Hoạt động B2B giữa các doanh nghiệp.
Ðổi mới quảng bá, tiếp cận thị trường
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Lâm Ðồng vừa tổ chức hội nghị xúc tiến, hợp tác phát triển du lịch giữa Lâm Ðồng với Cần Thơ và Ðồng Tháp năm 2023 với chủ đề “Ðà Lạt, Lâm Ðồng - Ðiểm hẹn Du lịch” thu hút gần 100 doanh nghiệp du lịch, lữ hành của 3 tỉnh, thành.
Không gian hội nghị quảng bá có nhiều khu vực trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ. Khách tham quan có thể tìm hiểu tổng quan tiềm năng du lịch Lâm Ðồng; các nghệ nhân trình diễn trực tiếp. Bà Nguyễn Thì Trang, Công ty TNHH Thêu nghệ thuật và Mỹ nghệ Hữu Hạnh (TP Ðà Lạt), nói: “Ðây là lần đầu tôi tham dự quảng bá tại Cần Thơ, qua đó mong muốn quảng bá tranh thêu tay, một làng nghề có hơn 20 năm ở Ðà Lạt. Khi đến xưởng thêu, du khách sẽ được thưởng thức những bức tranh thêu tỉ mỉ từ tài hoa của các nghệ nhân, cũng như hiểu hơn về nghề thêu của Việt Nam”. Bên cạnh đó là bà Ron K’Riêng (huyện Lạc Dương, Lâm Ðồng) miệt mài dệt thổ cẩm, trình diễn tay nghề hơn 50 năm. Bà Ron K’Riêng chia sẻ: “Ðây là sản phẩm thổ cẩm của người Cơ Ho. Hồi xưa sợi chỉ bông, nhuộm màu từ các loại lá cây rừng, nhưng nay sợi chỉ nhiều màu hơn. Ðiểm nhấn của sản phẩm thổ cẩm là hoa văn mang đậm nét văn hóa của người Cơ Ho. Lần này tham gia quảng bá tại Cần Thơ, tôi mong muốn giới thiệu làng nghề, hy vọng tìm được đầu ra cho sản phẩm và thu hút khách du lịch đến quê tôi”.
Một điểm nhấn nữa là không gian kết nối, ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Bà Nguyễn Cẩm Thảo, đồng sáng lập Công ty TNHH Seed Coffee, cho biết: “Tham gia đợt khảo sát và quảng bá lần này, tôi mong muốn giới thiệu những làng nghề, đặc sản của Lâm Ðồng, cụ thể ở đây là cà phê đến với du khách Cần Thơ và ÐBSCL. Sản phẩm công ty tôi là cà phê rang xay nguyên chất, trong đó hướng đến nhu cầu nhanh, tiện lợi, chất lượng nên có cà phê phin giấy. Ðợt khảo sát này, tôi có kết nối với đối tác tại Cần Thơ và ÐBSCL, kỳ vọng sẽ mở thêm thị trường”. Trong khi đó, bà Ðoàn Ngọc Bích, Giám đốc điều hành Tam Trinh Coffee, cho biết: “Bên cạnh việc quảng bá các sản phẩm cà phê lâu năm của công ty, chúng tôi cũng giới thiệu tour trải nghiệm khám phá văn hóa cà phê bản địa với các đối tác tại khu du lịch cà phê Tám Trình. Khu du lịch này mới đi vào hoạt động hơn một năm”.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở VHTT&DL TP Cần Thơ, cho biết: “Trước đó, Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Ðồng và Cần Thơ đã bàn thảo hướng tới việc tạo không gian và thời gian thích hợp để các doanh nghiệp có cơ hội kết nối. Do đó, hoạt động lần này có điểm mới là B2B để các doanh nghiệp gặp gỡ, đủ thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu các sản phẩm khi tiến tới ký kết hợp tác rõ ràng và hiệu quả hơn”. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Ðồng, chia sẻ: “Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Ðồng mong muốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch, dịch vụ các địa phương có cơ hội giao thương gặp gỡ, trao đổi, đàm phán, ký kết hợp tác... tạo nên những sản phẩm dịch vụ du lịch mới với chuỗi cung ứng dịch vụ khép kín, giúp gia tăng giá trị và lợi ích cho khách hàng, nâng tầm điểm đến, tạo hành trình hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch toàn vùng”.
Kết nối, khai thác tiềm năng
Lâm Ðồng, Cần Thơ và Ðồng Tháp đều có tiềm năng phát triển du lịch với các sản phẩm đa dạng, nhiều đơn vị lữ hành chuyên nghiệp, thích hợp kết nối xây dựng các tour tuyến, chuỗi sản phẩm liên kết để mở rộng thị trường, đồng thời khai thác được thế mạnh đường bay Cần Thơ - Liên Khương. Ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cho rằng: “Chương trình liên kết phát triển du lịch giữa Lâm Ðồng với các địa phương đang dần phát huy hiệu quả. Một số chương trình, sản phẩm du lịch liên kết đã trở nên thân quen, gần gũi với khách du lịch cả nước. Do đó, hoạt động liên kết Lâm Ðồng với Cần Thơ - Tây Ðô miền đất gạo trắng nước trong và Ðồng Tháp - Xứ sở Sen hồng là cần thiết và hứa hẹn có những kết nối hiệu quả, tạo chương trình, sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn thúc đẩy trao đổi khách mạnh mẽ giữa 3 địa phương”.
