Ngành Du lịch Tiền Giang chủ động phòng, chống dịch Covid-19
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, bên cạnh việc đẩy mạnh kích cầu du lịch, ngành Du lịch tỉnh đang tập trung, chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Sau khoảng thời gian phục hồi khá tốt, hiện hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Tiêng Giang đã ít nhiều bị ảnh hưởng bởi diễn biến mới của dịch Covid-19 trên phạm vi cả nước. Theo Trung tâm Phát triển du lịch Tiền Giang, những ngày gần đây, lượng khách du lịch đến cù lao Thới Sơn thông qua Bến tàu thủy Du lịch Mỹ Tho giảm khoảng 50% so với 1 tuần trước. Trước đó, trung bình mỗi ngày Bến tàu thủy Du lịch Mỹ Tho đón hơn 1.000 lượt khách. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, đơn vị đã đề nghị các công ty, doanh nghiệp lữ hành rà soát lại hành trình của du khách. Nếu du khách đến từ vùng dịch thì khuyến cáo các công ty không nhận khách.
Du lịch Tiền Giang - Ảnh minh họa - Nguồn: Viettravel
Theo Sở VHTTDL Tiền Giang, thực hiện Công văn số 3494/UBND-VHXH của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Sở VH-TT&DL đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp du lịch lữ hành khẩn trương rà soát và báo cáo đầy đủ danh sách các đoàn khách do đơn vị tổ chức tour đi tham quan du lịch từ vùng có dịch trở về tỉnh Tiền Giang từ ngày 08-7-2020. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp gửi danh sách (trong đó có địa chỉ của từng khách) về Sở VHTTDL để kịp thời phối hợp với cơ quan y tế thực hiện khai báo y tế, cách ly theo dõi sức khỏe. Sở VHTTDL cũng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tạm dừng tổ chức các tour du lịch và khuyến cáo khách du lịch nên cân nhắc khi đăng ký các tour đến các vùng có dịch bệnh; thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho du khách theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Bên cạnh đó, Sở VHTTDL cũng đề nghị các cơ sở lưu trú du lịch khẩn trương rà soát, cung cấp và báo cáo đầy đủ danh sách các đoàn khách đến hoặc đi, trở về từ vùng có dịch đã và đang lưu trú tại cơ sở từ ngày 08-7-2020. Đồng thời, gửi ngay danh sách (trong đó có địa chỉ của từng khách) về Sở VHTTDL để kịp thời phối hợp với cơ quan y tế thực hiện khai báo y tế, cách ly theo dõi sức khỏe. Mặt khác, ngành cũng đề nghị các cơ sở lưu trú tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 như: Đo thân nhiệt khách, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở, khuyến khích khách đeo khẩu trang; theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của du khách và kịp thời báo cáo về cơ quan chức năng đối với các trường hợp khách có sức khỏe bất thường, nghi nhiễm.
Các khu di tích, điểm tham quan du lịch tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Lượng du khách đến Bà Rịa – Vũng Tàu giảm hơn 30%
Theo báo cáo của Sở Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu, tháng 7, các khu, điểm du lịch trên toàn tỉnh đón và phục vụ 1,738 triệu lượt khách, tăng hơn 15% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch đạt 1.675 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ.
Cũng theo Sở Du lịch, dù tháng 7 lượng khách và doanh thu du lịch tăng trưởng tốt, song tính tổng từ đầu năm đến nay du lịch toàn tỉnh vẫn sụt giảm hơn 30% về lượng khách và 26,7% doanh thu so với cùng kỳ. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19 giãn cách toàn xã hội, hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí đóng cửa. Từ tháng 5, khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt trong nước, nhu cầu du lịch tăng trở lại nhưng chủ yếu khách cá nhân, nhóm nhỏ đi du lịch ngắn ngày với giá kích cầu. Khách nước ngoài và các đoàn khách lớn lưu trú dài ngày, khách MICE không đáng kể.
Trước diễn biến mới của dịch COVID-19, các DN kinh doanh dịch vụ du lịch đã chủ động kích hoạt quy trình phòng, chống dịch, đồng thời tạo điều kiện tối đa khi đối tác, khách hàng hoãn, hủy, đổi lịch trình du lịch đã ký kết.
Ghi nhận của báo Bà Rịa – Vũng Tàu, tại các cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ, ăn uống, nhân viên đã đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt khách đến, trang bị nước rửa tay sát khuẩn, tăng tần suất tẩy rửa các khu vực công cộng, khuyến cáo du khách đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên. Nhiều cơ sở lưu trú tiến hành sàng lọc đầu vào, không nhận khách đến từ các tỉnh, thành đã có dịch. Nhiều DN khuyến khích khách giao dịch qua app và điện thoại, yêu cầu khách phải khai báo y tế và hướng dẫn khách sử dụng dịch vụ bảo vệ sức khỏe.
