Hậu Giang: Tích cực phòng, chống xâm nhập mặn

20/02/2024 - 09:38

Những ngày qua, nước mặn với nồng độ cao đã và đang xuất hiện tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, đồng thời cơ quan chức năng dự báo độ mặn sẽ còn tiếp tục tăng cao trong những ngày tới. Do đó, công tác phòng, chống xâm nhập mặn đang được ngành chức năng và người dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm trong lúc này.

Cán bộ chuyên môn của ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường kiểm tra, thông tin nhanh về tình hình xâm nhập mặn tại các điểm chính trên địa bàn huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh.

Đóng nhiều cống ngăn mặn

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh thì tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh trong những ngày vừa qua diễn biến tương đối gay gắt, nhất là nước mặn theo thủy triều biển Tây xâm nhập vào địa bàn huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh. Cụ thể, qua kết quả đo mặn của ngành chức năng thì từ ngày 12-2 vừa qua, độ mặn tại một số điểm chính trên địa bàn huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh đã vượt mốc 2‰. Trong đó, đáng chú ý là vào ngày 14-2, độ mặn tăng đột biến trên địa bàn thành phố Vị Thanh khi đạt mức 7,1‰ tại ngã ba Nước Trong và 6,2‰ ở kênh Lầu; còn tại huyện Long Mỹ, độ mặn cao nhất đo được vào ngày 15-2 tại cống Hóc Pó, với 3,5‰. Sau khi tăng đột biến, độ mặn bắt đầu hạ nhiệt và dao động ở mức cao nhất là từ 2,2-3,4‰; riêng ngày 19-2, độ mặn tại các điểm chính của huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh đều dưới 3‰.

Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, thông tin: Để ứng phó có hiệu quả trước tình hình xâm nhập mặn với nồng độ cao trong những ngày vừa qua, hiện địa phương đã đóng 5/23 cống hở và 5/17 cống tròn để ngăn nước mặn xâm nhập vào nội đồng trên địa bàn xã Lương Nghĩa và xã Vĩnh Viễn A. Về giải pháp đóng cống là khi nước mặn đi đến đâu vượt mức 1,5‰ sẽ tiến hành đóng cống đến đó. Mặt khác, hiện đơn vị cũng đã sẵn sàng các giải pháp thực hiện đắp đập thời vụ ngăn mặn khi vào thời điểm cần thiết. Bên cạnh đó, ngoài giải pháp công trình thì hàng ngày cán bộ của ngành nông nghiệp huyện còn thường xuyên đi kiểm tra độ mặn tại các điểm chính và nhanh chóng thông báo cho ngành chức năng các địa phương, người dân trong vùng có nước mặn xâm nhập chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn đạt hiệu quả, nhất là tại các vùng lúa Đông xuân 2023-2024.

Giống như huyện Long Mỹ, ông Võ Tứ Phương, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, cho hay: Để ngăn nước mặn xâm nhập vào nội đồng làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của người dân, hiện thành phố đã vận hành đóng 3 cống hở, gồm: cống Kênh 5 (sông Nước Đục), cống Kênh 5 (sông Cái Lớn) và cống kênh Lầu; đồng thời đóng 10 cống ngầm thuộc xã Hỏa Tiến. Tuy nhiên, qua kết quả đo mặn vào sáng ngày 19-2 thì độ mặn tại Kênh 5 đã giảm còn 0,9‰ nên địa phương sẽ mở cống này để trữ nước ngọt vào nội đồng, cũng như phục vụ công tác lưu thông bằng đường thủy của người dân; khi độ mặn vượt 1,5‰ sẽ tiến hành đóng lại theo quy định. Ngoài cống hở thì nhìn chung, 42 cống ngầm do thành phố quản lý đang được vận hành đóng mở theo thủy triều lên, xuống nên đảm bảo ngăn mặn hiệu quả.

Cũng theo ông Võ Tứ Phương, nhờ chủ động trong công tác phòng, chống hạn mặn nên tình hình thiệt hại do nước mặn xâm nhập trên địa bàn thành phố trong những ngày vừa qua không xảy ra. Các nhóm cây trồng dễ tổn thương do hạn, mặn cơ bản được bảo vệ tốt, gồm: lúa có 3.907ha (giai đoạn đồng trổ), cây ăn trái có 3.840ha và rau màu có gần 437ha.

