Mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng ĐBSCL.
Định hướng rõ ràng
Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Quy hoạch tỉnh Hậu Giang, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chủ đề đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 8,7%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 150 triệu đồng/năm. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 14%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 40%; khu vực dịch vụ khoảng 38%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 8%.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Hậu Giang xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển là thực hiện 5 đột phá chiến lược là 1 tâm, 2 tuyến, 3 trung tâm đô thị (3 thành), 4 trụ cột kinh tế, 5 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, 1 trung tâm là phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm công nghiệp và đô thị của tỉnh. 2 tuyến hành lang kinh tế động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu. Hình thành hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh. 3 trung tâm đô thị gồm thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ, trong đó, thành phố Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. 4 trụ cột kinh tế là công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng.
5 nhiệm vụ trọng tâm là: Hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Chú trọng liên kết vùng
Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, tỉnh xác định quy hoạch là khởi nguồn và tạo đột phá cho phát triển. Trên cơ sở định hướng chỉ đạo, gợi mở của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, bám sát chặt chẽ quyết định quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, Hậu Giang tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, bám sát chặt chẽ Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tỉnh Hậu Giang vừa được phê duyệt.
“Mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh giữ vững phương châm hành động đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng. Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và hiệu quả thực chất”, ông Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Hậu Giang phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường là quan điểm chủ đạo, lấy yếu tố con người làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển, lấy thích ứng với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển phổ biến. Khai thác tối đa, tổng hợp yếu tố về văn hóa. Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nông nghiệp là trụ đỡ, công nghiệp là trụ cột phát triển, hướng thương mại - dịch vụ là động lực tăng trưởng, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người dân. Phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển. Phát triển hạ tầng đi trước để tạo nền tảng cho sự phát triển nhanh, ổn định, bền vững. Ưu tiên hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, dịch vụ…
“Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình, dự án ngành, nghề trọng điểm phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ…”, ông Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận và biểu dương nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang, góp phần tạo nên sự phát triển nhanh chóng, từ hạ tầng đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian qua. Phó Thủ tướng cho rằng chưa bao giờ cơ hội đến với Hậu Giang lớn như bây giờ, khi tỉnh sẽ là nơi giao thoa của 3 dự án cao tốc lớn qua khu vực đồng bằng sông Cửu Long; có đội ngũ cán bộ có khả năng tiếp nối truyền thống, có năng lực đổi mới cách nghĩ, cách làm để tạo sự đột phá; sản lượng nông sản lớn trong khi giá nông sản tăng cao.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chỉ rõ định hướng phát triển và những nhiệm vụ cần triển khai. Quá trình triển khai phải bảo đảm tuân thủ quy hoạch nhưng không cứng nhắc, bảo đảm đồng bộ với các quy hoạch khác; chú trọng quảng bá quy hoạch đến với người dân và doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận, chung tay, góp sức khi triển khai công trình, dự án cụ thể.
Để thực hiện tốt quy hoạch, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng tỉnh cần xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch, trong đó phải tính đến yếu tố liên kết vùng, trước hết là kết nối về giao thông như kinh nghiệm của một số địa phương, trong đó có Hải Phòng; khai thác những thế mạnh văn hóa của địa phương. Đối với những việc khó, phải có cách tiếp cận mới; tăng cường sự phối hợp trong, ngoài; người đứng đầu phải làm gương, truyền cảm hứng cho cấp dưới; chú trọng đào tạo cán bộ bằng nhiều hình thức, trong đó có việc trao truyền kinh nghiệm. Chủ trương của Chính phủ tới đây sẽ phân cấp rất mạnh cho các địa phương để phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp cơ sở, còn Trung ương sẽ tập trung làm chính sách và kiểm tra giám sát.
Theo MỘNG TOÀN (Báo Hậu Giang)