Nấm sinh khối

25/05/2022 - 13:43

Dân làm nấm ở miền Tây, hầu như ai cũng biết meo Thần Nông của ông Năm Nghi ở Ô Môn, TP Cần Thơ. Không biết chân rết trồng nấm của ông thế nào, nhưng hễ giá nấm trên thị trường lên 120.000 đồng/kg mà nấm miền Tây tràn lên thì sớm muộn gì giá cũng sẽ xuống.

A A

Sản phẩm mới của Năm Nghi

Ông Năm Nghi tên thật là Phan Bá Nghi đã trên 70 tuổi vẫn hào hoa mang giày Tây trắng, áo chim cò. 

Là lớp con cháu gia tộc họ Phan 14 đời gia giáo ở Quảng Nam vào Sài Gòn ăn học. Năm 1973, Phan Bá Nghi làm việc trong siêu thị đầu tiên ở miền Nam, bán hàng cho công chức - ghi danh học lấy tín chỉ từ thương mại, ngân hàng, kỹ thuật canh nông… và cũng là người có không biết bao nhiêu bằng cấp. Lịch lãm bao nhiêu nhưng khi mọi thứ không còn nữa, Năm Nghi về vùng kinh tế mới, bèo bọt, một nắng hai sương.

Ðùng một cái, tiếng sét ái tình cuốn Năm Nghi về Ô Môn nhằm lúc ruộng đất của “nhạc phụ đại nhân” đã trang trải hết rồi. “Cuộc đời rơm rạ! Nghèo quá, đâu có vốn liếng gì nên chất nấm kiếm sống qua ngày!” - ông Năm Nghi nói.

Dòng nấm do Năm Nghi nuôi là do ông Ngan Muk Keung - nhà đầu tư trong liên doanh Meko - nhập từ Ðài Loan về Hậu Giang. Liên doanh Meko cũng thăng trầm, nhiều người đua nhau khai thác meo giống này, nhưng chỉ có Năm Nghi là bảo toàn được cho tới ngày nay. “Ðây là dòng nấm tốt, ông ráng bảo tồn. Nuôi được dòng nấm này là giỏi lắm”, ông Ngan có lần gặp ông Năm Nghi động viên.

Sau này, ông Năm Nghi tiếp tục nổi tiếng với thành công trong việc trồng nấm rơm trong nhà. Trại nấm của Năm Nghi không phải là loại tốt nhất, nhưng không có bất kỳ hóa chất nào, ông cam đoan như vậy.

Mỗi nhà có thể chất rơm theo tầng, 20 ngày là tới đợt thu hái - mỗi đợt kéo dài 10 ngày - thu hoạch 2 tấn nấm. Chiều thứ bảy hằng tuần, ông hay tổ chức đá banh để gom đám thợ trẻ lại ăn uống, karaoke cho vui. Lần trước, ông giải thích sản phẩm mới là loại meo đã ủ sẵn, người trồng nấm chỉ cần mua về chất là ra nấm rơm. Lần này là loại xưa nay chưa từng nghe nói: “Nấm sinh khối” - một dạng thực phẩm trong ống nghiệm.

Nhân thịt Hamburger từ thực vật của Công ty TNHH Sản Xuất - Kinh doanh thực phẩm chay Cây Ðề. Ảnh từ nguồn tư liệu của V Meat​

Theo đuổi xu hướng mới

Cả hành trình làm nấm sinh khối, bao nhiêu lần thất bại Năm Nghi không kể ra vì “kể ra để làm gì?”. “Nói thành công như thể không có lần thất bại là xạo” - Năm Nghi ghét kiểu nói về thành công “cái thế”.

Một ngày đẹp trời, ông nói chuyện nấm sinh khối, rành rẻ từ việc dùng nấm làm bột nêm, gia vị, bánh xèo, pizza tới nước tương, nước mắm… Năm Nghi thay đổi chiến lược ở tuổi thất thập cổ lai hi là chuyện có thật. Ông trang bị phòng Lab, nghiên cứu, thử nghiệm và trồng đại trà cả hai dòng nấm ăn và dược liệu.

