Ngày mới trên đất rừng U Minh

25/05/2024 - 09:38

Chúng tôi trở lại U Minh hạ vào những ngày trung tuần tháng 5 nơi nổi tiếng với rừng tràm bạt ngàn ở Cà Mau. Ai nấy đều vui mừng khi thấy chính quyền các địa phương có cách làm, cách khơi gợi hiệu quả để giúp người dân vượt khó vươn lên.

A A

Tiềm năng to lớn về rừng tràm giúp U Minh phát triển mạnh về du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng. (Ảnh Huỳnh Lâm)

Từ thành phố Cà Mau, trục lộ láng nhựa phẳng phiu, đạt chuẩn cấp bốn đồng bằng về đến trung tâm huyện U Minh chỉ tầm 40 phút. Dọc tuyến lộ này, các xã miệt rừng ở U Minh có đường ô-tô nối liền về tận nơi...

Chuyển biến ở xứ rừng

Sau cơn mưa buổi sáng, bà Lê Thị Lan ở ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh về nhà với mớ bắp chuối (hoa chuối) vừa thu hoạch ở vườn. Bà Lan cho hay, nhờ đường sá đi lại thuận lợi, thương lái đi xe vào tận nơi thu mua mỗi bắp chuối từ 5.000 đến 10.000 đồng, thay vì chỉ làm thức ăn cho gia súc như ngày trước. “Ở xứ rừng, con cá, cọng rau… mỗi thứ một ít, nhưng ngày nào cũng có, không phải mua như ngoài chợ. Tiền bán những thứ lặt vặt để dành chi dùng cho nhu yếu phẩm, sinh hoạt hằng ngày”, bà Lan nói.

Khánh Thuận một thời được ví là nơi “khỉ ho, cò gáy” khi không có đường, không có điện, người dân đa phần thiếu trước, hụt sau. Trước đây, gia đình ông Trần Văn Hậu ở ấp 16, xã Khánh Thuận nhiều lần có ý định bỏ đi nơi khác. Tuy nhiên, đến nay, nhờ cần cù lao động, quyết tâm vượt khó nên từ vài ha đất ban đầu, gia đình ông Hậu giờ có hơn 30 ha rừng trồng tràm, trồng keo lai, trở thành một trong những hộ khá của ấp.

Ông Hậu chia sẻ: “Giao thông và các chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước đã giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống như ngày nay. Đó cũng là động lực giúp gia đình tôi bám trụ đất rừng U Minh gần 30 năm qua. Từ chỗ phải lo bữa ăn từng ngày thì giờ đây, gia đình tôi đã có của ăn, của để...”.

Sự chuyển mình ở xứ rừng U Minh hạ bắt đầu khoảng 15 năm trở lại đây, khi chính quyền địa phương mạnh dạn thực hiện chuyển đổi sản xuất. Tại những khu đất rừng giao khoán cho dân, địa phương liên kết với hệ thống ngân hàng thương mại giúp người dân có vốn chuyển đổi từ trồng rừng tự nhiên sang kê liếp trồng tràm, trồng keo lai theo hình thức thâm canh, năng suất cao. Dưới tán rừng, người dân gác kèo ong, tận dụng mặt nước nuôi cá đồng, tận dụng bờ bao trồng chuối, cây ăn trái ngắn ngày, nuôi thêm gia súc, gia cầm…

Nhờ “lấy ngắn, nuôi dài”, gia đình ông Ðỗ Hoàng Thạch ở ấp 21, xã Khánh Thuận giờ đã cất được nhà tường khang trang. Ông Thạch nhẩm tính: “Trồng rừng thâm canh giúp rút ngắn được khoảng 50% chu kỳ khai thác gỗ, chỉ còn từ bốn đến sáu năm so với trước. Gia đình tôi trồng trọt, chăn nuôi thêm trong thời gian chờ thu hoạch cây rừng. Với mỗi ha trồng tràm hoặc keo lai có giá trị từ 80-160 triệu đồng, mỗi hộ nhận khoán đất rừng trung bình 7 ha như gia đình tôi, đến khi khai thác cây rừng cũng dư hơn nửa tỷ đồng...”.

Toàn huyện U Minh đang quản lý rừng tập trung hơn 32.000 ha, tỷ lệ che phủ của rừng và cây phân tán đạt hơn 45,7%. Phần lớn diện tích đã giao khoán cho dân để trồng rừng kinh tế kết hợp với sản xuất nông nghiệp. Hằng năm, diện tích rừng đưa vào khai thác của địa phương này khoảng 20.000 ha, khối lượng lâm sản cung cấp cho thị trường từ 195.000-250.000 m3 gỗ, củi.

Để góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế từ rừng, thời gian qua, U Minh dồn lực ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông giúp giao thương và tiêu thụ nông sản của người dân thuận lợi, bán được giá cao. Bằng các nguồn vốn khác nhau, đến nay, toàn huyện U Minh có hơn 1.125 km đường giao thông láng nhựa và bê-tông, xây dựng xong hơn 450 cây cầu bê-tông…, giúp nối liền các trục giao thông chính từ tỉnh đến huyện và từ huyện đến các xã, thị trấn và khóm, ấp.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Khánh Thuận Trần Công Mười đúc kết: Việc triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đến hộ dân và giao thông thuận lợi trong thời gian gần đây là đòn bẩy tạo nên những thay đổi tích cực ở miệt rừng U Minh. Ngay như Khánh Thuận, lúc mới tách ra từ xã Khánh Hòa vào năm 2009, có hơn 1.000 hộ nghèo, thì nay giảm chỉ còn 190 hộ (theo tiêu chí mới)...

