Quốc lộ 61C là tuyến đường ngắn, huyết mạch nên hầu hết phương tiện đều chọn để di chuyển, mật độ phương tiện cũng tăng nhanh trong những năm gần đây.
Ưu tiên nguồn lực cho dự án
Tuyến Quốc lộ 61C giai đoạn 1 đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2012, có quy mô 2 làn xe (tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng), là tuyến ngắn nhất nối thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang với thành phố Cần Thơ có chiều dài khoảng 37,15km (đoạn thuộc tỉnh Hậu Giang), đóng vai trò là trục dọc kết nối với các trục đường ngang quy hoạch như: Tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu tạo thành mạng giao thông rất quan trọng của vùng Tây Nam bộ. Ngoài ra, tuyến đường này kết hợp với Quốc lộ 1A, Quốc lộ 61, Quốc lộ 61B, cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, tuyến Nam Sông Hậu, tuyến Quản lộ - Phụng Hiệp... Tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, do hệ thống giao thông chưa hoàn chỉnh nên chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Đây là tuyến đường ngắn, huyết mạch nên hầu hết phương tiện đều chọn để di chuyển, làm cho mật độ tăng nhanh, dẫn đến tình trạng mặt đường nhanh chóng hư hỏng, luôn rình rập nguy cơ mất an toàn giao thông trên tuyến. Việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường sẽ tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư, tăng chuỗi giá trị, tạo động lực hơn nữa phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ, kết nối giao thông liên vùng với các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và đi Thành phố Hồ Chí Minh.
Bà Nguyễn Yến Hải, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Tỉnh Hậu Giang cần ưu tiên nguồn lực trung hạn để phối hợp các đơn vị triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ. Do tuyến đường dài 37km và hệ thống cầu không phức tạp nên khối lượng triển khai công việc không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, liên quan đến nguồn vốn vay nước ngoài nên tỉnh cần thực hiện đầy đủ các thủ tục, cung cấp các thông tin một cách tốt nhất để nhận nguồn vốn vay trung hạn. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hỗ trợ tối đa tỉnh đẩy nhanh tiến độ nâng cấp tuyến quốc lộ này.
Hiện nay, kết nối giữa thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang chủ yếu thông qua các tuyến Quốc lộ 61C, Quốc lộ 61 có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu lưu thông hiện tại và tương lai. Để đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế và phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện Chỉ thị số 23 ngày 05/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, ngoài việc đầu tư phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn, Hậu Giang còn chú trọng phát triển các tuyến giao thông liên vùng để tăng cường kết nối thành phố với các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng.
Hợp lực hỗ trợ đầu tư
Tuyến Quốc lộ 61C qua địa bàn có ý nghĩa rất quan trọng về mặt kinh tế, chính trị nên việc đầu tư xây dựng tuyến đường là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Dự án triển khai phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và phù hợp với quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo ông Nguyễn Văn Bền, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang, giai đoạn 2 của Quốc lộ 61C có quy mô đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô đường cấp III đồng bằng, 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ theo TCVN 4054-2005. Tổng chiều dài tuyến trên hơn 37km. Diện tích giải tỏa, thu hồi đất để thực hiện dự án giai đoạn hoàn chỉnh khoảng 63ha. Dự kiến trên tuyến sẽ xây dựng mới 34 vị trí cầu, khoảng 55 vị trí cống thoát nước ngang đường; cống thoát nước ngang được tận dụng, xây dựng nối dài từ các cống hiện hữu đã xây dựng ở giai đoạn 1. Các nút giao được thiết kế phù hợp với quy mô mở rộng Quốc lộ 61C, đáp ứng yêu cầu lưu thông.
