Đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy Viên TW Đảng – Bí thư Tỉnh ủy; Lê Quang Tùng, Thứ Trưởng Bộ VH TT-DL; Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực – Chủ tịch HĐND tỉnh tham dự lễ khai mạc Tuần VH-DL Bạc Liêu 2019. Ảnh: MĐ
Thứ Trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng phát biểu tại lễ khai mạc Tuần Văn hóa Du lịch Bạc Liêu 2019. ảnh: MĐ
Diễn ra trong 04 ngày từ 19- 22/11/2019, với chuỗi hơn 15 hoạt động, Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019 sẽ là sự kiện quy mô lớn, với sự góp mặt của gần 1.000 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên của 19 tỉnh, thành phố trên cả nước, sẽ thu hút hơn 20 ngàn lượt người dân và du khách tham quan, tham dự. Từ ý nghĩa này, Chương trình nghệ thuật đặc sắc trong Lễ Khai mạc cũng đã được trình diễn theo từng chương gồm: Chương 1 với chủ đề “Dạ cổ Hoài Lang – Hương sắc Bạc Liêu” với ý nghĩa là qua bao thăng trầm, theo dòng phát triển văn hoá, bản “Dạ cổ Hoài Lang” luôn làm thổ thức người nghe bởi giá trị nghệ thuật và nội dung hàm chứa trong 1 tác phẩm độc đáo; Chương 2 với chủ đề “Bạc Liêu – Gấm hoa hội tụ” với ý nghĩa tác phẩm "Dạ cổ hoài lang" đang được Bạc Liêu gìn giữ và nâng cao giá trị từng ngày, vươn lên bằng với các miền di sản khác và Chương 3 với chủ đề “Bạc Liêu đa màu sắc văn hóa – Lan tỏa tinh hoa” nhằm thể hiện mong muốn được đưa nét đẹp văn hoá các miền di sản vươn xa, đến với nhân dân khắp cả nước và bạn bè Quốc tế. Đặc biệt, tại Lễ khai mạc, đại biểu cũng như bà con, du khách có mặt còn có dịp thưởng thức sự độc đáo của những di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận như: Đờn ca tài tử Nam Bộ (Bạc Liêu, Ninh Thuận, Long An); : Hát xoan (Phú Thọ); Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ (Nam Định); Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ; Dân ca Quan họ (Bắc Ninh); Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên.
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban tổ chức Tuần VH-DL - Dương Thành Trung phát biểu khai mạc Tuần VH-DL Bạc Liêu năm 2019. Ảnh: H.T
Phát biểu Khai mạc, đồng chí Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019 lần đầu tiên được tổ chức, gắn với sự kiện kỷ niệm 100 năm ra đời Bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, 100 năm hình thành kiến trúc nghệ thuật Nhà Công tử Bạc Liêu.Tự hào với bản sắc đặc trưng và truyền thống tốt đẹp đó, Bạc Liêu đã và đang nỗ lực vươn lên với ý chí và khát vọng to lớn, hòa cùng với khát vọng của cả dân tộc. Bên cạnh phát triển kinh tế, Bạc Liêu cũng rất quan tâm gìn giữ, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, đồng thời tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhà, kết hợp hài hòa trong phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước xác định và được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cụ thể hóa theo 05 trụ cột. Thông qua các hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch lần này, Bạc Liêu mong muốn giới thiệu, quảng bá các nét đặc sắc về văn hóa, du lịch của mình đến với bạn bè trong nước và quốc tế; tạo điều kiện cho việc hợp tác trong lĩnh vực văn hóa gắn với thúc đẩy phát triển du lịch, tăng cường kết nối tour, tuyến, thu hút du khách. Đồng thời đây còn là cơ hội để tỉnh Bạc Liêu kết nối với các tỉnh, thành phố tổ chức ký kết, hợp tác xúc tiến đầu tư - thương mại, phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong thời gian tới, nhất là giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…”
Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung, Trưởng ban tổ chức Tuần VH-DL Bạc Liêu tặng hoa cảm ơn các đơn vị tài trợ sự kiện. Ảnh: H.T
Đồng chí Lê Quang Tùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ươn Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ: “Bạc Liêu tuy không có nhiều tài nguyên du lịch nổi trội, khác biệt, lại không ở vị trí thuận lợi, gần thị trường gửi khách để có thể trở thành điểm đến độc lập trên bản đồ du lịch cả nước nhưng qua theo dõi hoạt động du lịch Bạc Liêu thời gian qua cho thấy, du lịch Bạc Liêu phát triển tương đối tốt so với nhiều địa phương trong vùng. Cụ thể, năm 2018, Bạc Liêu chỉ đón hơn 50 nghìn lượt khách quốc tế nhưng lượng khách nội địa tăng nhanh (1,8 triệu lượt), tổng thu từ khách du lịch đạt 1.600 tỷ đồng, chỉ thấp hơn An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ. Kết quả này cho thấy sự thành công bước đầu nhưng rất quan trọng của Du lịch Bạc Liêu. Đồng chí Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã nhấn mạnh rằng để du lịch Bạc Liêu phát triển tương xứng với tiềm năng thì Bạc Liêu cần đẩy mạnh liên kết hợp tác với các tỉnh trong vùng và ngoài vùng, đặc biệt là liên kết với TP. Hồ Chí Minh – trung tâm phân phối khách, đồng thời là thị trường nguồn khách nội địa hàng đầu của cả nước. Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có (hiện Bạc Liêu sở hữu 13 di tích cấp quốc gia, 34 di tích cấp tỉnh, sự giao thoa của 3 dòng văn hóa Kinh – Hoa – Khmer, nơi sản sinh ra bản “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cái nôi của Đờn ca tài tư Nam Bộ…), thời gian qua, Bạc Liêu đã không chỉ nhận diện được giá trị trên mà còn chủ động triển khai các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị, góp phần phát triển du lịch nói riêng, phát triển KTXH của tỉnh nói chung. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao những kết quả đạt được nêu trên cũng như sự chủ động của tỉnh trong việc chuẩn bị và tổ chức Tuần Văn hóa – Du lịch với sáng kiến kết nối các tỉnh, thành phố trong không gian “Hội tụ các miền di sản” được UNESCO vinh danh. Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bạc Liêu triển khai hiệu quả các chương trình bảo tồn, phát huy các di tích, di sản văn hóa phi vật thể, cảnh quan môi trường, nếp sống văn minh tạo tiền đề cho du lịch địa phương phát triển hiệu quả, bền vững…”
Tiết mục nghệ thuật tôn vinh nhạc sĩ Cao Văn Lầu và 100 năm ra đời bản Dạ cổ hoài lang. Ảnh: H.T
Bắn pháo hoa kết thúc chương trình khai mạc Tuần VH-DL Bạc Liêu năm 2019. Ảnh: H.T
Theo Báo Bạc Liêu