Hậu Giang: Khoa học và công nghệ đóng góp vào sự phát triển chung

26/07/2024 - 09:10

Sáu tháng đầu năm, các huyện, thị, thành phố đã nỗ lực triển khai hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), góp phần đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.

Người dân các địa phương được tiếp nhận, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.

Động lực quan trọng cho sự phát triển

KH&CN là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và mỗi huyện, thị, thành phố nói riêng.

Tại huyện Vị Thủy, từ năm 2010-2023, có 20 dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được triển khai trên địa bàn, với tổng kinh phí hơn 1,4 tỉ đồng. Tiêu biểu là các dự án như: “Trồng rau thủy canh trong nhà màng theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm gắn truy suất nguồn gốc bằng công nghệ số”; “Phục hồi cây trầu sau lũ bằng cách bón phân vi sinh đa chức năng Azotobacterin và Trichodermina”; “Xây dựng mô hình trồng rau khí canh trụ đứng trong nhà lưới theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm”,… góp phần đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Dự án “Xây dựng mô hình trồng, chế biến ổi ruột đỏ tại huyện Long Mỹ, Hậu Giang” là nhiệm vụ KH&CN của huyện Long Mỹ, do Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh chủ trì thực hiện. Trong thời gian triển khai, dự án đã tập huấn, theo dõi, hướng dẫn các hộ tham gia về kỹ thuật trồng và quản lý sâu bệnh hại. Thu hoạch, sơ chế, phân loại, bảo quản và chế biến ổi sấy dẻo. Chuyển giao quy trình công nghệ ổi sấy dẻo cho Hợp tác xã Tiến Nông, ở ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn. Quảng bá sản phẩm “Ổi sấy dẻo Long Mỹ” trên các phương tiện thông tin đại chúng,… mang lại lợi ích thiết thực cho người trồng ổi tại địa phương.

Từ đầu năm đến nay, phòng kinh tế, phòng kinh tế và hạ tầng các huyện, thị, thành phố còn nỗ lực phát động và chọn sản phẩm tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ XI năm 2024. Triển khai hoạt động sở hữu trí tuệ; công tác an toàn bức xạ; công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; công tác thanh tra, kiểm tra; công tác thông tin về KH&CN,… Qua đó, duy trì hoạt động KH&CN, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển KH&CN của tỉnh.

Tiếp tục trợ lực cho lĩnh vực thế mạnh và quan trọng của tỉnh nhà

Trong 6 tháng đầu năm, các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp huyện. Bên cạnh những mô hình, đề tài, dự án đã và đang triển khai, các địa phương còn xây dựng thêm một số nhiệm vụ mới, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp.

Vừa qua, UBND thành phố Ngã Bảy đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ thực hiện mô hình “Trồng nấm mối đen” và mô hình “Trồng nấm rơm trong nhà” trên địa bàn. Trong đó, mô hình “Trồng nấm mối đen” dự kiến được xây dựng tại khu vực 7, phường Hiệp Thành, với quy mô 3.000 phôi nấm trong 2 vụ. Đây là cơ sở để hoàn thiện quy trình trồng nấm mối đen thương phẩm phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương.

Bà Nguyễn Thị Kiều Tiên, Trạm Khuyến nông thành phố Ngã Bảy, chủ nhiệm mô hình “Trồng nấm mối đen”, cho biết: “Từ kết quả xây dựng mô hình và hoàn thiện quy trình trồng nấm mối đen thương phẩm, chúng tôi sẽ tiến hành thu hoạch và phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội của mô hình. Làm cơ sở để khuyến cáo nhân rộng mô hình, hướng đến mục tiêu ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị, cải thiện thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố”.

Đến thời điểm này, thị xã Long Mỹ đã xác định được các nhiệm vụ sẽ triển khai trong năm nay. Ông Nguyễn Văn Thống, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, thông tin: “Qua họp hội đồng năm 2024, có 3 dự án, ứng dụng đăng ký và lựa chọn thực hiện là: Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị giám sát đất trồng lúa nước; Ứng dụng vi khuẩn quang dưỡng không lưu huỳnh màu tía trong cung cấp N, P, K cho cây dưa hấu trồng trên đất phèn tại thị xã Long Mỹ; Ứng dụng Google Earth trong quản lý hạ tầng thủy lợi trên địa bàn thị xã Long Mỹ”.

Những mô hình, đề tài, dự án trên sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới đến với người dân, góp phần tích cực trong phát triển lĩnh vực nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.

Với kinh phí sự nghiệp KH&CN hàng năm, các địa phương đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp huyện trên các lĩnh vực, trong đó, đa số là các mô hình, đề tài dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng trên các loại cây trồng, vật nuôi đặc trưng, chủ lực, giàu tiềm năng trên địa bàn.

Theo ĐANG THƯ (Báo Hậu Giang)