Kiên Giang: 25 năm giúp người yếu thế tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật

06/09/2022 - 14:47

Trong suốt chặng đường vượt khó cùng người nghèo và đối tượng chính sách (6/9/1997 - 6/9/2022), trợ giúp pháp lý Kiên Giang tâm niệm xem vụ việc của họ như vụ việc của chính mình.

Đến nay, có thể nói sự kiện thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý theo Quyết định 734/TTg, ngày 6-9-1997 của Thủ tướng Chính phủ là ý Đảng, lòng dân để lo cho người nghèo và đối tượng chính sách khi họ cần giúp đỡ về mặt pháp luật.

Tại Kiên Giang, ngày 13-10-1998, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp, chuyên thực hiện chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho nhóm người tạm gọi là yếu thế trong xã hội.

Những ngày đầu mới thành lập, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang gặp không ít khó khăn; biên chế chỉ có 6 người gồm 1 giám đốc (do Phó Giám đốc Sở Tư pháp kiêm nhiệm), 1 phó giám đốc, còn lại là các chuyên viên.

Hơn 10 năm sau, tỉnh Kiên Giang mở rộng quy mô tổ chức, có thời điểm trung tâm có 4 phòng chuyên môn và 2 chi nhánh trực thuộc, biên chế 32 người. Thực hiện đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý, đến nay trung tâm còn 2 phòng chuyên môn với 21 viên chức, trong đó có 13 trợ giúp viên pháp lý được đào tạo hành nghề luật sư, có đủ bản lĩnh và kinh nghiệm, đảm đương hầu hết vụ việc bào chữa, bảo vệ cho người được trợ giúp pháp lý trong các vụ án.

Công tác truyền thông được chú trọng, từ chỗ người dân chưa biết, sau là nhiều người biết đến, nhiều cơ quan, tổ chức phối hợp để lo cho người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… khi họ cần giúp đỡ về pháp luật.

Hình thức trợ giúp pháp lý khá phong phú qua đài phát thanh, truyền hình; chuyên mục “Phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý và giải đáp pháp luật” trên báo Kiên Giang; tìm hiểu về trợ giúp pháp lý, đọc các bài viết trên Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang; đặt bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, phát hành tờ gấp…. 

Thạc sĩ Bùi Đức Độ (bên trái) - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang giải đáp thắc mắc và tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), tháng 8-2022. Ảnh: TÚ LY

Chặng đường vượt khó của trợ giúp pháp lý Kiên Giang có thể chia thành hai giai đoạn, giai đoạn đầu năm 1998-2017 và giai đoạn năm 2018-2022 ghi nhận những thành tích hết sức ấn tượng, phù hợp với tình hình phát triển của xã hội.

Nếu như giai đoạn đầu chủ trương hướng về cơ sở với những đợt trợ giúp pháp lý lưu động đến 1.072 lượt xã nghèo, thị trấn ở vùng sâu, biên giới, hải đảo thì giai đoạn sau với phương châm chủ động tiếp cận, phục vụ kịp thời để tư vấn pháp luật, bào chữa, bảo vệ và đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý. Vì thế, gần như 52.539 vụ việc cho 52.539 người được trợ giúp pháp lý không phải đến trung tâm để yêu cầu trợ giúp pháp lý mà do sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan, sự chủ động của người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Chất lượng vụ việc ngày càng được nâng lên, trong số 4.859 vụ việc bào chữa, bảo vệ, 95 việc đại diện ngoài tố tụng, 38 việc hòa giải các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai... có trên 50% vụ việc thành công, hiệu quả theo tiêu chí đánh giá của Bộ Tư pháp.

Đơn cử như vụ ông P.V.Th ở xã Hưng Yên, huyện An Biên (Kiên Giang) là bị cáo trong vụ án cố ý gây thương tích, thuộc hộ nghèo, thoát án tù vào phút chót do trợ giúp viên pháp lý động viên được người bị hại rút đơn khởi tố.

Bị cáo Th.D.Ph.Đ và D.H.Th, cùng ngụ xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) thuộc diện đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được trợ giúp viên pháp lý bào chữa chuyển khung hình phạt và giảm cho mỗi bị cáo 24 tháng tù so với mức thấp nhất mà viện kiểm sát đề nghị. Chị L.Th.L ngụ xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng thuộc diện người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý bảo vệ trong vụ án dân sự, kết quả đã lấy lại được 16.760m2 đất là di sản thừa kế của cha mẹ để lại.

Những năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang đạt nhiều thành tích như danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, được nhận cờ thi đua của Ủy ban nhân dân tỉnh, 1 cờ thi đua của Chính phủ, 1 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 2 Huân chương Lao động hạng ba cho tập thể và cá nhân.

Ghi nhận kết quả đạt được, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang nhận xét hoạt động trợ giúp pháp lý là hình thức đưa pháp luật đi vào cuộc sống có hiệu quả nhất, góp phần vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo công bằng xã hội, củng cố lòng tin của dân với Đảng và Nhà nước.

Theo Báo Kiên Giang