Khắc ghi dấu son "vùng ruột Vĩnh Trà"

11/07/2022 - 14:48

Theo đồng chí Nguyễn Chiến Thắng- nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, “vùng ruột Vĩnh Trà” là vùng ở giữa tỉnh Vĩnh Trà xưa, nay thuộc 4 huyện: Vũng Liêm, Trà Ôn (Vĩnh Long) và Càng Long, Cầu Kè (Trà Vinh). Cả 4 huyện đều được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” với truyền thống đấu tranh ghi nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

A A

Họa sĩ Thạch Bồi- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh trình bày phác thảo cụm bia, tượng đài.

Tự hào về truyền thống “anh hùng, bất khuất”, bia kỷ niệm sẽ được lập tại ấp Hiếu Tín- huyện Vũng Liêm, khắc ghi những dấu son trong lịch sử đấu tranh của vùng đất Vĩnh Trà, nhắc nhở mãi con cháu đời sau giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết, xây dựng và phát triển quê hương.

Những dấu ấn của “vùng ruột Vĩnh Trà”

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, xã Hiếu Thành cũ, huyện Vũng Liêm (nay là địa bàn 3 xã: Hiếu Nghĩa, Hiếu Thành, Hiếu Nhơn) là vùng đất có truyền thống cách mạng, đại đa số nhân dân ủng hộ cách mạng, nuôi giấu cán bộ, tích cực hỗ trợ sức người, sức của trong các trận đánh, chiến dịch quan trọng như: Chiến dịch Cầu Kè, 5 trận đánh lớn ở Yếu khu Thầy Phó...

Bên cạnh đó, xã Hiếu Thành cũ và các xã giáp ranh là Hòa Bình, Hựu Thành- Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long); xã Thạnh Phú- huyện Cầu Kè, xã An Trường, Tân An- huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh) có địa bàn đồng bằng rộng lớn, trù phú, là “vùng ruột” kháng chiến của 2 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh.

Nơi đây, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, địch chọn làm các cứ điểm đóng quân quan trọng như: Yếu khu Thầy Phó, Chi khu Nhà Đài, đồn Bắcsama, đồn Phong Phú, bót Cầu Tàu (Cầu Kè)...

Do đó, đây cũng là địa bàn giằng co rất quyết liệt giữa ta với địch. Đây là vùng nuôi chứa các cơ quan, đơn vị cấp khu (Nhà in bạc Nam Bộ, Nha y Nam Bộ, Trường quân chính) và là nơi nhiều lần được Tỉnh ủy Vĩnh Trà, Tỉnh ủy Trà Vinh chọn làm địa điểm đứng chân, chỉ đạo trong hai cuộc kháng chiến, được nhân dân hết lòng che chở.

Năm 1940, địa bàn xã Hiếu Thành (cũ) được Đảng bộ Trà Vinh chọn làm nơi thí điểm cấp phát ruộng đất. Từ năm 1964- 1968, Hiếu Thành là căn cứ vững chắc, không chỉ là nơi đứng chân của Tỉnh ủy Trà Vinh, Huyện ủy Vũng Liêm, mà còn là nơi đóng quân của huyện đội, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện và là địa bàn của quân chủ lực của Quân khu về đứng chân làm bàn đạp tấn công các nơi khác.

Trong tiến trình lịch sử, vùng đất giáp ranh giữa 4 huyện còn là địa bàn chồng lấn, thể hiện mối quan hệ máu thịt giữa hai tỉnh Vĩnh Long- Trà Vinh.

Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng đã viết trong bài thơ “Vùng ruột Vĩnh Trà”: “Sáu xã, bốn huyện anh hùng/ Vùng ruột đồng bằng, đông dân nhiều của/ Giặc tàn sát, vơ vét cung phụng chiến tranh/ Thí mạng vào đây, sóng dậy đất bằng/ Chiến tranh nhân dân/ Mỗi người là chiến sĩ/ Trai gái trẻ già/ Mỗi người hăng say bền bỉ/ 9 năm chống Pháp/ 21 năm chống Mỹ/ Kiên gan vững chí…”

Một công trình để ghi nhớ và tôn vinh

Tại ấp Hiếu Tín, xã Hiếu Thành (nay thuộc ấp Hiếu Tín, xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm), Bia Mặt trận Cây Điệp đã được lập để ghi nhớ những chiến công của quân du kích.

Tuy nhiên, Bia Mặt trận Cây Điệp chưa phản ánh hết truyền thống đấu tranh cách mạng và những chiến công của “vùng ruột Vĩnh Trà” trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. 

Các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh thống nhất sự cần thiết phải trùng tu, nâng cao Bia chiến thắng Mặt trận Cây Điệp để tương xứng với tấm vóc, ý nghĩa lịch sử kháng chiến hào hùng ở vùng đất giáp ranh của 4 huyện thuộc 2 tỉnh.


Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Diệp cũng đồng tình xây dựng công trình ý nghĩa rất lớn trong lòng dân.

Đề xuất cần có một nơi để ghi những dấu mốc lịch sử, để con cháu tỏ lòng tôn kính, đồng chí Bùi Quang Huy- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực BCĐ Tây Nam Bộ cho biết: “Đây là vùng đất đặc biệt khi cả 4 huyện giáp ranh nhau đều được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, ghi dấu nhiều chiến công.

Vùng căn cứ kháng chiến đã nuôi chứa, bảo vệ cán bộ lãnh đạo của 2 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, bộ đội chủ lực khu Tám, khu Chín cùng bộ đội địa phương, du kích và nhân dân đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường, làm thất bại các cuộc tiến công, càn quét, đóng đồn lấn chiếm của kẻ thù, góp phần vào thắng lợi chung của nhân dân hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh cùng cả nước giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”.

Đồng chí Nguyễn Văn Diệp- nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cũng chia sẻ, vùng ruột Vĩnh Trà có ý nghĩa rất lớn trong lòng dân. Công trình cụm bia, tượng đài phải làm nổi bật được hình ảnh, ý nghĩa về một giai đoạn lịch sử hào hùng.

Các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo 2 tỉnh ngồi lại cùng nhau đề xuất cần có sự bàn bạc, thảo luận kỹ về tên gọi, vị trí xây dựng, thời gian, kinh phí thực hiện công trình, nhất là phác thảo mô hình công trình phù hợp, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, nghệ thuật, vừa chuyển tải được nội dung, giá trị lịch sử, đề cao vai trò của nhân dân…

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng bia, tượng đài căn cứ cách mạng tại đây để lưu giữ những dấu ấn lịch sử của 2 địa phương, đồng thời chỉ đạo các đơn vị có liên quan khảo sát, điều chỉnh lại diện tích khuôn viên đặt bia, tượng đài để phù hợp với thực tế tại địa phương.

Các đơn vị cần tích cực hoàn chỉnh mô hình bia, tượng đài, tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện thiết kế mô hình bia, nội dung văn bia…

Sau khi có sự thống nhất về mặt chủ trương giữa 2 tỉnh, các đơn vị cần phối hợp để sớm triển khai thực hiện các thủ tục đúng quy định, nhanh chóng để hoàn thiện công trình nhằm xứng với tầm vóc, ý nghĩa lịch sử hào hùng của vùng kháng chiến thuộc 2 tỉnh.

Khi công trình cụm bia, tượng đài căn cứ cách mạng hoàn thành sẽ ghi dấu chiến công của 2 tỉnh- 4 huyện- 6 xã. Đây sẽ là “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước cho người trẻ và thế hệ đời sau có trách nhiệm giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha.

Theo PHƯƠNG THƯ (Báo Vĩnh Long)