“Nấm sinh khối, thực phẩm trong ống nghiệm, thịt từ thực vật… bây giờ đâu có gì mới mẻ” - ông giải thích: “Tế bào nấm bỏ vào môi trường, khuẩn ti ăn rồi thành sợi mang đặc tính di truyền là nấm, quả thể tăng sinh khối, giờ đây không có hình dáng nhưng phân chất là nấm. Trong tương lai, công nghệ thực phẩm trong ống nghiệm làm bột lúa mì, bột gạo, thịt bò… còn tại Ô Môn này đây, nấm không có hình đùi gà, hầu thủ… nhưng đầy đủ dinh dưỡng. Rong biển bây giờ cũng vậy thôi, nuôi cấy chứ đâu phải dưới biển vớt lên… như thiên nhiên hoang dã”.

“Nấm là nguồn thu nhập cho dân ít vốn, giá trị tăng từ phụ phẩm, khỏi đốt đồng gây ô nhiễm… là câu chuyện kinh tế tuần hoàn, là những người chịu khó vì người nghèo. Ðó là cách Năm Nghi tôi muốn làm” -
ông nói.

Viện ứng dụng năng lượng nguyên tử đã làm nấm sinh khối thành công, có người bán bột nấm làm thuốc, có đủ sách vở để làm theo. Vấn đề là vận dụng sách vở như thế nào. Và cuối cùng, người tiêu dùng chịu hay không mới là chuyện lớn chứ không thể nói “khơi khơi”, Năm Nghi đã làm nấm mang tặng bạn bè ăn chơi và căn dặn “Ðừng khen, cứ chê đi để tôi làm cho nó đàng hoàng hơn”.

Dòng chảy thực phẩm “thịt thực vật”

Thế hệ đầu tiên của protein nguồn gốc thực vật chủ yếu được tổng hợp từ đậu xanh và đậu nành, nhưng theo 2 chuyên gia Isabelle Decitre và Vandana Dhaul của quỹ ID Capital thì thế hệ sản phẩm tiếp theo tại châu Á hiện nay đang sử dụng những nguồn nguyên liệu mới rất đa dạng và phong phú như các loại đậu, lúa mạch, rong biển và nấm.

Thịt bò plant-based có vân giống thật lần đầu được sản xuất tại Thụy Sĩ. Hiện nay, các sản phẩm thịt có nguồn gốc từ thực vật (từ burger cho đến xúc xích, thịt xay, thịt viên từ thực vật) khá phổ biến và đa dạng tại các siêu thị. Từ đó, nhà nghiên cứu Martin Hofmann tại đại học nghiên cứu cộng đồng Thụy Sĩ (ETH) đã phát triển công nghệ để tạo ra những lát thịt thực vật mô phỏng lại các đường vân giống như thịt thật từ đậu, cà rốt, bột mì, dầu và nước. Phát kiến này được mong đợi sẽ giúp người dùng được tận hưởng được độ dai và tỷ lệ mỡ được phân bố đều trên lát thịt, mở ra tiềm năng lớn cho dòng sản phẩm này trong tương lai. Mới đây, Công ty Umiami (Pháp) đã kêu gọi được 30 triệu USD vốn đầu tư khi ra mắt công nghệ phun độ ẩm cao (HME) ứng dụng trong công đoạn tạo hình cho sản phẩm thịt thực vật. Theo công ty này, công nghệ mới vượt trội so với công nghệ phun độ ẩm thấp, có thể tạo ra những miếng thịt dày hơn, tỷ lệ sợi, độ dai và vân giống thịt thật hơn.

Tại Singapore, Công ty Umami Meats chia sẻ kế hoạch kết hợp giữa thịt nuôi cấy và thịt thực vật để cắt giảm chi phí và tối ưu hóa giá thành sản phẩm. Hiện tại, Singapore đã cho phép tiêu thụ sản phẩm thịt gà cell-based nên trong tương lai việc cấp phép lưu hành cho các sản phẩm hải sản cell-based có lẽ sẽ không còn xa nữa.

Trung Quốc nhiều tham vọng hơn cả, ngành đạm thay thế từ thực vật được xem là hướng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, Chính phủ sẽ tài trợ cho các công ty nghiên cứu các Protein mới để nhanh chóng giành ưu thế cạnh tranh trên thế giới.

Theo Báo Cần Thơ