, truyền thông, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư, từng bước xây dựng những điểm đến, sản phẩm du lịch thật sự khác biệt”.
UBND thành phố Ngã Bảy vừa ban hành Tiểu đề án Phát triển du lịch thành phố Ngã Bảy bền vững giai đoạn 2023-2025, mục tiêu đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể của tiểu đề án là đến năm 2025, có 50.000 lượt khách đến tham quan hàng năm, doanh thu du lịch đạt 25 tỉ đồng/năm; xây dựng ít nhất 1 khách sạn 3 sao, 2 trung tâm thương mại phục vụ du lịch, 1 chợ đầu mối, 1 khu văn hóa, vui chơi, giải trí. Đến năm 2030, lượt khách đến Ngã Bảy là 200.000 lượt/năm, trở thành điểm du lịch hấp dẫn... Để đạt được mục tiêu đó, là những giải pháp gắn với từng nhiệm vụ, giải pháp cụ thể theo từng năm, giai đoạn.
Ông Bùi Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngã Bảy, cho biết: “Tiểu đề án là cần thiết để phát triển các sản phẩm du lịch của thành phố, tạo ra điểm khác biệt, độc đáo để thu hút du khách. Chúng tôi đã phân kỳ và xây dựng những giải pháp để thực hiện, nổi bật là tập trung đầu tư hạ tầng và xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù với mục tiêu bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, tạo nên sự khác biệt từ tiềm năng và lợi thế của địa phương”.
Đưa thành phố Ngã Bảy trở thành điểm du lịch hấp dẫn
UBND thành phố Ngã Bảy vừa ban hành Tiểu đề án Phát triển du lịch thành phố Ngã Bảy bền vững giai đoạn 2023-2025, mục tiêu đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể của tiểu đề án là đến năm 2025, có 50.000 lượt khách đến tham quan hàng năm, doanh thu du lịch đạt 25 tỉ đồng/năm; xây dựng ít nhất 1 khách sạn 3 sao, 2 trung tâm thương mại phục vụ du lịch, 1 chợ đầu mối, 1 khu văn hóa, vui chơi, giải trí. Đến năm 2030, lượt khách đến Ngã Bảy là 200.000 lượt/năm, trở thành điểm du lịch hấp dẫn...
Theo VĨNH TRÀ (Báo Hậu Giang)