Theo rà soát, toàn huyện Ngọc Hiển có khoảng 20.000 ha nuôi cua kết hợp với tôm, đa phần người dân chọn con cua là đối tượng có giá trị cao trong phát triển kinh tế. Hiện nay, cua được nuôi theo hình thức quảng cảnh cải tiến, nuôi cua 2 giai đoạn dưới tán rừng có lượng phù sa nhiều giúp cua nuôi phát triển tốt, đạt chất lượng. Con cua được nuôi trong môi trường tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn nên thịt cua ngon, gạch béo và giá thành cao so với cua ở các vùng khác. Cua thương phẩm được nuôi khoảng 4 tháng sẽ cho thu hoạch, cua đạt trọng lượng trung bình từ 4-5 con/kg.
Ðể thu hoạch cua, người nuôi có nhiều cách bắt, từ xổ vuông, đặt rập, câu cua… nhưng cách bắt phổ biến hiện nay tại huyện Ngọc Hiển là đặt rập. Vào con nước 15 và 30 âm lịch hàng tháng, người dân cho mồi vào rập, thả xuống vuông nuôi, đợi một khoảng thời gian sẽ kéo rập để bắt cua. Những con cua được thu hoạch phải đảm bảo đủ gạch và thịt chắc mới đạt tiêu chuẩn cũng như chất lượng khi đến tay khách hàng.
Ðặt rập cua, trải nghiệm thú vị cho du khách.
Ông Lê Tấn Hiệp, khóm Rạch Gốc B, thị trấn Rạch Gốc, có trên 40 năm gắn bó với nghề nuôi cua tại vùng đất ngập mặn này, cho biết, cua có nhiều loại: cua xô, cua y, cua yếm vuông, cua gạch son. Loại cua ngon bậc nhất là cua cốm hay cua hai da. Ngọc Hiển có độ mặn cao, gần biển, lượng phù sa nhiều làm thức ăn cho tôm, cua nên thịt cua thường chắc, ngọt, gạch béo.
Ông Hiệp thông tin thêm: “Hoạt động trải nghiệm bắt cua bằng rập khá thú vị. Thường đặt rập dính nhiều nhất là vào ban đêm. Bởi giai đoạn này cua đi kiếm ăn nhiều hơn ban ngày”.
Ngoài thu hoạch cua bằng cách đặt rập, hiện nay các điểm du lịch, điểm dừng chân trên địa bàn huyện còn tái hiện lại cách câu cua của người dân bản địa, như nét văn hoá đặc trưng để du khách khám phá. Tự tay bắt cua là trải nghiệm đáng nhớ cho du khách khi đến với Ngọc Hiển.
Ông Lê Minh Tỵ, Ðiểm dừng chân du lịch Tư Tỵ, thị trấn Rạch Gốc, chia sẻ: “Ðể phục vụ khách tham quan du lịch, gia đình đã chuẩn bị cần câu và khu vực cắm câu cho du khách câu cua”.
Cùng với các hoạt động trải nghiệm, du khách còn được thưởng thức các món ăn từ cua. Con cua được chọn là món chính trong thực đơn tại các điểm du lịch, điểm dừng chân, nhà hàng để phục vụ du khách gần xa. Cua có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, từ công thức đơn giản đến cầu kỳ, nhưng để giữ trọn vị, đa phần du khách đều chọn món cua luộc. Tuy dân dã nhưng cua luộc được xem là một trong những món cua ngon nhất, bởi giữ được hương vị ngon ngọt tự nhiên của thịt cua. Thưởng thức cua luộc với muối ớt hoặc muối tiêu chanh, cảm nhận vị ngọt tự nhiên của thịt cua, vị béo của gạch hoà quyện với vị chua, mặn, cay tạo nên hương vị độc đáo, ăn một lần nhớ mãi.
Bà Ðặng Nhân Tú, du khách đến từ Hà Nội, thưởng thức món cua gạch luộc ở quán Tư Tỵ, cho biết: “Tôi đã đến huyện Ngọc Hiển được vài lần, lần nào đến đây tôi cũng chọn món cua gạch luộc. Cua gạch luộc ở đây ngon lắm, gạch cua béo, ngọt, thịt thơm, ngon. Cua ở vùng Ngọc Hiển ngon nhất Việt Nam”.
Cua luộc, món ngon được nhiều du khách lựa chọn vì giữ được hương vị tự nhiên.
Cũng là du khách đến từ Hà Nội, bà Nguyễn Thị Như Huyền cho rằng: “Tôi lần đầu tiên chạm chân đến vùng đất cuối cùng bản đồ hình chữ S. Nơi đây có nhiều đặc sản như: ba khía, ghẹ, tôm, cá thòi lòi, ốc len… nhưng tôi ấn tượng nhất là cua luộc. Tôi thưởng thức cua ở nhiều vùng khác nhau của Việt Nam, nhưng ngon nhất là cua của vùng đất Ngọc Hiển. Có lẽ do điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng ven biển có lượng phù sa nhiều nên cua nơi đây rất ngon, ngọt, béo”.
Hưởng ứng Ngày hội Cua Cà Mau lần thứ I năm 2022 tại tỉnh Cà Mau, huyện Ngọc Hiển đẩy mạnh các hoạt động du lịch trải nghiệm mang tính hấp dẫn và mới lạ như câu cua, đặt rập cua… tự chế biến món ăn từ cua để khách du lịch được khám phá nét độc đáo của vùng đất cực Nam Tổ quốc. Ðặc biệt, hoạt động giới thiệu, quảng bá con cua đến với du khách được đẩy mạnh, giúp mỗi người hiểu hơn về con cua Ngọc Hiển.
Ngoài ra, huyện Ngọc Hiển còn trưng bày các sản phẩm OCOP của địa phương để khách du lịch tham quan và mua làm quà tặng người thân, bạn bè. Ngày hội Cua Cà Mau sẽ mang hình ảnh con cua đến gần với du khách và từng bước xây dựng thương hiệu, đưa con cua của huyện Ngọc Hiển vươn xa ra thị trường.
Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Chuẩn bị sự kiện Ngày hội Cua Cà Mau lần thứ I năm 2022, huyện Ngọc Hiển chỉ đạo các đơn vị, ngành chuyên môn huyện tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh, quê hương vùng đất cực Nam Tổ quốc, về các đặc sản, món ăn ngon, nhất là chế biến các món ăn từ cua. Ðối với các điểm du lịch phải xây dựng thương hiệu, hoạt động trải nghiệm gắn liền với đều kiện tự nhiên vùng đất Ngọc Hiển. Giá cả phải được niêm yết theo đúng quy định, tạo được lòng tin tuyệt đối cho du khách trong và ngoài nước. Với thương hiệu cua Cà Mau đã được khẳng định trên thị trường, ngày càng được nhiều người biết đến, việc đảm bảo chất lượng cua thương phẩm từ thu hoạch đến tiêu thụ sẽ góp phần phát triển thương hiệu, uy tín con cua Cà Mau ra thị trường xuất khẩu; con cua Ngọc Hiển sẽ góp chung vào sự thành công đó”./.
Theo HỒNG MY - CHÍ HIỂU (Báo Cà Mau)