Cùng với ngành chức năng thì hiện người dân tại các vùng bị xâm nhập mặn trên địa bàn huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh cũng tích cực chủ động trong việc ứng phó với xâm nhập mặn nhằm bảo vệ thành quả sản xuất của gia đình. Ông Đặng Văn Hiếu, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 1ha lúa Đông xuân đang trong giai đoạn trổ bông. Những ngày qua, tôi thường xuyên theo dõi bản tin thông báo mặn trên phương tiện thông tin đại chúng để biết độ mặn tại khu vực mình vào từng thời điểm như thế nào, từ đó có giải pháp trữ nước ngọt từ sớm trước khi nước mặn về. Nhờ chủ động từ sớm, hiện nguồn nước ngọt trong ruộng cơ bản phục vụ tốt cho nhu cầu của cây lúa nên tôi không đáng lo ngại khi nước mặn về như hiện nay”.

Tiếp tục cảnh giác với xâm nhập mặn

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, từ ngày 14 đến 21-2, nước mặn theo triều Biển Tây, trên sông Cái Lớn (tỉnh Kiên Giang) và kênh Chắc Băng (tỉnh Cà Mau) xâm nhập vào huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh qua các kênh như: Ngan Dừa, Nước Trong, Mười Thướt, Nước Đục, sông Cái Lớn của tỉnh Hậu Giang. Nồng độ mặn cao nhất từ 2,5-6,5‰. Thời gian xuất hiện mặn cao nhất trong ngày là từ 7 giờ đến 13 giờ. Mặc dù kết quả đo mặn vào ngày 19-2 tuy có giảm so với những ngày trước đó nhưng ngành chức năng tỉnh khuyến cáo người dân không nên lơ là mà tiếp tục cảnh giác vì nước mặn với nồng độ cao có thể xuất hiện bất ngờ. 

Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, thông tin thêm: Hiện trên địa bàn xã Vĩnh Viễn A vẫn còn nhiều diện tích lúa Đông xuân đang trong giai đoạn trổ nên nông dân nơi đây còn 2 đợt lấy nước vào đồng thời điểm cuối tháng 2 này. Tuy nhiên, trước tình hình xâm nhập mặn với nồng độ tương đối cao như hiện nay, ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo người dân trước khi lấy nước ngọt vào ruộng thì cần đến UBND xã Vĩnh Viễn A thông báo để cán bộ phụ trách xuống địa bàn kiểm tra nguồn nước, khi đảm bảo người dân mới tiến hành đưa nước vào ruộng nhằm hạn chế thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra. Ngoài ra, người dân cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin về kết quả đo mặn hàng ngày trên phương tiện thông tin đại chúng để có giải pháp ứng phó hiệu quả. Mặt khác, thường xuyên kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng xung quanh nhà để kịp thời xử lý khi có sự cố thủy triều dâng làm tràn bờ bao hay bị xì cống, bọng làm nước mặn rò rỉ vào nội đồng.

Cùng với giải pháp của địa phương, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề nghị các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh cần tập trung toàn bộ nguồn lực, chỉ đạo các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân ra sức phòng, chống hạn và xâm nhập mặn có hiệu quả. Trong đó, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh thường xuyên kiểm tra, vận hành các cống kiên cố do trung tâm quản lý khi có mặn xâm nhập. Việc vận hành đóng, mở các cống kiên cố phải đảm bảo vừa ngăn mặn hiệu quả, đồng thời vừa phục vụ sản xuất và lưu thông hàng hóa, nông sản cho người dân.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho rằng, ngoài thực hiện tốt công tác dự báo tình hình xâm nhập mặn vào từng thời điểm cụ thể thì một trong những giải pháp quan trọng trong ứng phó xâm nhập mặn hiệu quả là các đơn vị và cán bộ chuyên môn cần tăng cường công tác quan trắc độ mặn nhằm phát hiện sớm nồng độ mặn và địa bàn bị xâm nhập để thông tin kịp thời cho chính quyền các cấp kịp thời xử lý, cũng như người dân biết chủ động phòng tránh. Trong đó, công tác quan trắc phải đảm bảo thông suốt và liên tục từ tỉnh đến địa phương trên cơ sở đánh giá, dự báo để có sự chủ động ứng phó hiệu quả.

Theo HỮU PHƯỚC (Báo Hậu Giang)