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61C do UBND tỉnh Hậu Giang làm cơ quan chủ quản và đề xuất đầu tư. Nhà tài trợ dự kiến là Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 3.888 tỉ đồng, tương đương khoảng 168,458 triệu USD từ nguồn vốn ODA vay từ Chính phủ Nhật Bản; nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Bà Nguyễn Yến Hải, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, đề nghị tỉnh cần có sự chuẩn bị cho bước báo cáo tiền khả thi dự án. Đồng thời giao đơn vị đầu mối bám sát tiến độ đầu tư dự án, tích cực phối hợp với JICA và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đề nghị phía JICA cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết cho địa phương, ưu tiên về điều kiện vay.
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61C thúc đẩy liên kết vùng, giải quyết lưu thông giữa Hậu Giang - Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.
Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại cũng đề nghị phía JICA tăng cường phối hợp, hỗ trợ, tăng thêm vai trò và phản hồi nhanh chóng các dự án JICA hỗ trợ ở khu vực ĐBSCL nói chung và dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 61 nói riêng. Hỗ trợ tối đa cho tỉnh Hậu Giang và Cần Thơ thúc đẩy tiến độ đầu tư dự án. Để có thể sớm khởi công dự án, đề nghị tỉnh tích cực hỗ trợ triển khai các thủ tục thuộc thẩm quyền.
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, trên cơ sở đề xuất dự án của UBND tỉnh Hậu Giang (lần 1), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn về việc góp ý đề xuất dự án Nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang. Qua rà soát lại nội dung đề xuất dự án theo nội dung góp ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các căn cứ liên quan, UBND tỉnh Hậu Giang đã hoàn thiện đề xuất dự án (lần 2) để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định đây là dự án hết sức quan trọng với tỉnh, thúc đẩy vấn đề liên kết vùng, giải quyết lưu thông giữa Hậu Giang và Cần Thơ cũng như các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Hậu Giang đã hoàn chỉnh các bước đề xuất chủ trương đầu tư dự án theo góp ý của các bộ, ngành, đơn vị tài trợ. Để đạt được yêu cầu của đơn vị tài trợ, đề nghị phía JICA có bộ mẫu chi tiết hướng dẫn về thủ tục, đối tượng vay ưu đãi. Để xúc tiến tiến độ đầu tư dự án, tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, JICA hỗ trợ hơn nữa cho tỉnh, hướng dẫn về các thủ tục đầu tư liên quan. Đồng thời, đề nghị phía JICA đưa ra các mốc thời gian thực hiện để tỉnh chủ động chuẩn bị.
Trong buổi làm việc mới đây với UBND tỉnh Hậu Giang, đại diện JICA cam kết sẽ tích cực hỗ trợ trong tiến trình đầu tư dự án. JICA đề nghị phía Việt Nam cần cung cấp báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư, làm cơ sở để JICA xem xét trong quá trình thẩm định nguồn vốn thực hiện dự án. Sau chuyến công tác này, JICA có văn bản gửi Hậu Giang và Cần Thơ, trong đó sẽ có nêu một số nội dung mà JICA cần nhận được. Trên cơ sở đó, JICA mong muốn các tỉnh sẽ hỗ trợ JICA hoàn chỉnh sớm các nội dung theo yêu cầu.
Tuyến Quốc lộ 61C giai đoạn 1 đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng với quy mô 2 làn xe (tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng). Đây là tuyến ngắn nhất nối thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang với thành phố Cần Thơ. Hiện nay, do hệ thống giao thông chưa hoàn chỉnh nên chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Giai đoạn 2 mở rộng 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài kết nối tỉnh Hậu Giang với thành phố Cần Thơ, dự án còn tạo sự kết nối với huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, mở ra cơ hội giao thông hàng hóa, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng cho khu vực. Sau khi dự án hoàn thành, năng lực vận chuyển được tăng lên, khả năng lưu thông hàng hóa trong khu vực nhờ đó sẽ tăng, thúc đẩy sự phát triển của các nghành kinh tế, tạo điều kiện cho nền kinh tế và văn hóa của khu vực ngày một phát triển mạnh về mọi mặt.
Theo NGỌC HOÀNG (Báo Hậu Giang)