Long An: 'Đánh thức' tiềm năng du lịch nông nghiệp

04/10/2023 - 14:40

Hiện nay, du lịch nông nghiệp trở thành lựa chọn hấp dẫn cho du khách khi muốn tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa, con người, cuộc sống tại vùng nông thôn. Và Long An là nơi tuyệt vời để du khách tìm đến, hòa mình với thiên nhiên. Đây là cơ hội để các địa phương trong tỉnh tận dụng tiềm năng, thế mạnh 'đánh thức' du lịch nông nghiệp.

A A

Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm tại vườn chanh của Chavi Garden (huyện Bến Lức)

Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm tại vườn chanh của Chavi Garden (huyện Bến Lức)

Tận dụng tiềm năng, thế mạnh

Long An có nhiều nghề truyền thống mang nét đặc trưng văn hóa nông nghiệp, nông thôn và nhiều sản vật địa phương, tiêu biểu như nghề dệt chiếu, làm trống, làm bánh tráng và các nông sản: Thanh long, chanh, đậu phộng, rượu, gạo Nàng Thơm Chợ Đào, bánh in, lạp xưởng,... Đây chính là tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp.

Khu du lịch sinh thái và học tập trải nghiệm Chavi Garden thuộc Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) có diện tích trên 40ha, vài năm trở lại đây đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều du khách gần, xa, đặc biệt là những du khách thích trải nghiệm, khám phá về nông nghiệp.

Thay vì chọn du lịch biển, tâm linh, anh Nguyễn Văn Trải (quận 5, TP.HCM) lại đưa gia đình du lịch trải nghiệm tại Chavi Garden. Anh Trải cho biết: “Tôi muốn các con được trải nghiệm làm nông nghiệp một cách chân thực. Thế nhưng, để an tâm cho trẻ trải nghiệm, chúng tôi tìm những nhà vườn sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn như tại Chavi Garden”.

Khu trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh tại Chavi Gaden

Khu trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh tại Chavi Gaden

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt - Nguyễn Văn Hiển thông tin: Các loại nông sản trồng tại Chavi Garden hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học, chỉ tập trung cải tạo đất, bón nhiều phân hữu cơ. Phương pháp này được học tập từ bí quyết làm nông nghiệp sạch, hữu cơ của người Nhật.

Ngoài các loại trái cây tươi, Chavi Garden còn bán các sản phẩm được chế biến sẵn như nước cốt chanh, bột chanh, vỏ chanh sấy khô, bột cam, bột thanh long,... Đặc biệt, Chavi Garden còn xây dựng một khu riêng biệt để trưng bày, quảng bá và đưa các sản phẩm OCOP của công ty, các chủ thể trên địa bàn tỉnh đến gần hơn với du khách gần, xa.

Chavi Garden (huyện Bến Lức) thường xuyên tiếp đón các đoàn học tập kinh nghiệm về du lịch nông nghiệp

Chavi Garden (huyện Bến Lức) thường xuyên tiếp đón các đoàn học tập kinh nghiệm về du lịch nông nghiệp

Những năm gần đây, để các sản phẩm OCOP đến với nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là khách du lịch, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các ngành liên quan và địa phương thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, nổi bật là xây dựng các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các điểm dừng chân. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng (đại diện điểm dừng chân Đồng Tháp, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa) cho biết: “Gần 3 năm qua, điểm dừng chân Đồng Tháp trưng bày, kinh doanh đặc sản của các địa phương, trong đó, ưu tiên trưng bày các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của tỉnh.

Sản phẩm OCOP của tỉnh rất đa dạng, mẫu mã đẹp nên được khách hàng ưa chuộng. Do đó, chúng tôi thường xuyên cập nhật các sản phẩm mới đạt chuẩn OCOP để trưng bày, kinh doanh. Điều này không chỉ giúp chúng tôi tăng doanh số, giữ chân khách hàng mà còn góp phần quảng bá thương hiệu, sản phẩm đặc trưng của quê hương Long An đến với du khách gần, xa”.

Điểm dừng chân Đồng Tháp (xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa) trưng bày các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của tỉnh nhằm quảng bá đặc sản địa phương đến du khách gần, xa

Điểm dừng chân Đồng Tháp (xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa) trưng bày các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của tỉnh nhằm quảng bá đặc sản địa phương đến du khách gần, xa

Trung bình mỗi ngày, điểm dừng chân Đồng Tháp đón trên 700 lượt khách. Thứ bảy, chủ nhật hoặc ngày lễ, tết đón trên 1.000 lượt khách/ngày. Hàng tháng, điểm dừng chân Đồng Tháp nhập hàng liên tục, trong đó, có các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của tỉnh.

Anh Nguyễn Nam Hải (tỉnh An Giang) chia sẻ: “Tôi đi làm công nhân ở tỉnh Bình Dương nên thường về thăm quê vào các dịp lễ, tết. Mỗi lần đi ngang Long An, tôi hay ghé điểm dừng chân Đồng Tháp để ăn uống, nghỉ ngơi và mua quà tặng người thân. Điểm dừng chân này bán nhiều đặc sản vùng, miền, không cần phải đi đâu xa cũng có thể tìm được món yêu thích. Tôi thường mua chao Tân Long An làm quà cho người thân. Đây là sản phẩm đạt chuẩn OCOP nhưng bán giá bình dân, phù hợp với người có thu nhập thấp”.

Để du lịch nông nghiệp "cất cánh"

Du lịch nông nghiệp đang được các ngành chức năng tỉnh quan tâm thực hiện và thu hút nhiều cơ sở, người dân tham gia. Tuy nhiên, để du lịch nông nghiệp “cất cánh”, phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cần có lộ trình với những định hướng, giải pháp hiệu quả.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có một số mô hình du lịch nông nghiệp hoạt động nhưng phần lớn đều chỉ phát triển ở quy mô nhỏ, lẻ, tự phát, chưa có tính hệ thống và kết nối với nhau. Hiện nay, du lịch nông nghiệp không chỉ làm thay đổi tập quán du lịch tại địa phương mà còn giúp ngành Nông nghiệp phát triển theo. Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tích cực phối hợp các ngành liên quan và địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số tại các mô hình du lịch, tăng cường quảng bá, thu hút chủ thể tham gia phát triển du lịch nông nghiệp.

“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường tổ chức các chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm những mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, sản xuất sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh để các chủ thể tìm hướng đi phù hợp; tiếp tục phối hợp các ngành liên quan định hướng cho địa phương, các chủ thể phát triển du lịch nông nghiệp gắn với các sản phẩm OCOP và nông nghiệp hữu cơ” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết./.

Theo KIM NGỌC - BÙI TÙNG (Báo Long An)