Hứa hẹn sự phát triển mới

Vùng đất U Minh giàu truyền thống yêu nước cũng là căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến, bảo vệ an toàn cho các đồng chí lãnh đạo cấp cao của địa phương và Trung ương. Đây cũng là nơi ghi dấu nhiều chiến công vang dội đi vào lịch sử cách mạng Cà Mau đến tận ngày nay.

Chịu ảnh hưởng nặng nề do bom đạn trong chiến tranh, những ngày đầu mới thành lập vào năm 1979, U Minh được xem là “túi nghèo” của Cà Mau, mọi thứ gần như phải bắt tay xây dựng lại từ đầu. Bằng ý chí, nghị lực vươn lên và tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng, U Minh giờ đã khoác lên mình diện mạo mới, sức sống mới. Đồng chí Phạm Thành Ngại, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau nhìn nhận: “Về với U Minh hôm nay, chúng ta vui mừng trước sự đổi thay, phát triển, diện mạo từ thành thị đến nông thôn tươi đẹp hơn, tràn ngập khí thế mới với khát vọng vươn lên, hứa hẹn một tương lai phát triển”.

Giao thông thuận lợi là đòn bẩy tạo sức bật mới trong phát triển kinh tế-xã hội ở miệt rừng U Minh hạ.

Thời gian qua, U Minh triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội gắn với giảm nghèo bền vững. Gia đình ông Nguyễn Vũ Linh ở ấp 11, xã Khánh Thuận, nhiều năm liền trong danh sách hộ nghèo. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí xây dựng nhà ở và hỗ trợ vay vốn sản xuất, ông Linh có tiền xây chuồng nuôi heo kết hợp gà, vịt. “Tận dụng đất bờ kênh, tôi còn trồng cây ăn trái, rau màu để có thêm thu nhập. Nhờ vậy, gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn dư tiền mua thêm được 1 ha đất trồng rẫy và 4 ha đất rừng để trồng keo lai thâm canh”, ông Linh cho hay.

Bằng nhiều cách thức hỗ trợ, giúp đỡ khác nhau theo nhu cầu thực tế để giúp hộ nghèo, cận nghèo, từ năm 2015 đến nay, U Minh giảm hộ nghèo từ 21,69% (gần 5.400 hộ) xuống chỉ còn 4,68% (khoảng 1.200 hộ) như hiện nay, trong khi hộ cận nghèo chỉ còn hơn 400 hộ (khoảng 1,61%).

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện U Minh Huỳnh Minh Nguyên, trong 10 năm gần đây, huyện giảm nghèo bình quân hơn 2%/năm và hiện tại không còn hộ gia đình chính sách nghèo, cận nghèo và có 4/94 ấp đã xóa hộ nghèo, cận nghèo. Trong năm 2024, huyện đề ra mục tiêu giảm ít nhất thêm 1,5% hộ nghèo và xóa toàn bộ hộ nghèo trên địa bàn thị trấn U Minh.

Để hoàn thành mục tiêu, ngay từ đầu năm 2024, Huyện ủy U Minh phân công các ban, ngành, đoàn thể huyện phụ trách, giúp đỡ 49 ấp có tỷ lệ hộ nghèo cao; tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất, mô hình giảm nghèo hiệu quả, bền vững... “Chúng tôi không giúp “con cá” mà tạo ra “cần câu” để hộ nghèo chí thú lao động, từng bước vươn lên và không tái nghèo. Đây cũng chính là mục tiêu dài hơi trong công tác xóa đói, giảm nghèo mà huyện kiên trì thực hiện suốt thời gian qua”, đồng chí Huỳnh Minh Nguyên chia sẻ.

Ngày 20/5/2024 vừa qua đánh dấu U Minh tròn 45 năm tuổi kể từ ngày thành lập huyện. Đây cũng là mốc son đánh dấu sự lớn mạnh, trưởng thành của Đảng bộ và hệ thống chính trị huyện U Minh. Đến nay, Đảng bộ huyện có 3.846 đảng viên sinh hoạt ở 50 tổ chức cơ sở đảng. So với thời điểm mới thành lập, số tổ chức cơ sở đảng tăng hơn 16,6 lần, số đảng viên tăng hơn 14,3 lần. Cơ cấu kinh tế của huyện tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 62,5 triệu đồng/năm; hộ sử dụng điện lưới quốc gia hơn 99,7%; hộ nghèo từ hơn 26% chỉ còn 4,68%; 4/7 xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới...

Bí thư Huyện ủy U Minh Đoàn Việt Khoa khẳng định: “Người dân U Minh một thời hứng chịu bom, đạn của kẻ thù trong chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh” thì nay tiếp tục bám đất, bám làng, một lòng kiên trung theo Đảng, cùng Đảng bộ huyện tạo diện mạo nông thôn ngày thêm đổi mới”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau Phạm Thành Ngại yêu cầu, thời gian tới, Đảng bộ huyện U Minh tiếp tục khơi dậy tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, phát huy sức mạnh đoàn kết trong xây dựng và phát triển. Tập trung phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa-xã hội, chăm lo tốt cho gia đình cách mạng, gia đình người có công, bảo đảm cho bà con có cuộc sống đủ đầy hơn về vật chất, tinh thần, xem đây là mục tiêu cao nhất.

Qua nhiều thập kỷ, cây tràm vẫn kiên trung bám trụ với vùng đất nhiễm phèn này như người dân U Minh không chùn bước trước khó khăn, gian khổ, chung sức, đồng lòng dệt chiếc áo mới cho quê hương U Minh có lợi thế biển bạc, rừng vàng...

Theo HỮU TÙNG (Báo Nhân Dân)