Cánh đồng hoa sen nở rộ ở xã Láng Biển, huyện Tháp Mười
NÂNG TẦM GIÁ TRỊ VĂN HÓA SEN ĐỒNG THÁP
Với người dân Đất Sen hồng, cây sen là biểu tượng văn hóa gắn liền với chiều dài lịch sử của vùng đất này. Theo các chuyên gia, để phát triển chuỗi giá trị ngành hàng sen Đồng Tháp đạt như kỳ vọng, cần phát huy giá trị cây sen trên cả 2 mặt văn hóa và kinh tế. Nhìn nhận về vấn đề này, nhiều chuyên gia và nhà khoa học đều cho rằng, Đồng Tháp hoàn toàn có khả năng để xây dựng và phát triển Đồng Tháp trở thành “Thủ phủ sen” của Việt Nam và quốc tế.
Hiến kế cho Đồng Tháp giải pháp nâng tầm giá trị văn hóa sen Đồng Tháp trong bối cảnh hội nhập, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm - Giảng viên cao cấp, Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh bày tỏ: “Thời gian gần đây, Đồng Tháp có nhiều cố gắng để nâng tầm giá trị kinh tế - văn hóa của cây sen. Tuy nhiên, các hoạt động phát triển chuỗi giá trị từ sen vẫn còn rời rạc, thiếu hoạch định tổng thể. Vì vậy, để sen Đồng Tháp vươn tầm, tôi cho rằng, tỉnh có thể xem xét ý tưởng về việc xây dựng Khu phức hợp sen Đồng Tháp. Trong khu phức hợp này bao gồm một quần thể công trình như: viện nghiên cứu tổng hợp về sen; công ty nuôi trồng và chế biến sen; bảo tàng khoa học tự nhiên về sen, bảo tàng văn hóa sen, bảo tàng 3D về sen, khu trải nghiệm và vui chơi gắn với sen; công ty du lịch chuyên đề về sen. Khu phức hợp sen Đồng Tháp này sẽ giúp tỉnh khai thác thế mạnh đặc thù về sen, tạo sự bứt phá toàn diện để trở thành thủ phủ sen của Việt Nam và thế giới...”.
Với những góc nhìn đa chiều từ các chuyên gia và nhà khoa học, việc xây dựng Đồng Tháp trở thành “Thủ phủ sen” của Việt Nam và thế giới không phải là tham vọng quá xa vời. Bởi với những tiềm năng hiện có của chuỗi giá trị từ sen, tỉnh Đồng Tháp hoàn toàn có thể đạt được kết quả như mong đợi.
Chia sẻ về triển vọng phát triển du lịch sen Đồng Tháp theo hướng bền vững, GS.TS Phan Thị Thu Hiền - Giảng viên cao cấp, Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Du lịch hoa trở thành xu hướng trong phát triển du lịch của nhiều quốc gia trên thế giới. Khai thác du lịch dựa vào những loại hoa đặc trưng giúp nhiều quốc gia đẩy mạnh được ngành “công nghiệp không khói” và nổi tiếng trên toàn thế giới. Đơn cử như, Hà Lan nổi tiếng khai thác du lịch - kinh tế dựa vào mùa hoa Tulip, Nhật Bản với mùa hoa anh đào... Do đó, Đồng Tháp hoàn toàn có cơ sở để đẩy mạnh khai thác du lịch dựa trên tài nguyên bản địa hoa sen của địa phương. Để khai thác tốt định hướng này, ngành du lịch Đồng Tháp cần phải làm mới mình để thu hút khách du lịch nhiều hơn. Trong đó, nghiên cứu xây dựng công viên chủ đề hoa sen. Nơi này vừa giới thiệu hoa sen Đồng Tháp vừa là nơi hội tụ nhiều giống sen quý hiếm của các quốc gia khác nhau trên thế giới. Song song đó, từng khu, điểm du lịch của tỉnh phải dựa trên đặc điểm đặc thù của địa phương, kết hợp văn hóa về sen để xây dựng tour du lịch đặc trưng như: tour du lịch sen tâm linh; tour du lịch sen di sản; tour du lịch sen chiến khu... nhằm thu hút khách du lịch nhiều hơn.
