Khai thác giá trị văn hóa của tết Đoan Ngọ trong phát triển du lịch

25/06/2020 - 14:28

Một trong những thế mạnh để phát triển du lịch của TP. Bạc Liêu chính là du lịch văn hóa, trong đó “hạt nhân” là các lễ hội dân gian truyền thống. Do vậy, việc khai thác và phát huy giá trị văn hóa từ các lễ hội dân gian không chỉ góp phần tạo thêm sản phẩm du lịch đặc trưng, mà còn bảo tồn những giá trị vượt thời gian.

Bánh ú nước tro - món ngon truyền thống trong dịp tết Đoan Ngọ.

Có thể nói, một trong những lễ hội đặc trưng của cộng đồng người Hoa Bạc Liêu là tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch). Tục đón tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ Trung Quốc gắn với tục ném bánh ú xuống sông Mịch La để tưởng nhớ nhà thơ Khuất Nguyên, một vị trung thần nước Sở (thời Chiến Quốc) đã can vua không nên nghe lời xu nịnh của gian thần nhưng không thành nên ông đã gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn đúng vào mùng 5 tháng 5 (âm lịch).

Tuy nhiên, khi sang Việt Nam, tết Đoan Ngọ đã trở thành cái tết giữa năm của cộng đồng người Việt với tục cúng Thần Nông. Sau phần lễ tục với các thức cúng như bánh ú, xôi, chè, bánh xèo…, bà con còn tổ chức vui chơi, giao lưu sau những ngày lao động vất vả. Do vậy, nhiều địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã khai thác tết Đoan Ngọ vào phục vụ phát triển du lịch sinh thái gắn với nhiều hoạt động, hội thi mang tính cộng đồng cao. Đơn cử như: lễ hội trái cây, trưng bày mâm ngũ quả xếp hình tứ linh và thi đấu xảo các sản phẩm độc, lạ từ sản xuất nông nghiệp ngay trong dịp tết Đoan Ngọ ở huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) thu hút hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Sở dĩ tết Đoan Ngọ được xem là một trong những cái tết quan trọng vì chứa đựng nhiều giá trị văn hóa. Đối với cộng đồng người Hoa, tết Đoan Ngọ là tết sum họp và tưởng nhớ ông bà, vì vậy, trong ngày này, người lao động (ở Trung Quốc) được nghỉ một ngày như các ngày lễ lớn khác để về sum họp với gia đình và tổ chức nấu các món ăn truyền thống để cúng tổ tiên.

Đổ bánh xèo phục vụ du khách trong dịp tết Đoan Ngọ tại khu du lịch biển nhãn TP. Bạc Liêu. Ảnh: T.A

Còn đối với người nông dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tết Đoan Ngọ mang ý nghĩa phồn thực và tạ ơn Thần Nông. Bởi theo tín ngưỡng dân gian, Thần Nông không chỉ mang lại mùa màng tốt tươi mà còn là một thầy thuốc trị bệnh giúp con người. Trong khi đó theo lịch pháp của người Á Đông, tết Đoan Ngọ rơi vào thời điểm giao mùa nên dễ bị sâu bọ tấn công và phải ra quân diệt sâu bọ.

Xuất phát từ ý nghĩa này nên trong ngày tết Đoan Ngọ, bà con nông dân ở nhiều nơi hay lấy dao chặt vào thân cây với ý nghĩa trừ sâu bọ cho cây trái sum sê, hoặc vào lúc 12 giờ trưa (chánh ngọ) nhìn lên mặt trời để phòng các bệnh về mắt. Còn người Hoa thì hay chặt xương rồng, thân cây tằm ăn và cây ngải cứu bó lại treo trước cổng nhà, hoặc vắt cây ngải cứu lên hai bên ống hương trước nhà với ý nghĩa xua đuổi dịch bệnh, trừ tà và mang lại những điều may mắn. Ngoài ra, nhiều người Hoa còn tổ chức uống rượu hùng hoàng, đeo túi thơm màu đỏ để giải độc và cầu cát tường…

Từ các phong tục trên cho thấy, khai thác giá trị văn hóa của tết Đoan Ngọ cho phát triển du lịch là việc nên làm, nhất là trong điều kiện TP. Bạc Liêu hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển loại hình du lịch mang tính kết hợp giữa văn hóa và sinh thái. Đó là khu vực xã Hiệp Thành và xã Vĩnh Trạch Đông - nơi có đông đồng bào người Hoa sinh sống, có vườn nhãn cổ, có đặc sản bánh xèo…

Từ các lợi thế và tiềm năng có sẵn, nếu được khai thác tốt và nâng lên tầm lễ hội như các địa phương khác thì chắc chắn du lịch Bạc Liêu sẽ có thêm sản phẩm đặc trưng. Đây sẽ là một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo gắn với việc tổ chức các hội thi món ngon của đồng bào dân tộc Hoa trong ngày tết Đoan Ngọ, đặc biệt là các món ngon đậm tính truyền thống để du khách trải nghiệm, khám phá như bánh ú bá trạng vốn đã trở thành một món ăn đặc trưng gắn với những câu chuyện, điển tích và phong tục dân gian mà tết Đoan Ngọ mang lại.

Theo KIẾT TƯỜNG (Báo Bạc Liêu)