Nghị lực phi thường của cô gái “không tay”

04/07/2023 - 10:15

Em Đỗ Thị Ngọc Mãi ở xã Khánh Hòa, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, sinh ra với đôi tay không lành lặn. Tuy nhiên, Mãi không đầu hàng số phận, luôn nỗ lực học giỏi để biến ước mơ làm giáo viên tiếng Anh thành sự thật.

A A

Ngọc Mãi sinh ra với đôi tay không lành lặn nhưng em vẫn tập cầm bút viết chữ và luôn là học sinh khá, giỏi 10 năm qua.

Không đầu hàng số phận

Đỗ Thị Ngọc Mãi học lớp 10, Trường THPT U Minh. Hằng ngày, cô gái có dáng người nhỏ nhắn cũng đến trường như bao bạn bè nhưng lại khác biệt ở ngoại hình. Mãi ra đời đã không may mắn khi mỗi cánh tay của em chỉ dài khoảng gang tay, lọt thỏm trong chiếc áo sơ mi đồng phục trắng ngắn tay em vẫn mặc đến trường. Từ nhỏ, đôi tay dị dạng đó đã gây biết bao khó khăn cho Mãi. Đến khi đi học, tuy không thể cầm bút với đôi tay đó nhưng Mãi không đầu hàng số phận. Bao lần bút rớt xuống là bấy nhiêu lần em cầm lên để tạo ra những nét chữ nguệch ngoạc ban đầu. Vậy mà đến nay, khi học xong lớp 10, những nét chữ được tạo ra từ 2 ngón tay mọc ra từ khủy tay của Mãi lại đẹp khiến nhiều người phải bất ngờ. Mãi cũng nhận ra mình đang viết chữ chậm hơn các bạn nên vẫn kiên trì rèn luyện để khắc phục điều này. “Em làm chậm hơn các bạn trong mọi việc, viết chữ cũng chậm hơn nên phải cố gắng để theo kịp các bạn. Các bạn về nhà ôn bài, làm bài, em cũng như vậy nhưng sẽ học nhiều hơn, viết nhiều hơn” - Ngọc Mãi chia sẻ.

Sinh ra tại vùng sâu, vùng xa nơi đất rừng U Minh Hạ, tuy điều kiện kinh tế gia đình khá khó khăn, nhưng thấy sự ham học của con, cha mẹ Mãi luôn ủng hộ, động viên. Chị Nguyễn Thị Nhớ, mẹ Ngọc Mãi, hằng ngày đều đặn đưa con tới trường, lo việc nhà cùng 2 công đất sản xuất để thời gian cho chồng đi cưa keo lai, tràm, kiếm thêm thu nhập. “Lúc đầu cho Mãi đi học là để biết mặt chữ nhưng thấy con học được, viết được nên vợ chồng tôi ủng hộ, khuyên con cố gắng học. Ngày cháu học 2 buổi thì tôi đưa rước 4 lượt, mỗi lượt cũng hết khoảng nửa giờ nên chỉ quanh quẩn ở nhà. Giờ chúng tôi cố gắng hết sức để cháu được đi học, có thể tự lo cho bản thân” - chị Nhớ chia sẻ.

Niềm tự hào của cha mẹ, thầy cô

Từ khi Mãi sinh ra, chị Nhớ đã luôn là đôi tay của con; đến khi con đi học, chị là đôi chân của con. Ngày ngày, người mẹ tảo tần này vẫn tắm rửa, giúp con việc vệ sinh cá nhân. Chị cũng từng rất buồn khi con ra đời bị khiếm khuyết nhưng nay con là niềm tự hào của chị. Thiếu nữ 16 năm qua chưa bao giờ tự gội đầu cho mình thì nay thường xuyên giúp mẹ quét nhà, dọn chén, chụm củi khi nấu ăn. Hàng xóm đến chơi, thấy Ngọc Mãi xỏ 1 ngón tay vào cái lỗ ở đầu cây chổi, dùng cẳng tay ngắn ngủn còn lại đẩy chổi để quét nhà mà không khỏi thán phục. Không những vậy, chị Nhớ còn rất tự hào vì bức tường ngay trên chiếc bàn gỗ tạp ba đóng cho Mãi ngồi học là dãy dài giấy khen thành tích học tập. Đặc biệt, mỗi lần đi họp phụ huynh cho con, vợ chồng chị Nhớ luôn nhận được những lời khen từ thầy cô. Thầy Huỳnh Hữu Ý, giáo viên chủ nhiệm lớp 10 của Ngọc Mãi, nhận xét: “Em Mãi dù khuyết tật nhưng rất chăm ngoan, hòa đồng với bạn bè và có ý thức phấn đấu trong học tập. Em đã vượt khó để đạt học lực khá, giỏi, hạnh kiểm tốt”.

Mãi đang phấn đấu hết mình cho ước mơ trở thành giáo viên tiếng Anh. Ước mơ đó đang được vun bồi bằng chế độ trợ cấp khuyết tật của Nhà nước, những suất học bổng ưu tiên từ nhà trường cùng với sự chăm chút động viên của cha mẹ. Anh Đỗ Minh Giỏi - cha của Mãi, trụ cột kinh tế gia đình, đang bị thoái hóa cột sống, không thể làm thuê, làm mướn nuôi gia đình nhưng vẫn khẳng định: “Cỡ nào cũng lo cho con học!” bởi khi đặt tên con là “Ngọc Mãi”, gia đình đã gởi gắm vào đó ý nghĩa “Mãi vươn lên”.

Theo Báo Cần Thơ