Long An: Đầu tư cho giáo dục - đầu tư cho sự phát triển

08/12/2022 - 10:09

Dù giai đoạn nào, Đảng và Nhà nước luôn xác định rõ “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” và “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”. Với quan điểm xuyên suốt đó, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Long An luôn được quan tâm, đầu tư, không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.

A A

Được khánh thành, đưa vào hoạt động năm học 2021-2022, Trường THPT Thiên Hộ Dương (thị xã Kiến Tường) là niềm vui, tự hào của người dân nơi đây. Trường do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động xây dựng

Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư

Thời gian qua, cơ sở vật chất trường học luôn được quan tâm đầu tư. Các phòng học, phòng chức năng được sửa chữa, nâng cấp; nhiều dãy phòng học xuống cấp được thay thế bằng những dãy phòng học mới, khang trang,... Đặc biệt, một số trường được đầu tư xây mới, đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên (GV), học sinh (HS), góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương nói riêng và tỉnh nói chung.

Được khánh thành, đưa vào hoạt động năm học 2021-2022, Trường THPT Thiên Hộ Dương (thị xã Kiến Tường) là niềm vui, tự hào của người dân nơi đây. Bởi, trường không chỉ mang tên Anh hùng dân tộc Thiên Hộ Dương mà còn khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất của trường học đạt chuẩn quốc gia. Trường hoạt động và phát triển theo định hướng chất lượng cao, phục vụ nhu cầu học tập của HS khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh. Đây là ngôi trường do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động xây dựng với quy mô 22 phòng học và nhiều hạng mục công trình, trang thiết bị đồ dùng phục vụ giảng dạy, học tập.

Trường THPT Thiên Hộ Dương được xây dựng và đi vào hoạt động có ý nghĩa lớn đối với sự nghiệp giáo dục của thị xã Kiến Tường nói riêng và khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh nói chung. Sự ra đời của Trường THPT Thiên Hộ Dương không chỉ giải quyết những khó khăn trong công tác tuyển sinh đầu cấp THPT của thị xã Kiến Tường ở những năm học trước mà còn đáp ứng nguyện vọng tham gia học tập các lớp chất lượng cao của HS khu vực này.

Hiệu trưởng Trường THPT Thiên Hộ Dương - Bùi Xuân Lộc cho biết: “Với điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất và sự quyết tâm, nỗ lực của đội ngũ GV, năm học 2021-2022, trường đạt các chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là kết quả của lớp chất lượng cao. Năm học 2022-2023, trường tiếp tục phát huy những tiềm lực sẵn có để nâng cao chất lượng giáo dục của đơn vị”.

Một ngôi trường khác đang được quan tâm, đầu tư xây mới là Trường THPT Võ Văn Tần (huyện Đức Hòa). Theo Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Tần - Huỳnh Công Thành, Trường THPT Võ Văn Tần bị xuống cấp nhiều năm, trong đó, một số phòng học xuống cấp nặng. Trường thiếu phòng chức năng, sân chơi, bãi tập, không đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học của GV, HS. Được đầu tư xây mới là niềm vui rất lớn của tập thể nhà trường.

Công trình Trường THPT Võ Văn Tần vừa được khởi công xây dựng

Được biết, công trình Trường THPT Võ Văn Tần đang được xây dựng với quy mô 45 phòng học, 33 phòng chức năng, có thể đáp ứng nhu cầu học tập của gần 2.000 HS. Dự kiến, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm học 2023-2024. Đây cũng là công trình do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động xây dựng.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên 

Với phương châm của đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là “Lấy HS làm trung tâm”, “Lấy nhà trường làm nền tảng”, “Lấy thầy, cô giáo làm động lực” và Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh xác định “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh” là 1 trong 3 chương trình đột phá để hướng tới mục tiêu “Đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, ngành GD&ĐT tỉnh càng quyết tâm hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ ở từng năm học. Trong đó, nòng cốt là đội ngũ GV, những người trực tiếp đứng lớp.

Do vậy, để góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT của tỉnh, đội ngũ GV cũng được quan tâm, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đặc biệt, Sở GD&ĐT triển khai bồi dưỡng các mô đun và tập huấn các chuyên đề thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, các thầy, cô cũng không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để có những phương pháp dạy học hay, hiệu quả, thu hút HS.

Trường THPT Chuyên Long An được tổ chức để đào tạo cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập

Cô Phan Thị Hồng Luân - GV Trường Tiểu học Mỹ Thạnh Bắc (huyện Đức Huệ), chia sẻ: “Tham gia lớp bồi dưỡng, tôi được học hỏi rất nhiều điều hay, kinh nghiệm của các chuyên gia, từ đó chuyên môn, nghiệp vụ được nâng lên. Trong quá trình giảng dạy, tôi tiếp tục nghiên cứu, học hỏi đồng nghiệp để đúc kết thêm những phương pháp dạy phù hợp nhằm phát huy tối đa sự chủ động, tích cực của HS”.

Ngoài ra, các trường còn tạo điều kiện cho GV nâng cao trình độ và nâng chuẩn. Bởi có đội ngũ GV chất lượng, các trường sẽ thuận lợi phát triển giáo dục mũi nhọn để góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tỉnh hiện có 2 Nhà giáo nhân dân và 192 Nhà giáo ưu tú. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh có khoảng 110 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia. Đây là thành quả phấn đấu trong nhiều năm của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh.

Tuy nhiên, các trường trong tỉnh vẫn tồn tại thực trạng thừa, thiếu GV cục bộ. Tình trạng này gây nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học. Do vậy, các trường nỗ lực khắc phục, GV tăng tiết để không làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của đơn vị.

Hiện thiếu 5 GV, Trường THCS Mỹ Thạnh Tây (huyện Đức Huệ) vận động GV về hưu, GV trường lân cận hợp đồng thỉnh giảng; đồng thời, vận động GV các môn thiếu tăng tiết. Nhờ sự quyết tâm của tập thể nhà trường, đặc biệt là đội ngũ GV, trường duy trì phát huy năng lực HS mũi nhọn và giữ vững chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó, trường có lớp chất lượng cao, trường thực hiện mô hình trường tiên tiến trong tỉnh và đặc biệt là Trường THPT Chuyên Long An tiếp tục phát huy thế mạnh, phát triển giáo dục mũi nhọn, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Theo đó, Trường THPT Chuyên Long An đào tạo HS đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học của HS trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài.

Giáo viên thay đổi phương pháp giảng dạy, phát huy năng lực của học sinh

Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Long An - Đàm Văn Tuyến chia sẻ: “Một trong những chiến lược định hướng phát triển của trường là tiếp tục xây dựng Trường THPT Chuyên Long An thành ngôi trường “đầu tàu” của giáo dục tỉnh về chất lượng giáo dục, phát triển đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất, phấn đấu đạt chuẩn quốc gia mức độ II. Đồng thời, trường tăng cường công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo có năng lực chuyên môn cao, có đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm,... đáp ứng yêu cầu công tác tại trường chuyên biệt và nhiệm vụ đổi mới giáo dục”.

Với sự quan tâm, đầu tư cùng quyết tâm, nỗ lực của các trường, nhất là đội ngũ GV, chất lượng GD&ĐT của tỉnh ngày càng được nâng lên, góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và đất nước./.

Hiện nay, toàn tỉnh có 591 cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông được đầu tư xây dựng kiên cố trải đều ở 188/188 xã, phường, thị trấn; trong đó, có 321 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 54,31%.

Theo Báo Long An