Hoa của lính

24/12/2021 - 08:58

Chọn nghiệp nhà binh để đeo đuổi là một lựa chọn khá táo bạo đối với phái yếu, thế nhưng nữ quân nhân Trần Hoàng Hà vẫn tự tin tỏa sáng bằng chính niềm tin và khát vọng cống hiến trong màu áo xanh quân đội. Câu chuyện về Thiếu tá Trần Hoàng Hà - Trợ lý Ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Bạc Liêu sẽ khắc họa thêm những nét chấm phá mới cho hình ảnh nữ quân nhân trong thời bình.

Thiếu tá Trần Hoàng Hà nhận giải Hội thi “tuổi trẻ sáng tạo toàn quân” đạt giải 3 với đề tài “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác đoàn trong LLVT”.

Hoa lạc rừng gươm

Tốt nghiệp Đại học năm 2005, Thiếu tá Trần Hoàng Hà làm đơn xin nhập ngũ tại Bộ CHQS tỉnh Bạc Liêu. Cương vị đầu tiên chị đảm nhận là Trợ lý Tuyên huấn Phòng Chính trị rồi Trợ lý Viết sử Phòng Tham mưu, Trợ lý Thanh niên Phòng Chính trị và giờ đây là Trợ lý Ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Bạc Liêu. Nghiệp nhà binh gắn bó với chị Hà từ đó.

Nhớ lại những ngày đầu về công tác, chị Hà bồi hồi, “Mình học phổ thông và đại học ở TP. Hồ Chí Minh nên bạn bè toàn ở xa, quyết định về công tác tại Bạc Liêu phần lớn chính là tình yêu với màu xanh áo lính và một phần muốn được ở cạnh gia đình chăm sóc cha mẹ già. Mặc dù xác định rõ tư tưởng và quyết tâm là thế, nhưng những ngày đầu về quê sinh sống sau bao năm miệt mài nơi phố phường, cảm giác xa vắng bạn bè và giữa những đêm buồn, không biết bao lần mình rơi nước mắt”.

Tuổi đời còn trẻ cộng với công việc ban đầu chưa quen, chưa có nhiều kinh nghiệm lại là phụ nữ… nên những khó khăn ban đầu đối với chị Hà là không ít. Chia sẻ về những khó khăn đối với một người lính trẻ, lại thân con gái “hoa lạc giữa rừng gươm”, chị Hà ngậm ngùi, “sức con gái có hạn, không có thể lực tốt để làm các công việc nặng nhọc, khó khăn như các đồng nghiệp nam, các sinh hoạt cá nhân lại tế nhị nên đôi lúc mình cảm thấy tủi thân. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của cấp trên cũng như sự giúp đỡ nhiệt tình, sự cảm thông của đồng nghiệp nam và sự cố gắng không ngừng của bản thân, nên mình cũng khắc phục được phần nào những những khó khăn trong công việc”.

Khó khăn này chưa qua, thì khó khăn khác lại tới. Năm 2006, cha chị bị tai biến nặng phải nhập viện cấp cứu, sức khỏe vốn đã yếu nay lại yếu hơn, mẹ chị cũng vì tuổi tác nên cũng không khá hơn được bao nhiêu, kinh tế gia gặp nhiều khó khăn. Toàn bộ chuyện gia đình vất vả lại đè nặng lên đôi vai gầy nhỏ bé của người con gái như chị. Là người con duy nhất trong gia đình, lại là thân gái, không anh chị em như bao nhiêu bạn bè khác, chị chỉ biết cố gắng và nỗ lực hơn nữa trong lo toan việc nhà và việc cơ quan. “Có những lúc đang làm việc tại cơ quan, nghe điện thoại hàng xóm báo cha phát bệnh, mình lại phải xin phép cơ quan về nhà trong nhạt nhòa nước mắt”, chị tâm sự.

