Hậu Giang: “Tết này múa lân làm ăn được lắm!”

19/01/2023 - 14:36

Mấy năm qua do dịch Covid-19 ảnh hưởng khiến múa lân tết trầm lắng, còn năm nay đã khác, nhiều đoàn lân sư rồng chia sẻ: “Tết này múa lân làm ăn được lắm!”

Ngoài lễ, tết, múa lân biểu diễn nhiều vào các dịp khai trương, động thổ, tân gia.

Cận tết là thời điểm hoạt động của các đội lân trở nên sôi động, họ thường tập trung biểu diễn tại nơi đông dân cư, hộ kinh doanh buôn bán, sự kiện, khai trương.... Để có màn trình diễn đẹp mắt, thu hút người xem, các đội đều tất bật tập luyện vì múa lân không chỉ cần kỹ thuật tốt mà còn phải thả hồn vào từng động tác. Các đội cũng bổ sung thêm bài múa mới, đảm bảo thực hiện thuần thục động tác khó như trèo múa trên cây cao, mai hoa thung để tạo hứng thú, độc lạ cho khán giả. Ngoài ra, chú trọng đầu tư thêm trang phục, đạo cụ để phục vụ…

Anh Trần Thanh Cảnh, Trưởng đoàn lân sư rồng Nghĩa Tâm Hội chi nhánh Hào Dũng đường (Hào Dũng Vị Thanh), thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Đội thành lập từ năm 2021, nhờ kỹ thuật chuyên môn tốt nên trung bình mỗi tháng diễn hơn 15 ngày, chủ yếu ở sự kiện, khai trương, tiệc,… Tết này, lịch biểu diễn của đoàn gần như kín từ mùng 1 đến mùng 9, hy vọng anh em có thêm nguồn thu nhập, phần nào trang trải cuộc sống. Xa hơn, tôi mong múa lân sẽ ngày càng phát triển ở Hậu Giang”.

Thông tin từ các đoàn, mỗi tiết mục múa thông thường từ 3 triệu đồng trở lên, giá cũng biến động tùy theo yêu cầu khách hàng, mức độ khó của động tác biểu diễn. Đội lân thường từ 15-30 thành viên, nhiều nghề nghiệp, tuổi tác, hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có chung một ước muốn là “cháy” hết mình với ngọn lửa đam mê. Dù vậy, múa lân đối với nhiều người chỉ là nghề tay trái, khi thu nhập cá nhân không ổn định, đầu tư vào trang phục, dụng cụ biểu diễn lớn. Nhưng với họ, việc được biểu diễn là niềm vui khôn tả nên hễ có lịch phục vụ là sẵn sàng gác lại công việc.

Ông Phan Văn So, huấn luyện viên Đội lân sư rồng Tư So Đường ở thị xã Long Mỹ, cho biết: “Các thành viên duy trì tập luyện khoảng hơn 2 giờ mỗi ngày để nắm vững bài múa cũng như rèn luyện thể lực. Mấy năm qua do dịch Covid-19 ảnh hưởng khiến hoạt động khá trầm lắng, vì vậy chúng tôi hy vọng tết năm nay sẽ biểu diễn được nhiều hơn. Sau các hoạt động thi đấu của tỉnh, đội sẽ phục vụ ở địa phương từ mùng 1 đến hết mùng 9”.

Xem các đội biểu diễn, trẻ em thích thú reo hò, người lớn phấn khởi vì tiếng chiêng trống rộn ràng trong nhà, ngoài cửa, múa lân đã thực sự mang lại không khí hối hả đón xuân. Anh Nguyễn Huỳnh Chiêu, Trưởng đoàn lân sư rồng Chiêu Duy Đường, ở huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Đam mê và gắn bó với múa lân gần 15 năm, nên khi thấy phong trào dần mai một bản thân rất buồn, lúc điều kiện cho phép tôi thành lập đoàn hoạt động từ năm 2018. Các anh em vừa có thêm khoản thu nhập lại thỏa đam mê, kèm theo việc duy trì bộ môn là mục tiêu mà chúng tôi hướng đến”.

Vài năm gần đây, phong trào múa lân có dấu hiệu hồi phục ở Hậu Giang khi được tỉnh đưa vào tổ chức thường niên trong các dịp lễ, Tết. Tỉnh cũng đăng cai giải vô địch quốc gia lân sư rồng, mở lớp tập huấn trọng tài, huấn luyện viên cấp quốc gia. Đáng mừng là lân sư rồng còn chính thức có trong chương trình thi đấu ở Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX vừa qua sẽ là tiền đề đưa phong trào thêm khởi sắc.

Toàn tỉnh hiện có 17 câu lạc bộ múa lân: thành phố Vị Thanh 9 câu lạc bộ, huyện Châu Thành A 3 câu lạc bộ, thành phố Ngã Bảy 2 câu lạc bộ, huyện Châu Thành, huyện Phụng Hiệp và thị xã Long Mỹ, mỗi nơi 1 câu lạc bộ.

Theo Báo Hậu Giang