Du khách tự tay hái bông súng ở Vườn Quốc gia Tràm Chim
Chương trình tham quan, trải nghiệm mùa nước nổi tại VQG Tràm Chim năm nay chính thức được khởi động vào cuối tháng 9-2019 và kết thúc vào cuối tháng 12-2019. Nhằm giúp du khách hiểu hơn về văn hóa bản địa của người dân miền sông nước, VQG Tràm Chim xây dựng nhiều chương trình tham quan dịch vụ hấp dẫn, đặc trưng như: một ngày làm ngư dân tại VQG Tràm Chim, theo chân thợ săn chuột đồng mùa nước nổi, tham quan quần thể cây cà na và thưởng thức món trái cây đặc trưng mùa nước nổi.
Năm nay, không gian dành cho dịch vụ trải nghiệm làm ngư dân sẽ được khai thác tại phân khu A1, A3. Đến tham quan VQG Tràm Chim, du khách sẽ được sử dụng các phương tiện đánh bắt cá truyền thống của ông cha ngày trước như: câu lưới, đặt lờ, lọp, trúm lươn. Các sản phẩm thu được sau buổi trải nghiệm, du khách có thể tự tay chế biến hoặc nhờ các đầu bếp chế biến tại khu ẩm thực của VQG Tràm Chim. Ngoài việc được trải nghiệm thực tế, du khách còn được các hướng dẫn viên thuyết minh về công tác bảo tồn những loại động thực vật đặc trưng hiện nay do VQG Tràm Chim bảo vệ.
Sau một buổi đóng vai là ngư phủ, tham gia nhiều trải nghiệm thú vị như giăng lưới, đặt lờ, hái bông súng... anh Nguyễn Hùng Dũng ở quận Bình Tân, TP.HCM tâm đắc: “Rời xa thành phố đầy khói bụi, chúng tôi được hòa mình vào cảnh trời nước mênh mông mùa nước nổi tại Đồng Tháp, được tự tay hái sen, hái bông súng, giăng lưới, giăng câu... Đây thật sự là những trải nghiệm khó quên. Tôi hi vọng năm nào về Đồng Tháp cũng có mùa nước lũ mênh mông như thế này để người dân thành phố có cơ hội sống lại với những ký ức xưa kia khi ông cha ta khai hoang vùng đất Nam bộ này”.
VQG Tràm Chim có tổng diện tích tự nhiên là 7.313ha, với thảm thực vật phong phú hơn 130 loài thực vật bậc cao; hệ chim nước có 231 loài; 130 loài cá nước ngọt; 185 loài thực vật nổi; 93 loài động vật nổi và 90 loài động vật đáy. Ngoài ra, hệ cá ở VQG Tràm Chim cũng không kém phần phong phú, vừa đóng vai trò cân bằng sinh thái vừa là nguồn thức ăn cho các loài chim. Trong đó, có một số loài cá nằm trong sách đỏ Việt Nam như: cá còm, cá mang hổ, cá ngựa nam, cá duồng bay, cá ét mọi, cá hô...
Theo Báo Đồng Tháp