Công nhân Công ty Cổ phẩn Thực phẩm Sen Đại Việt thu hái hoa sen được ướp trà trên cánh đồng
KINH TẾ SEN DƯỚI GÓC NHÌN HỘI NHẬP
Hiện, Đồng Tháp có trên 100 sản phẩm chế biến từ sen, trong đó, có gần 60 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Kết quả đó là thành tựu đáng tự hào thể hiện sự đồng hành của tỉnh và nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà. Tuy nhiên, để chuỗi giá trị ngành hàng sen tỉnh nhà hội nhập với xu hướng phát triển của ngành sen quốc tế, Đồng Tháp vẫn còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Trong đó, việc đẩy mạnh ứng dụng hàm lượng khoa học công nghệ trong khai thác các giá trị từ cây sen được xem là những yếu tố cần thiết mang tính đột phá cho ngành hàng thế mạnh này của tỉnh phát triển.
Tham gia chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp” do UBND tỉnh tổ chức, ông Ngô Đình Dũng - Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn giải pháp quản trị tổng thể ISM bày tỏ, ở khu vực châu Á, sen trở thành giá trị gắn liền với văn hóa và kinh tế tại nhiều quốc gia. Do đó, ngành hàng sen của Đồng Tháp có nhiều tiềm năng và triển vọng để mở rộng tại các thị trường châu Á. Tuy nhiên để hội nhập với sân chơi lớn của quốc tế, Đồng Tháp cần có góc nhìn sâu sắc hơn về thị trường, hiểu rõ tiềm năng lợi thế của ngành sen tỉnh nhà để điều tiết phù hợp trong sản xuất và chế biến”.
Theo ông Ngô Đình Dũng phân tích, hiện tại, phần lớn các sản phẩm chế biến từ sen của Đồng Tháp còn đơn giản, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu đáp ứng nhiều phân khúc khách hàng. Trong khi đó, tại Trung Quốc, Hàn Quốc, các quốc gia này đang tập trung tạo ra nhiều sản phẩm tiện lợi, sức khỏe đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Vì vậy, để có thể tạo được lợi thế cạnh tranh và phát triển thị trường, sản phẩm chế biến sen Đồng Tháp phải tạo được sự đột phá, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng chứ không đơn thuần sản xuất ra sản phẩm địa phương đang có. Bên cạnh đó, để ngành hàng sen phát triển bền vững, Đồng Tháp cũng nên quan tâm khai thác tối đa các sản phẩm từ sen thông qua mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...
Doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến các sản phẩm chế biến từ sen của Đồng Tháp
Mang đến những góc nhìn mới về cách người dân, doanh nghiệp Hàn Quốc khai thác chuỗi giá trị từ cây sen, ông Yun Dae Sik - Giám đốc Trung tâm Hợp tác nghiên cứu và Công nghệ Asean (K-Art) chia sẻ: “Từ lâu đời, sen được ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, mỹ phẩm của Hàn Quốc. Các sản phẩm chế biến từ sen của Hàn Quốc đa dạng về mẫu mã và chủng loại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân Hàn Quốc và hỗ trợ phát triển du lịch tại nhiều địa phương. Đặc biệt, với những dược tính quý giá từ cây sen mang lại, nhiều năm qua, doanh nghiệp Hàn Quốc đã phát triển và cho ra đời nhiều dòng sản phẩm mỹ phẩm có giá trị kinh tế cao, phục vụ tốt nhu cầu làm đẹp của người dân xứ sở Kim Chi. Để chuỗi giá trị ngành hàng sen phát triển bền vững hơn, Chính phủ Hàn Quốc cũng khuyến khích nông dân tham gia vào ngành công nghiệp thứ 6 (nông nghiệp + chế biến + bán hàng). Thông qua chương trình này, Chính phủ Hàn Quốc dành nhiều chính sách hỗ trợ nông dân, giúp nông dân tạo ra nhiều hơn các sản phẩm nông nghiệp chế biến từ sen, giúp mang lại thu nhập nhiều hơn cho người dân trồng sen...”.
Để chuỗi giá trị ngành hàng sen Đồng Tháp phát triển bền vững, việc xây dựng chiến lược phát triển cho sen tỉnh nhà là hướng đi cần thiết. Với định hướng đó, không đơn thuần là phát triển chuỗi sản xuất ngành mà còn là đổi mới tư duy cho mỗi người dân xứ sở Sen hồng. Khi Đồng Tháp hiểu rõ tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nắm bắt kịp thời những cơ hội từ các “sân chơi lớn”, tin rằng mục tiêu phát triển chuỗi giá trị ngành hàng sen phát triển theo hướng bền vững, gia tăng giá trị cho cây sen sẽ sớm không còn là tương lai xa...
Theo MỸ LÝ (Báo Đồng Tháp)