Tưởng chừng như bao khó khăn trong gia đình và công việc đã khiến chị quên đi những niềm khao khát hạnh phúc, những phút giây rung động đầu đời của của người con gái thì năm 2007, khâm phục nữ “chiến binh” giỏi việc nước, đảm việc nhà cũng như cái duyên, cái nợ, anh Đặng Văn Liêm đã ngỏ lời yêu thương và mong muốn cùng chung vai gánh vác cũng như chia sẻ những khó khăn, ngọt bùi với chị, cùng chị đi hết quãng đời còn lại. “Mình cảm thấy niềm vui sướng, sự hạnh phúc như vỡ òa. Một đôi vai vững chắc đã làm điểm tựa cho mình giữa cuộc sống, an ủi, chia sẻ, giúp đỡ, tạo điều kiện và cùng mình vượt qua nhiều khó khăn để mình hoàn thành tốt công việc tại đơn vị cũng như có thêm thời gian để chăm sóc bố mẹ”, chị Hà xúc động.

Nếu màu áo lính làm nên sự mạnh mẽ cho hình ảnh quân nhân, thì chắc hẳn sự mạnh mẽ ấy đã lan truyền cho người phụ nữ mảnh mai này khi một thân một mình phải chăm sóc con cái và cha mẹ già. Hoàn cảnh đơn chiếc của Hà luôn làm người khác phải ái ngại khi đặt mình vào hoàn cảnh của chị và nguồn động viên lớn nhất, chính là sự thấu hiểu, chia sẻ của người bạn đời cùng màu áo. Anh Đặng Văn Liêm, chồng chị Hà tâm sự: “Cô ấy là một người con gái có bản lĩnh, có ý chí và niềm khát khao khắc phục những khó khăn, chướng ngại vươn lên trong cuộc sống; là một người lính hoàn thành tốt công tác tại cơ quan cũng như là một người con gái hiếu thảo, hết mực thương yêu gia đình. Có những lúc vì công tác, tôi và gia đình hai bên đều bận, không ai chăm sóc con cái, nên cô ấy đã quyết định “mẹ con cùng hành quân” tại những vùng biên giới khó khăn, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn cùng cực. Nhìn cô ấy vất vả, tôi thấy thương yêu vô cùng, nhưng chỉ biết an ủi, động viên và giúp đỡ hết mình những gì có thể”.

Thiếu tá Thiếu tá Trần Hoàng Hà (người thứ nhất từ trái sang) tổ chức gói bánh tặng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Vàng mười thử lửa

Khoác lên mình bộ quân phục, Thiếu tá Trần Hoàng Hà vẫn không giấu được nét dịu dàng vốn có của một nữ quân nhân. Hơn 15 năm gắn bó với binh nghiệp cũng là ngần ấy năm nỗ lực với khát vọng được cống hiến và trưởng thành trong môi trường kỷ luật sắt – một môi trường đầy thử thách đối với chân yếu tay mềm, thế nhưng Thiếu tá Hà vẫn luôn vững tin trên con đường đã chọn.

Bằng lòng yêu và “say nghề”, muốn trở thành một người lính vững về chuyên môn, nghiệp vụ, chị Hà không ngừng học hỏi kinh nghiệm của các bậc cha chú đi trước, quan sát cách làm việc của đồng nghiệp để tìm ra phương pháp làm việc tốt nhất cho mình, đồng thời phấn đấu trau dồi, tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn cũng như công tác Đoàn, Hội…  Với lòng giàu nhiệt huyết, Thiếu tá Trần Hoàng Hà luôn xung phong, hăng hái trong các hoạt động chung của đơn vị. Ngoài việc gương mẫu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để các đồng chí trong đơn vị học hỏi, noi theo, chị Hà đã tổ chức nhiều hoạt động, thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, thanh niên và nhân dân tham gia như Hội trại “Tuổi trẻ lực lượng vũ trang Quân khu 9 tự hào tiếp bước truyền thống”, “Lực lượng vũ trang Quân khu 9 chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Hành quân xanh”, “Nói không với rượu bia khi tham gia giao thông”, “Ngôi nhà 100 đồng”, “Tiết kiệm bản thân để phần người khó”, “Vượt khó cùng đồng đội”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”; các hoạt động tình nguyện hiến máu nhân đạo, ủng hộ trẻ em nghèo khuyết tật trong tỉnh; thăm, tặng quà, khám, cấp phát thuốc cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo… đồng thời tổ chức các hoạt động ra quân tình nguyện dọn vệ sinh môi trường, vệ sinh khuôn viên cơ quan, trồng cây xanh, tham gia chỉnh trang, tạo cảnh quan, môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp…

