Hậu Giang: Niềm tự hào của nữ cựu thanh niên xung phong

02/05/2024 - 10:59

Ở tuổi 79, trí nhớ không như xưa nhưng những ký ức về một thời hoa lửa vẫn còn vẹn nguyên với bà Trần Thị Định (Năm Định), cựu thanh niên xung phong ở ấp 7, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ.

A A

Bà Năm Định thường xuyên kể những chuyện về thời tuổi trẻ với các con.

Năm 1966, theo tiếng gọi của non sông, cô gái 18 tuổi Năm Định hăm hở cùng bạn bè tình nguyện gia nhập lực lượng thanh niên xung phong. Vào đơn vị, bà Năm Định được làm nhiệm vụ cùng nhiều người con anh dũng khác của mọi miền Tổ quốc, càng thôi thúc bà cố gắng trong mọi công việc được giao. Khi ấy, đội của bà hoạt động ở tuyến đường 1C để vận chuyển vũ khí, súng đạn từ Campuchia về chiến trường Tây Nam bộ. “Mỗi người được phân công vác 25 ký vũ khí. Lúc đó, tôi mập mạp, khỏe lắm, chứ đâu có ốm như bây giờ”, bà Năm Định cười hiền.

Việc vận chuyển vũ khí phục vụ chiến trường hết sức gian khổ, phải luồn lách vào những cánh rừng tràm, nhiều người đã hy sinh vì bom đạn kẻ thù, vì bệnh tật… Nhưng tất cả những khó khăn không làm cho người nữ thanh niên xung phong và các đồng đội nao núng tinh thần, mà càng tích cực ngày đêm để kịp thời phục vụ cách mạng. Để tránh quân địch phát hiện, trên lưng mỗi người ngụy trang bằng những nhánh tràm, mùa nước thì chở vũ khí bằng xuồng, đến mùa khô thì vác bộ.

Trong một lần đi nhận lương thực, khi về gần tới cứ, bà Năm Định ngửi thấy mùi thuốc thơm, lúc này bà nói với mọi người, hình như có quân địch. Mọi người tức tốc chạy trốn. Rồi quân địch càn quét dữ đội, bà Năm Định cùng với 3 đồng đội chạy vào rừng. Suốt 3 ngày trong rừng vừa đói, vừa khát, mọi người ăn rau rừng qua ngày.

Mưa bom, bão đạn chẳng làm vơi đi ý chí của người con gái kiên cường. Bà Năm Định hồi tưởng: “Lần đó, trực thăng quân địch đổ bộ kêu gọi chiến sĩ của ta đầu hàng, tôi chạy tới chạy lui để giữ liên lạc giữa 2 đội. Rồi chúng bắn dữ dội, tôi cùng với 3 đồng chí trốn trong hầm, hầm bị sập, tôi bị trúng bàn tay, cây tràm đè lên đầu, bây giờ cái đầu bị móp một bên”.

Gian lao, vất vả đâu chỉ bấy nhiêu, trong một lần làm nhiệm vụ bị quân địch phóng pháo, quần áo của bà Năm Định bị cháy, chỉ còn một bộ duy nhất, bà phải mượn đồ của chị em trong đội mà mặc. Do có 2 bộ đồ nên sau khi giặt xong thì bà đốt lá cây bối để hơ cho mau khô. Bà Năm Định cho biết: “Lá bối không có khói, chứ lá tràm quân địch sẽ phát hiện ngay, chúng tôi phải kỹ càng từng chút”.

Từ năm 1966 đến năm 1972, bà Năm Định cùng đồng đội tham gia vận chuyển nhiều chuyến hàng phục vụ cho chiến trường. Ngoài ra, còn trực tiếp cầm súng chiến đấu để bảo vệ căn cứ, lực lượng. Đầu năm 1973, bà bị bệnh sốt rét ác tính, tóc rụng hết. Đến tháng 4, sức khỏe dần hồi phục, bà xin tổ chức cho được về thăm nhà. Lúc này, bà về tới Vĩnh Viễn, nghe người quen nói cha bà đã hy sinh mấy tháng nay, bà chỉ biết nín lặng, không nói nên lời.

Về đến nhà, thấy mẹ vất vả lo cho đàn em nheo nhóc, người chị thứ hai, người em thứ bảy bị địch bắt tù đày. Thấy hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bà xin tổ chức cho bà nghỉ ở nhà làm ruộng phụ mẹ nuôi đàn em thơ.

Hiện nay, dẫu vết thương chiến tranh vẫn còn để lại trên cơ thể, cộng thêm bệnh tật, song với bản lĩnh được trui rèn qua lửa đạn, người con gái kiên cường năm xưa vẫn lạc quan. Bà Năm Định khẳng định rằng: “Tôi luôn tự hào khi được lên đường ra tiền tuyến góp sức cho ngày toàn thắng của dân tộc”.

Năm 2021, Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh đã vận động hỗ trợ 50 triệu đồng, để bà xây dựng lại căn nhà. Năm nay, bà Năm Định đã 79 tuổi, sống cùng vợ chồng người con trai thứ năm. Lâu lâu được gặp, trò chuyện cùng đồng chí, đồng đội năm xưa. Với bà, đó là niềm vui của tuổi xế chiều…

Ông Lê Chí Công, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh, cho biết: “Toàn tỉnh có khoảng 150 hội viên cựu thanh niên xung phong, các hội viên luôn thực hiện nếp sống “Lúc trẻ xung phong, về già gương mẫu”. Hội tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để mọi người vươn lên, sống vui, sống khỏe”.

Theo BÍCH CHÂU (Báo Hậu Giang)