Nghề đặc trưng ở Hòn Chuối

13/09/2023 - 09:05

Hòn Chuối nằm cách đất liền 18 hải lý về hướng Tây Nam (tính từ cửa Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời). Ngoài nghề đánh bắt hải sản, người dân ở Hòn Chuối, thị trấn Sông Ðốc và các tỉnh lân cận đã tận dụng mặt nước ven cụm đảo nuôi cá bớp lồng bè, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đáng kể đời sống người dân.

A A

Những bè cá bớp nối dài tạo nên khung cảnh đẹp về nghề đặc trưng ở đảo.

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quanh cụm đảo Hòn Chuối hiện có 29 hộ nuôi cá bớp, với khoảng 150 lồng bè. Tuỳ khả năng, mỗi lồng bè bà con bố trí số hộc nuôi cá khác nhau, bình quân mỗi hộc có diện tích 3-4 m2 nuôi khoảng 200 con cá bớp giống; thức ăn cho cá bớp chủ yếu từ nguồn cá tạp, thời gian nuôi từ 9-10 tháng thì thu hoạch.

 

Cá bớp rất háu ăn, thời gian nuôi ngắn.

Thu hoạch cá bớp ở Hòn Chuối. Ảnh: LÊ KHOA

Gia đình bà Phan Thị Kim Sang (tỉnh Kiên Giang) sang Cà Mau nuôi cá bớp lồng bè tại Hòn Chuối hơn 13 năm nay, với 28 hộc nuôi, thu nhập hằng năm trên 2 tỷ đồng. Bà Sang cho biết, giá cá bớp thương phẩm hiện nay tăng so với thời điểm dịch Covid-19, dao động từ 190-200 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, do ảnh hưởng thời tiết và môi trường, người nuôi gặp phải tình trạng cá giống bị hao hụt nhiều, cùng với giá thức ăn cho cá tăng cao, làm giảm đáng kể năng suất và lợi nhuận cho người nuôi.

Bà Phan Thị Kim Sang, tỉnh Kiên Giang sống và nuôi cá bè ở đảo Hòn Chuối 13 năm nay.

Ông Lê Văn Ðãi (thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời) nuôi cá bớp tại đây hơn 5 năm nay, với 10 hộc, bình quân mỗi năm thu lãi 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Theo lời ông Ðãi, nếu thời tiết thuận lợi, giá cả ổn định thì đây là mô hình nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.

Anh Phan Minh Chiến (tỉnh Kiên Giang) theo gia đình nuôi cá bớp lồng bè trên 15 năm, với 30 hộc nuôi, lãi trên 2 tỷ đồng/năm.

Không chỉ có hộ bà Sang, ông Ðãi, mà nhiều hộ đã nuôi khá thành công cá bớp lồng bè tại đảo Hòn Chuối. Ðây không chỉ là "cần câu" giúp bà con cải thiện cuộc sống mà còn góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế nghề nuôi trồng tại vùng biển Cà Mau. Ðồng thời, tạo nên nét đẹp đặc trưng để mọi người có thể tham quan, trải nghiệm khi có dịp đặt chân đến Hòn Chuối.

Theo LOAN PHƯƠNG (Báo Cà Mau)