Kênh ông Hóng - dòng kênh đi vào ca dao

13/01/2023 - 11:04

“Bao phen quạ nói với diều

Ngã kinh Ông Hóng có nhiều vịt con”

A A

Kênh Ông Hóng thuộc xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, là dòng kênh nối đôi dòng Vàm Cỏ. Kênh bắt đầu từ con rạch dẫn ra cống Nhựt Tảo (người địa phương gọi là rạch Cầu Giáo) đổ vào dòng Vàm Cỏ Đông, tới Vàm Cỏ Tây. Kênh Ông Hóng dẫn nước tưới, tiêu cho địa bàn xã Bình Lãng và Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Một dòng kênh nhỏ, chiều dài khoảng 3km có gì đặc biệt để đi vào và sống mãi trong ca dao?

1. Về xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, hỏi kênh Ông Hóng, hầu như người dân nào cũng biết. Không chỉ biết về dòng kênh, nhiều người còn nắm rõ kênh Ông Hóng bắt đầu và kết thúc ở đâu như một điều thân thuộc. Sinh ra và lớn lên ở xã Bình Lãng, cũng như những người dân khác, ông Ba Trai (ấp Bình Hòa) biết khá rõ về kênh Ông Hóng. Nhà ông Ba Trai ở sát bờ kênh Ông Hóng, đoạn gần cống Nhựt Tảo. Ruộng nhà ông lấy nước từ kênh Ông Hóng để tưới, tiêu.

Ông Ba Trai kể: “Kênh Ông Hóng nối từ sông Vàm Cỏ Đông tới Vàm Cỏ Tây. Tôi nghe ông bà xưa kể lại, ông Hóng trước giàu lắm. Kênh này được hình thành là do ông vận chuyển lương thực tiếp viện vua Gia Long. Có người kể, trâu kéo lúa đi nhiều tới nỗi đất lún thành kênh. Có người lại kể ông cho người đào kênh để ghe chở lúa đi qua”.

Kênh Ông Hóng nhìn từ phía cầu Bình Lãng

Nói rồi, ông Ba Trai hướng dẫn chúng tôi tìm đến những ngôi mộ cổ cách dòng kênh không xa, được cho là mộ ông Hóng. Trên gò đất gần con đường chính vào ấp có 4 ngôi mộ cổ được cho là mộ ông Hóng và thân nhân (?) nhưng không ai biết chính xác là ngôi mộ nào. Mộ xây bằng đá, có dạng hình mái nhà, bia mộ hoàn toàn phai dấu, không đọc được. Một vài chỗ nứt vỡ trên mộ được tu sửa bằng xi măng.

Nhà nghiên cứu Lê Hoàng Quốc nhận định trong bài Khảo sát quần thể di tích Mộ ông Hóng huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, quần thể di tích mộ ông Hóng là một trong những di tích quan trọng gắn với công cuộc khai hoang vùng đất Nam bộ của cha ông ta trong quá khứ.

2. Theo Đào Văn Hội (sách Tân An xưa) thì ông Hóng là nhân vật có thật, cùng thời với vua Gia Long, là một cự phú giàu có nhất vùng. Các bậc đại hào phú “Nhứt Sĩ, nhì Xường, tam Phương, tứ Định” vốn được xem là những người giàu lớn, giàu đến nhiều đời ở Nam bộ xưa, nếu cộng hết gia sản lại cũng chưa thể bằng ông Hóng.

Trong bài viết Tìm hiểu về ông Hóng - Truyền thuyết và di tích của Thạc sĩ Nguyễn Phương Thảo có đoạn ghi, ông Hóng tên thật Phan Văn Nghêu, gốc người miền Trung vào Nam khai khẩn đất hoang, làm ăn phát đạt. Cái tên ông Hóng có lẽ do người đồng thời đặt ra, ngụ ý vì tiền của ông nhiều không thể đếm, chẳng khác nào bồ hóng trên giàn bếp.

Có nhiều giai thoại xoay quanh ông Hóng được lưu truyền cho đến ngày nay, trong đó, câu chuyện được nhiều người biết đến nhất là chuyện kể về nguồn gốc hình thành kênh Ông Hóng.

Chuyện kể rằng, lúc chúa Nguyễn Ánh còn bôn đào, một lần chiến thuyền của ngài đến Vàm Cỏ Tây, thuộc tỉnh lỵ Tân An xưa (nay là địa phận giáp ranh huyện Châu Thành và Tân Trụ) thì hết lương thực. Biết được ông Hóng là bậc cự phú, có lòng hào hiệp, chúa cho người đến gặp ông Hóng mượn “một bữa cháo” cho quân. Lúc đó, ông Hóng không chỉ giết trâu, bò, nấu cơm khao quân mà còn cho đào một con kênh từ nơi ông ở là làng Bình Lãng thông ra sông Vàm Cỏ Tây rồi cho ghe chở lúa ra chiến thuyền chúa Nguyễn Ánh và chở liên tục trong vòng 3 tháng.

Một trong những ngôi mộ được cho là mộ ông Hóng và thân nhân tại xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ

Ngoài ra, những câu chuyện khác về việc ông Hóng sẵn sàng giúp người khốn khó nhưng cũng mạnh tay với kẻ sa đọa ăn chơi hay câu chuyện về việc ông chất đầy tiền kẽm lên ghe, nhét vào bụng người mọi rồi dìm xuống kênh Ông Hóng,... tạo nên nhiều màu sắc cho nhân vật ông Hóng và dòng kênh Ông Hóng tại Tân Trụ ngày nay.

Nói về nhân vật ông Hóng, Thạc sĩ Nguyễn Phương Thảo nhận định: “Qua những tài liệu ghi chép, nghiên cứu và những di tích còn lại về ông Hóng cho thấy, nhân vật ông Hóng là có thật, có vai trò quan trọng trong việc đào kênh, khai mở đất đai ở làng Bình Lãng.

Di tích khu mộ có giá trị nghiên cứu kiến trúc mộ cổ giai đoạn thế kỷ XVIII-XIX và càng quý hơn là trong điều kiện các kiến trúc mộ cổ thuộc giai đoạn này ở Long An tồn tại hiếm hoi, chỉ còn lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Khắc Tuấn là tương đối nguyên vẹn. Truyền thuyết về ông Hóng cũng là một chuyện kể hấp dẫn, cần được biên soạn, có ấn phẩm phổ biến rộng rãi để làm phong phú kho tàng chuyện kể dân gian Long An nói riêng, Nam bộ nói chung”.

Ngày nay, những câu chuyện về ông Hóng vẫn được người dân địa phương truyền miệng. Cách ví von “giàu như ông Hóng” vẫn còn phổ biến ở khu vực Châu Thành, Tân Trụ cũng như dòng kênh Ông Hóng còn nguyên với thời gian và trong cả ca dao./.

Theo QUẾ LÂM (Báo Long An)