ĐBSCL

Khai thác hiệu quả tài nguyên cát

15/12/2022 - 10:25

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu rất lớn về cát xây dựng. Tuy nhiên, khả năng cung ứng nguồn cát tại chỗ hạn chế, luôn bị thiếu hụt, khan hiếm, đã đẩy giá cát trên thị trường tăng cao gấp 2-3 lần so với trước đây, dao động từ 200-300 nghìn đồng/m3. Dù giá cao nhưng nhiều thời điểm cũng không có cát để phục vụ xây dựng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình.

Ảnh minh họa.

Đồng Tháp và An Giang là hai địa phương có trữ lượng cát lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh Đồng Tháp cấp phép cho bốn doanh nghiệp khai thác 17 mỏ cát với khối lượng hơn 6 triệu m3/năm; còn tỉnh An Giang cấp phép khai thác chín mỏ cát với khối lượng hơn 4 triệu m3/năm.

Dù vậy, lượng cát được cấp phép khai thác này chỉ đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu của mỗi địa phương. Do sự chênh lệch cung-cầu nguồn cát xây dựng, lợi nhuận quá hấp dẫn, dẫn đến tình trạng nhiều nơi khai thác cát không đúng quy định, nhất là vấn nạn bơm hút cát trái phép trên các con sông không thể kiểm soát, làm sụt lún, sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng trăm hộ dân trong vùng...

Nhu cầu cát xây dựng trong thời gian tới của vùng là rất lớn. Chỉ tính riêng hai công trình đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau và Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đã cần hàng chục triệu m3 cát để đắp nền, nhưng lượng cát tại chỗ không đáp ứng nhu cầu về cả khối lượng và chất lượng. Cát thì có ở hầu hết các con sông lớn trong vùng, nhưng chỉ nơi đầu nguồn cát mới đạt tiêu chuẩn chất lượng xây dựng các công trình lớn vì ít lẫn tạp chất.

Việc khảo sát đánh giá trữ lượng, thăm dò, cấp phép khai thác cát đang được các tỉnh, thành phố trong vùng tự thực hiện theo nhu cầu của địa bàn mình quản lý, chứ chưa tính đến nhu cầu của toàn vùng cũng như tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường của vùng. Điều này dẫn đến nhiều bất cập, thậm chí là xung đột về lợi ích trong quá trình phát triển. Chẳng hạn, một đoạn sông Hậu giáp ranh giữa thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long, trong khi phía Cần Thơ không cấp phép khai thác cát ở lòng sông để phòng, chống sụt lún, sạt lở, nhưng phía Vĩnh Long lại cấp phép khai thác nhiều năm qua. Hai địa phương cũng đã nhiều lần làm việc về vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung...

Từ thực tế cho thấy, để khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên cát hiệu quả, hợp lý, trước tiên các địa phương trong vùng cần liên kết, phối hợp, tạo sự đồng thuận, thống nhất vì quá trình khai thác cát không chỉ tác động đến địa giới hành chính từng tỉnh có mỏ cát mà còn tác động tới các địa phương khác và toàn vùng. Các địa phương cần chia sẻ lợi ích và rủi ro để cùng phát triển.

Ở góc độ quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có những khảo sát đánh giá trữ lượng, chất lượng cát sông toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long và nhu cầu sử dụng cát xây dựng để có kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên hữu hạn này, hạn chế những tác động tiêu cực từ việc khai thác cát.

Về phía các bộ Giao thông vận tải, Xây dựng cần sớm nghiên cứu việc sử dụng nguồn cát biển thay thế cát sông trong san lấp, xây dựng đường cao tốc và các loại vật liệu thay thế cát trong xây dựng các công trình, nhằm hạn chế khai thác cát sông vùng đồng bằng sông Cửu Long, góp phần bảo vệ sự trù phú của đồng bằng, hướng đến sự phát triển bền vững.

Theo NGUYỄN THANH (Nhân dân)