Khai thác bền vững nguồn tài nguyên cát vùng ÐBSCL

27/10/2022 - 15:31

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, trong những năm gần đây, khả năng tự phục hồi của khu vực này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hoạt động của con người, như xây dựng đập thuỷ điện ở thượng nguồn và khai thác cát ở các nhánh sông chính và phụ. Từ năm 2018-2020, hoạt động khai thác cát tính riêng ở các nhánh sông của ÐBSCL đã đạt 17,77 triệu tấn/năm, lớn hơn nhiều so với khối lượng 6,18 triệu tấn cát bồi đắp hằng năm. Những hoạt động thiếu bền vững này là nguyên nhân làm sạt lở các bờ sông Cửu Long và vùng duyên hải. Khai thác cát cũng làm suy giảm sự đa dạng, phong phú của các loài cá và thay đổi thảm thực vật ven sông…

Hoạt động khai thác cát trên sông Hậu.

Ông Marc Goichot, Quản lý Chương trình Nước ngọt, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) Châu Âu - Thái Bình Dương cho rằng: Cát là “chìa khóa” để duy trì đường bờ biển và sự ổn định hình thái của các cửa sông ÐBSCL, các mô hình lũ lụt và ngăn chặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền. Tuy nhiên, tác động của việc khai thác cát chưa được giải quyết đầy đủ bằng chính sách và nghiên cứu khí hậu. Giải quyết vấn đề khai thác cát, như một phần của nỗ lực toàn diện, có hệ thống nhằm xây dựng một vùng đồng bằng có khả năng chống chịu tốt hơn là một hành động hiệu quả về chi phí để giải quyết các rủi ro khí hậu của ÐBSCL…

Với mục tiêu góp phần duy trì các chức năng sinh thái quan trọng và giảm thiểu rủi ro về kinh tế - xã hội do biến đổi khí hậu ở ÐBSCL, từ năm 2019, dự án “Giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công tư trong khai thác cát bền vững ở ÐBSCL” được WWF Việt Nam hợp tác cùng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai. Dự kiến kết thúc vào năm 2024 và được tài trợ bởi Quỹ Sáng kiến Khí hậu Quốc tế của Chính phủ Ðức thông qua WWF Ðức. Dự án tập trung vào 3 nhóm nội dung chính. Cụ thể, xây dựng ngân hàng cát - đo đạc mức cân bằng giữa lượng cát đổ về từ thượng nguồn và lượng cát mất đi do khai thác trên toàn đồng bằng cộng với lượng cát đổ ra biển ở các nhành chính của sông Tiền và sông Hậu cho năm 2022 với tầm nhìn giai đoạn từ nay đến năm 2030 và năm 2050. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông, xác định được khu vực phải hạn chế/cấm khai thác cát nhằm tránh gây sạt lở bờ sông. Ðồng thời, xác định lượng cát có thể khai thác mà không gây những hệ lụy đối với hình thái sông, môi trường và sinh kế của người dân đối với những khu vực lượng cát còn nhiều. Dự án cũng nghiên cứu đánh giá trữ lượng và tiềm năng khai thác/sản xuất các vật liệu thay thế cho cát sông và phân tích hiệu quả cùng với tính bền vững của vật liệu thay thế.

Chia sẻ về tiến độ thực hiện dự án, ông Hà Huy Anh, Quản lý Quốc gia dự án, thông tin: Về xây dựng ngân hàng cát, các đơn vị đã tổ chức đo đạc dữ liệu mùa khô tại 4 trạm lưu lượng, 9 trạm bùn cát và lấy mẫu bùn cát đáy; đo đạc vận chuyển cát đáy tại 4 vị trí Mỹ Thuận (Vĩnh Long), Cần Thơ (Cần Thơ), Tân Châu (An Giang) và Châu Ðốc (An Giang); 550km đo đạc địa chấn tầng đáy, 45 mẫu cát đáy, 35 mặt cắt ngang sông (xác định trữ lượng cát đáy) dọc theo sông Tiền và sông Hậu. Ðo đạc dữ liệu thường xuyên trong năm 2022 tại 9 trạm mực nước và 5 trạm lưu lượng. Thu thập dữ liệu thủy văn, địa hình, bùn cát...; tham vấn các bộ ngành, chính quyền địa phương liên quan. Hoàn thành công việc xử lý số liệu đầu vào phục vụ mô hình và 50% các công việc liên quan đến thiết lập mô hình tính toán trữ lượng ngân hàng cát cho ÐBSCL.

Về nội dung xây dựng kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông, đơn vị thực hiện đã tiến hành triển khai một số công việc như tham vấn các bên liên quan; đo đạc 372km (745 mặt cắt) dữ liệu mặt cắt ngang sông dọc theo sông Tiền (252km)  và sông Hậu (120km); khảo sát và tư liệu hóa vị trí và hiện trạng các công trình bảo vệ bờ sông tại ÐBSCL. Hoàn thành xử lý số liệu đầu vào phục vụ và thiết lập mô hình toán thay đổi hình thái sông cho ÐBSCL. Ông Hà Huy Anh thông tin thêm, WWF Việt Nam đã thuê một đơn vị của Ðức nghiên cứu về vật liệu thay thế cát. Vừa qua, đơn vị này đã gửi WWF Việt Nam danh sách hơn 10 loại vật liệu có tiềm năng. WWF cũng thuê đơn vị tư vấn đánh giá hiệu quả cũng như tính bền vững của các vật liệu trên. Dự kiến tháng 11 tới, WWF Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo báo cáo chính thức với các địa phương.

Dự án nhận được quan tâm đặc biệt của các địa phương vùng ÐBSCL. Bởi việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cho việc phát triển vùng trong giai đoạn tới, đặc biệt là hệ thống mạng lưới đường giao thông, hệ thống đường cao tốc sẽ có nhu cầu lớn về nguồn vật liệu xây dựng, trong đó có cát. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ rất quan tâm đến dự án, bởi đây là vấn đề mang tính thực tiễn cao. TP Cần Thơ phối hợp với các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện dự án. Kết quả từ dự án cung cấp những thông tin hữu ích cho thành phố trong công tác quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên cát trên địa bàn TP Cần Thơ nói riêng và vùng ÐBSCL, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của khu vực...

Theo Báo Cần Thơ