Theo Giám đốc Sở Du lịch, BR-VT đã triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách trong tình hình mới. Theo đó, Sở yêu cầu các DN du lịch phải thực hiện hai nhiệm vụ là đón khách phải an toàn và phải tuân thủ đầy đủ các quy định phòng chống dịch COVID-19. Tuyên truyền để du khách có ý thức phòng chống dịch bệnh nhưng không lo lắng thái quá.
Sở Du lịch cũng tiếp tục vận động các DN du lịch cung cấp cơ sở làm điểm cách ly tập trung của tỉnh. "Bên cạnh đó, Sở Du lịch sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch đánh giá tình hình thiệt hại của các các DN, đề xuất UBND tỉnh giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ cụ thể gồm: giãn thuế, giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế, miễn giảm tiền thuê đất, đồng thời chuẩn bị chương trình thúc đẩy du lịch phát triển sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt", ông Trịnh Hàng cho biết thêm.
T.P Bến Tre phát triển nông nghiệp đô thị gắn với du lịch
Trong bối cảnh phát triển đô thị diễn ra nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, TP. Bến Tre xác định phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị gắn với phát triển du lịch sinh thái, nhất là ở các xã vùng ven thành phố. Đây là hướng đi phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế của thành phố.
Những năm qua, thành phố đã thực hiện nhiều chính sách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, từng bước khai thác lợi thế địa bàn các xã để phát triển du lịch kết hợp nghỉ dưỡng. Qua đó, đã giúp người dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong 5 năm qua, thành phố đã thực hiện các chương trình, chính sách để khuyến khích phát triển nông nghiệp, trong đó đã thực hiện trên 60ha vườn bưởi da xanh, dừa xiêm sản xuất theo hướng chất lượng an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, tập trung tại xã Nhơn Thạnh, Sơn Đông, Mỹ Thạnh An; 0,5ha rau xanh và dưa lưới sản xuất trong nhà lưới tại xã Bình Phú. Đã hình thành các tổ hợp tác trồng hoa hồng, hoa lan, nha đam Mỹ, mô hình nuôi lươn không bùn, nuôi thỏ, mô hình ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân tự động trên vườn bưởi da xanh với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các hoạt động nông nghiệp ở các địa bàn nội ô như sử dụng diện tích nhỏ, các lô đất trống, sân vườn để trồng cây, rau màu, hoa kiểng bước đầu tạo ra sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện toàn thành phố có 6 homestay, 15 điểm dừng chân du lịch, 24 công ty lữ hành, 45 nhà nghỉ, khách sạn tập trung ở 3 xã phía Nam và Bình Phú như: Khu du lịch Lan Vương với mô hình rau sạch cung cấp cho khách du lịch; điểm du lịch Phú An Khang với mô hình dưa lưới, rau xanh ứng dụng công nghệ nông nghiệp cao; Khu du lịch Hạ Thảo với mô hình vườn hoa phục vụ khách tham quan. Vườn dừa xiêm xanh của ông Hai Điệp ở Nhơn Thạnh, cây thiên tuế trên 100 năm tuổi ở đình Phú Nhuận, cây bạch mai ở đình Phú Tự. Các hình thức du lịch này thu hút khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, thưởng lãm vẻ đẹp cảnh quan do hoạt động sản xuất nông nghiệp tạo ra
Theo đánh giá chung, hiện nay, sự phát triển nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố, nhiều mô hình phát triển chưa bền vững.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị gắn với du lịch trong thời gian tới, thành phố tập trung nhiều giải pháp. Đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển nông nghiệp theo hướng năng suất, chất lượng để cung cấp cho các điểm du lịch. Tận dụng quỹ đất trống chưa khai thác, khoảng trống không gian nhà ở đô thị để trồng rau xanh, hoa kiểng, vừa tạo cảnh quan môi trường xanh - đẹp, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Khuyến khích, hướng dẫn, tạo điều kiện đẩy mạnh chương trình khuyến nông và các nguồn khác để thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị gắn với du lịch sinh thái. Mở rộng sản phẩm du lịch, hỗ trợ, định hướng cho các cơ sở, điểm du lịch tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng. Xây dựng mô hình nông nghiệp có ứng dụng khoa học kỹ thuật đạt tiêu chuẩn để gắn với tour du lịch có sản phẩm nông nghiệp…
Theo THỦY BÍCH (Tổ Quốc)