Ông Nguyễn Văn Ty, Giám đốc chi nhánh Lâm Ðồng, Công ty Long Phú Tourist, nói: “Du khách miền Tây là một trong những thị trường chính của các đơn vị lữ hành tại Lâm Ðồng. Trong sự kết nối, liên kết với Cần Thơ, chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo sự trao đổi khách hai chiều. Trước đó vài ngày, chúng tôi có khảo sát tại Cần Thơ, Ðồng Tháp và nhận thấy có nhiều sản phẩm phù hợp thị trường khách Lâm Ðồng. Qua đợt khảo sát, kết nối từ hội nghị, giữa các doanh nghiệp du lịch ở các địa phương sẽ xây dựng được các tour tuyến liên kết giữa 3 địa phương”. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Ðồng, thông tin: “Hiện nay, khách du lịch nội địa từ các tỉnh ÐBSCL chiếm hơn 50% thị trường khách nội địa của tỉnh Lâm Ðồng. Ðây là một trong những thị trường trọng điểm mà Lâm Ðồng mong muốn tiếp tục mở rộng, kết nối tạo thị trường ổn định. Với phương châm “Lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”, tỉnh Lâm Ðồng xác định mục tiêu đẩy mạnh liên kết du lịch với các địa phương trong và ngoài nước, tạo nên các sản phẩm du lịch theo các chuỗi giá trị khép kín, gắn với phát triển xanh, bền vững. Thời gian qua, chúng tôi triển khai chương trình liên kết phát triển với nhiều địa phương trong cả nước như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Ðồng Nai, TP Hồ Chí Minh… Lần này, chúng tôi chọn kết nối với Cần Thơ và Ðồng Tháp kỳ vọng mở ra nhiều tiềm năng mới”.
Không gian trưng bày, trình diễn các sản phẩm làng nghề.
Ông Trương Văn Vinh, Giám đốc Công ty Thương mại Du lịch và Sự kiện IDO Cần Thơ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lữ hành TP Cần Thơ, nhìn nhận: “Các hoạt động xúc tiến giữa Lâm Ðồng và Cần Thơ đã có từ trước và nhiều, lần này có thêm Ðồng Tháp. Tôi cho rằng liên kết mới này sẽ giúp các địa phương trao đổi thông tin, điểm đến, trao đổi khách, tăng cường xúc tiến, quảng bá; đồng thời giúp doanh nghiệp 3 địa phương hướng đến việc liên kết xây dựng các sản phẩm, thị trường khách mới”. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở VHTT&DL TP Cần Thơ, cho rằng: “Ðây là cơ hội để các địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp kết nối, trao đổi các sản phẩm du lịch, dịch vụ, mở rộng thị trường khách. Thực tế, nguồn khách từ Cần Thơ, ÐBSCL đến Lâm Ðồng rất nhiều nhưng ở chiều ngược lại thì khá khiêm tốn. Do đó, chúng tôi kỳ vọng lần khảo sát, kết nối này, các đơn vị lữ hành từ Lâm Ðồng và Cần Thơ, Ðồng Tháp xây dựng sản phẩm chung để thu hút khách cả hai chiều. Về TP Cần Thơ, chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong công tác xây dựng điểm đến, đa dạng hóa các sản phẩm mới; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, đảm bảo chất lượng, an toàn, nhằm kết nối nguồn khách giữa Cần Thơ, vùng ÐBSCL với tỉnh Lâm Ðồng và các tỉnh Tây Nguyên”.
Các bên liên kết cũng mong muốn nhận được sự ủng hộ về cơ chế, chính sách của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp nhằm cùng nhau cải thiện môi trường du lịch, đẩy mạnh phát triển, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị di sản văn hóa; thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch mới; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng, đổi mới công tác quảng bá xúc tiến, liên kết; xây dựng nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa đến các thị trường trong nước. Ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cho rằng 3 địa phương cần chú trọng phối hợp, nghiên cứu xây dựng cơ chế liên kết đặc thù, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương. Chú trọng phát triển các chuỗi sản phẩm liên địa phương, có chất lượng; nâng cao ứng dụng công nghệ số; đổi mới xúc tiến du lịch, xây dựng các chương trình quảng bá chung, hợp tác chặt chẽ với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch quốc gia và địa phương. Trong thời gian tới Cục tập trung tham mưu Bộ VHTT&DL đổi mới, hoàn thiện cơ chế liên kết hợp tác phát triển du lịch, đặc biệt thúc đẩy các liên kết hợp tác công - tư; đồng hành cùng các địa phương để tháo gỡ khó khăn, triển khai các hoạt động hỗ trợ, tạo môi trường và điều kiện để các doanh nghiệp phát triển hiệu quả, nhanh, bền vững.
Theo ÁI LAM (Báo Cần Thơ)