Miếu Bà Cố - Nơi góp phần giáo dục truyền thống cách mạng

16/03/2021 - 09:25

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc, khu vực miếu Bà Cố là nơi diễn ra trận đánh giằng co ác liệt nhất giữa ta và địch. Chính tại nơi đây, ta đã tiêu diệt và làm bị thương một lực lượng lớn quân địch. Khi đất nước không còn bóng quân thù, đây trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân.

A A

Trận đánh ác liệt

Miếu Bà Cố là ngôi miếu nhỏ được xây dựng cách nay hơn 150 năm, tại ấp Bình Trị, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Tại khu vực này, vào ngày 24-2-1954, Tiểu đoàn 309 phối hợp quân, dân Châu Thành phục kích tiêu diệt gọn một tiểu đoàn và một đại đội quân địch, lập nên một trong những chiến thắng vang dội nhất trong lịch sử 9 năm kháng chiến chống Pháp xâm lược trên đất Long An.

Trận miếu Bà Cố còn gọi là trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - miếu Bà Cố, vì trước trận đánh, Tiểu đoàn 309 đã phối hợp du kích và bộ đội địa phương Châu Thành tiến đánh bót Vĩnh Công, lực lượng ta nhanh chóng tiến về điểm trú quân đóng trên khu vực trải dài từ ấp Bình Trị, xã Phú Ngãi Trị đến ấp 5, xã Hiệp Thạnh. Chính tại khu vực này, Tiểu đoàn 502 và Đại đội 14 của địch đã bị Tiểu đoàn 309 và địa phương quân Vàm Cỏ tiêu diệt.

Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt vào ngày 24-2-1954, chia làm 2 đợt, lực lượng ta với thế đón lõng, chia làm 3 gọng kìm bao vây tiêu diệt địch. Ta chủ động bố trí nên đã làm chủ hoàn toàn trận địa. Kết thúc trận đánh, ta đã tiêu diệt và bắt sống nhiều tên địch, thu nhiều súng và quân trang, quân dụng.

Chiến thắng miếu Bà Cố phối hợp chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 của cả nước đã góp phần làm phá sản kế hoạch Nava, đẩy giặc Pháp ngày càng xa lầy vào chiến tranh Đông Dương, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 07-5-1954, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình trên bán đảo Đông Dương.

Ngày 17-8-1994, khu vực miếu Bà Cố được UBND tỉnh xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Và đây còn được xem là nơi tín ngưỡng của người dân địa phương. Người dân thường xuyên đến đây làm công quả. “Hàng năm, cứ đến ngày 16-4 Âm lịch, chính quyền và người dân địa phương tổ chức lễ cúng tại miếu cầu mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, người dân được mùa, trúng giá” - bà Võ Thu Phương (SN 1969), ngụ xã Phú Ngãi Trị, cho biết.

Góp phần giáo dục truyền thống cách mạng

Với những giá trị thiêng liêng gắn liền với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miếu Bà Cố trở thành một trong những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, lý tưởng cho thế hệ trẻ.

Vào những ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm thành lập Đảng, Đoàn hay các dịp sinh hoạt hè, Đoàn xã thường xuyên phối hợp chi đoàn trường học tổ chức cho học sinh, đoàn viên, thanh niên về nguồn, viếng thăm, thắp hương, vệ sinh tại miếu Bà Cố. Tại đây, các em còn được nghe các cựu chiến binh ôn lại diễn biến trận đấu lịch sử. Đồng thời, Huyện đoàn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử địa phương cho các em tham gia. Qua đó, giới thiệu truyền thống lịch sử dân tộc, các di tích lịch sử địa phương đến mỗi đoàn viên, thanh niên.

Bí thư Đoàn xã Phú Ngãi Trị - Huỳnh Minh Thiện chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương Châu Thành, nơi đã trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và Mỹ. Từ nhỏ, tôi được nghe người cao tuổi tại địa phương kể về chiến thắng miếu Bà Cố năm 1954. Nhưng đến khi công tác tại Đoàn xã, tôi mới được tìm hiểu sâu và rõ hơn về trận đánh. Tôi mong thế hệ trẻ sau này hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử địa phương mình. Vì thế, tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn cho các em tham gia”.

Mong rằng, thông qua những bài học lịch sử quý giá về đấu tranh cách mạng, truyền thống yêu nước của dân tộc, thế hệ trẻ ngày càng nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc phát huy, bảo vệ di tích; tích cực tham gia góp phần dựng xây và bảo vệ quê hương Phú Ngãi Trị ngày càng phát triển./.

Theo TAR2 LONG (Báo Long An)