Nâng tầm bánh ngon từ gạo, nếp

15/12/2023 - 15:33

Gần 2 giờ đồng hồ nỗ lực với tất cả sự tỉ mỉ, khéo léo để hoàn thành 200 món bánh từ gạo, nếp một cách hoàn hảo nhất, các nghệ nhân đã góp sức xác lập Kỷ lục Việt Nam “Sự kiện chế biến, công diễn các món bánh làm từ gạo, nếp nhiều nhất Việt Nam” tại Hậu Giang.

Các nghệ nhân cùng góp sức nâng tầm món bánh từ gạo, nếp.

40 nghệ nhân cùng góp sức

Các nghệ nhân đa phần còn rất trẻ, đến từ nhiều tỉnh, thành, cùng góp sức tạo nên những loại bánh ngon làm từ gạo, nếp. Nghệ nhân Kim Thị Thanh Mai, đến từ Sóc Trăng, hồ hởi với món bánh bí đỏ: “Ẩm thực của Việt Nam đa dạng và đặc biệt những món bánh từ gạo, nếp mộc mạc nhưng rất ngon. Tôi luôn nỗ lực học hỏi để tay nghề được nâng lên, làm những món ăn thật ngon, góp sức nâng tầm ẩm thực Việt”.

Mỗi nghệ nhân tham gia chế biến và trình diễn đều có những cảm xúc khác nhau, nhưng có một điểm chung là tự hào với sản vật của quê nhà, muốn góp sức để giới thiệu, quảng bá, nâng tầm ẩm thực nói chung, những món bánh từ gạo, nếp nói riêng.

Từ sự khéo léo, sáng tạo của các nghệ nhân, 200 món bánh từ gạo, nếp hoàn thành, không chỉ ngon mà còn được bài trí bắt mắt. Các món bánh rất gần gũi với người dân miền Tây, như bánh còng, bánh cam, bánh đúc, bánh tằm, bánh bèo, bánh chuối, bánh ít trần, bánh khọt, bánh xèo củ hủ khóm...

 Có những loại bánh ít thấy hơn, như bánh bá trạng, bánh ngải cứu, bánh chưng gù. Có loại bánh mang đặc trưng vùng, miền, như bánh khọt Vũng Tàu, bánh xèo Bạc Liêu, bánh nậm Huế, bánh bèo Quảng, bánh căn Phan Rang, bánh cuốn Tây Sơn, bánh tét Trà Cuôn...

Mỗi loại bánh có hương vị đặc trưng riêng, được kết hợp với các loại bột, gia vị, nước chan, nước chấm tạo nên những hương vị khó hòa lẫn.

Đưa sản vật quê nhà vươn tầm

Như vậy, Hậu Giang đã sở hữu 3 món ăn được xác lập kỷ lục Việt Nam. Trước đó, 100 món ăn từ cá thát lát và 100 món ăn từ khóm được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận, hai sản vật này đồng thời cũng được vinh danh Kỷ lục châu Á.

Những năm qua, lĩnh vực du lịch của Hậu Giang đang từng bước được quan tâm đầu tư và khai thác, trong đó ẩm thực là một trong những mục tiêu được nhắm tới trước tiên để có thể tạo dấu ấn riêng cho du khách bởi sự đa dạng của sản vật địa phương.

Ngoài hai đặc sản khóm Cầu Đúc và cá thát lát, Hậu Giang còn có nhiều sản vật khác đang từng bước được nâng tầm. Những hoạt động lớn của tỉnh luôn có những gian hàng ẩm thực, phục vụ những món ăn, thức uống đặc trưng của Hậu Giang để phục vụ du khách. Các nghệ nhân cũng mày mò nghiên cứu, hợp tác với địa phương để xây dựng thương hiệu cho món ăn của mình, để có thể phát triển sản phẩm một cách tốt nhất. Từ đó, nhiều món được công nhận là sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh...

Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết đây là sân chơi bổ ích cho các nghệ nhân trình diễn tay nghề, cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. “Chúng tôi tin tưởng sự kiện này sẽ có sức lan tỏa sâu rộng trong nước và quốc tế, để mọi người không chỉ biết đến gạo ngon của Việt Nam mà còn biết hàng trăm món bánh ngon được làm từ gạo, nếp. Hậu Giang sẽ tiếp tục phát huy bằng cách giới thiệu, quảng bá những món bánh đặc sắc này trong thời gian sắp tới, dưới nhiều hình thức, để tiếp sức cho sự lan tỏa và vươn tầm”, bà Lý chia sẻ.

Đây là câu chuyện dài và Hậu Giang đang từng bước khai thác thế mạnh của ẩm thực để phát triển du lịch. Những sự kiện mà Hậu Giang tổ chức, thu hút sự quan tâm của khách trong nước và quốc tế trong thời gian gần đây, ẩm thực cũng được giới thiệu bài bản, tạo nên nét riêng, làm lưu luyến bước chân du khách gần, xa.

6 kỷ lục Việt Nam đã được xác lập, công bố tại Hậu Giang

“Sự kiện chế biến, công diễn các món bánh làm từ gạo, nếp nhiều nhất Việt Nam “Là kỷ lục Việt Nam thứ 3 được xác lập trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023. Trước đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục về không gian triển lãm, sắp đặt Con đường lúa gạo Việt Nam, chủ đề “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt” dài nhất - phá kỷ lục. Kỷ lục Bản đồ lúa gạo Việt Nam được ghép từ các giống lúa đặc sản của các tỉnh, thành nhiều nhất.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Lộc Trời đã phối hợp công bố 3 kỷ lục Việt Nam được xác lập là “Doanh nghiệp có diện tích vùng liên kết sản xuất lúa năm 2024 lớn nhất Việt Nam với 256.000ha”; “Doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận SRP100 trong 4 năm liên tiếp từ 2020-2023 về áp dụng tiêu chuẩn canh tác lúa bền vững SRP”; “Doanh nghiệp có đội ngũ huấn luyện viên quốc tế SRP nhiều nhất Việt Nam (125 người)” vào ngày 13-12.

Theo VĨNH TRÀ (Báo Hậu Giang)