Long An: Vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo

15/05/2023 - 15:32

Với sự tiếp sức của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGDNHCSXH) huyện Bến Lức, tỉnh Long An cùng ý chí, nghị lực vượt khó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy cố gắng vượt qua bệnh tật, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Vượt qua bệnh tật

Năm 2000, chị Nguyễn Thị Thanh Thủy và anh Nguyễn Mộng Hùng (khu phố 8, thị trấn Bến Lức) nên duyên vợ chồng. Khi ra riêng, cha mẹ hai bên đều khó khăn nên chỉ cho đôi vợ chồng trẻ miếng đất xây nhà. Thời điểm đó, anh Hùng làm công nhân, chị Thủy ở nhà nội trợ, dù không khá giả nhưng vẫn đủ sống. Khi vợ chồng anh chị sinh 2 người con, kinh tế gia đình bắt đầu eo hẹp, vì vậy, chị Thủy mạnh dạn vay vốn PGDNHCSXH huyện đầu tư mua máy may, nhận may áo dài để vừa có thu nhập, vừa có thời gian chăm sóc gia đình.

Khó khăn này chưa qua, khó khăn khác lại đến, năm 2014, bác sĩ thông báo chị Thủy bị bệnh ung thư cần phẫu thuật gấp. Chia sẻ với hoàn cảnh của chị, UBND thị trấn Bến Lức xét gia đình chị vào danh sách hộ nghèo để hưởng các chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Chị Thủy bộc bạch: “Lúc hay tin mình bị ung thư thì tôi rất lo lắng, sợ làm gánh nặng cho chồng con. Thế nhưng, tôi suy nghĩ lại phải sống lạc quan, cố gắng làm việc để có tiền trị bệnh và chăm lo tương lai cho các con. Trải qua nhiều lần phẫu thuật với chi phí trên 300 triệu đồng, giờ sức khỏe tôi dần ổn định”.

Anh Hùng (chồng chị Thủy) trải lòng: “Thời điểm khó khăn, vợ bệnh, con gái chuẩn bị vào đại học, tôi sợ không đủ điều kiện lo cho vợ con. May mắn được PGDNHCSXH huyện hỗ trợ vay vốn từ chương trình học sinh, sinh viên nên con gái lớn có điều kiện học tiếp đại học. Để tiện chăm sóc vợ, tôi quyết định nghỉ việc ở công ty, tận dụng mặt bằng nhà mở quán bán cơm, từ đó thu nhập dần cải thiện. Khi vợ bớt bệnh, con gái lớn ra trường, kinh tế gia đình ổn định, vợ chồng tôi chủ động xin ra khỏi hộ cận nghèo để nhường sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước cho những hoàn cảnh khó khăn hơn”.

Nỗ lực khắc phục khó khăn

Anh Tạ Quốc Việt chia sẻ: “Điều tôi cảm thấy tự hào nhất trên hành trình thoát nghèo là không bao giờ bỏ cuộc trước khó khăn, thất bại”

Anh Tạ Quốc Việt (ấp 3, xã Tân Bửu) là trụ cột chính trong gia đình. Nối nghiệp cha, anh theo nghề hàn nhưng tại vùng nông thôn, nghề này chưa phát triển. Hơn hết, mẹ bị bệnh tai biến, cha lớn tuổi cần người chăm sóc nên anh không thể đi làm công nhân mà phải tìm một công việc phù hợp để vừa có thu nhập, vừa có thời gian chăm sóc cha mẹ già. Thương hoàn cảnh gia đình, một người quen hướng dẫn anh theo nghề thu mua phế liệu.

Hàng ngày, người làm nghề này phải tiếp xúc với rất nhiều loại phế thải bẩn. Ngoài ra, để thu mua được nguồn phế liệu với giá tốt, người mua cần có nhiều kinh nghiệm, biết được loại phế liệu, chất lượng để có thể phân biệt và đánh giá đúng. Do đó, khi mới vào nghề, anh Việt cảm thấy mặc cảm, tự ti và thường mua nhầm hàng dẫn đến lỗ vốn. Anh Việt chia sẻ: “Sau nhiều lần mua nhầm hàng, tôi không còn vốn thu mua phế liệu. Vì vậy, tôi quyết định vay vốn PGDNHCSXH huyện 40 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo để tiếp tục kinh doanh. Nhờ chăm chỉ làm việc, tôi dần tích lũy được kinh nghiệm nên việc kinh doanh ngày càng ổn định, thu nhập bình quân 15 triệu đồng/tháng. Năm 2015, gia đình tôi thoát nghèo. Điều tôi cảm thấy tự hào nhất trên hành trình thoát nghèo là không bao giờ bỏ cuộc trước khó khăn, thất bại, cố gắng vươn lên bằng nghị lực của bản thân”.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi dành cho người nghèo. Dù vậy, người nghèo không nên trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước mà cần nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Vợ chồng chị Thủy, anh Hùng hay anh Việt đang làm được điều này, xứng đáng được noi gương./.

Theo KIM NGỌC (Báo Long An)