Một trong những nét nổi bật của người nữ cán bộ lực lượng vũ trang này chính là sự “đa năng” và sáng tạo. Chị là nhân tố tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ do các cấp tổ chức, là người trực tiếp tham gia các tiết mục văn nghệ cũng như viết kịch bản tiểu phẩm truyên truyền tại các hội thi về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và đạt các giải thưởng cao của tỉnh cũng như toàn Quân khu 9. Thiếu tá Hà cho biết, “từ lúc còn học tập dưới mái trường mình đã có năng khiếu về văn nghệ và sôi nổi hoạt động các phong trào xung kích của nhà trường nên khi về công tác tại đơn vị thì đây là một thế mạnh vốn có của bản thân. Chính điều này cũng như sự đóng góp, hỗ trợ hết mình của các anh chị em đồng nghiệp nên đơn vị đã giành giải Nhất 5 năm liền trong hội trại truyền thống Quân khu 9 (12 tỉnh thành Tây Nam bộ)”

Với những đóng góp không ngừng nghỉ cho nghiệp nhà binh và phong trào đoàn, hội, nhiều năm qua, Thiếu tá Trần Hoàng Hà đã được cấp trên ghi nhận và tuyên dương: Giấy khen năm 2018 của Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Bằng khen của UBND tỉnh Bạc Liêu, Bằng tuyên dương của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bạc Liêu; Bằng khen năm 2019 của Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Giấy khen của Bộ CHQS tỉnh Bạc Liêu; Bằng khen năm 2020 của Bộ tư lệnh Quân khu 9 và đặc biệt hơn trong năm 2021 chị tham gia Hội thi “tuổi trẻ sáng tạo toàn quân” đạt giải 3 với đề tài " Giải pháp nâng cao chất lượng công tác đoàn trong LLVT", do Tổng Cục Chính trị tổ chức.

Đa năng, đa tài là những mỹ từ mà mọi người dành tặng cho Thiếu tá Hà. Nhưng đối với những ai đã từng đồng hành với nữ quân nhân này trong các công trình phần việc cụ thể thì lại cho rằng chị khác biệt trong cách thể hiện mình bằng chính những sáng tạo không ngừng nghỉ, và điều này lại truyền cảm hứng cho moi người xung quanh. Không cần phải cùng làm cùng ở với nữ quân nhân này thì mới nhận ra điều đó, mà chính ánh mắt và tâm thế của chị trong tác phong công việc, trong giao tiếp đã  toát lên một khát vọng mãnh liệt của sự dấn thân và sự cho đi. Đại úy Nguyễn Ngọc Út (Nhân viên Văn phòng, Bộ CHQS tỉnh Bạc Liêu) cho biết: “tôi ngưỡng mộ tinh thần nhiệt huyết của đồng chí Hà, nếu là bản thân tôi thì tôi khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan và gia đình”. Đối với Thiếu tá Nguyễn Thanh Phòng (Trợ lý Thanh niên, phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Bạc Liêu), đồng chí Hà là một cán bộ quyết đoán, đôi khi thể hiện sự mạnh mẽ nhưng lại rất tình cảm. Còn Đại úy Trần Thanh Liêm (Phòng Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh Bạc Liêu) lại khẳng định mức độ và khả năng hoàn thành công tác của đồng chí Hà so với một số đồng chí nam trong đơn vị không thua kém bất kỳ ai.

Thiếu tá Huỳnh Ngọc Điệp (Chủ tịch Hội phụ nữ, Bộ CHQS tỉnh Bạc Liêu) cũng đánh giá rất cao về năng lực làm việc của đồng chí Hà, chẳng những về năng lực mà còn có tinh thần sáng tạo, khi giao việc cho đồng chí Hà, bản thân chị rất yên tâm và tin tưởng. Có thể khẳng định, mỗi người, mỗi vị trí công tác khác nhau, nhưng đồng chí Hà là điển hình cho phụ nữ Quân đội “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, tình đoàn kết tương thân, tương ái, trách nhiệm cao với công việc chuyên môn và nhiệt tình trong công tác hội, vượt khó vươn lên, đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước. 

Theo ĐẶNG VĂN ĐÔNG (Báo Bạc Liêu)