Người thắp ký ức làng

04/05/2023 - 08:55

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Thanh Phong (bên phải) và Bí thư Huyện ủy Bến Lức - Trần Hoàng Nhân thực hiện nghi thức mở bia đá Cây Di sản Việt Nam (Ảnh: Quế Lâm)

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Thanh Phong (bên phải) và Bí thư Huyện ủy Bến Lức - Trần Hoàng Nhân thực hiện nghi thức mở bia đá Cây Di sản Việt Nam (Ảnh: Quế Lâm)

Tôi gặp lại nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Thanh Phong tại Lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng công nhận Cây Di sản (CDS) Việt Nam cho cây me cổ thụ làng Ba Cụm (nay là ấp 6, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) vào đầu tháng 4/2023. Ở tuổi ngoài “bát tuần”, ông vẫn quắc thước. Ngày diễn ra buổi lễ, ông như được truyền năng lượng và cảm xúc của ngày Từ Ba Cụm ra đi (tên tập Hồi ký của ông) khi còn là chàng trai làng đến chào cây me để ra bưng kháng chiến. Ngày toàn thắng 30/4/1975, ông là lãnh đạo Huyện ủy Bến Lức trở về sau bao năm ở bưng biền kháng chiến Đồng Tháp Mười. Vừa tới đầu làng, ông đã bước nhanh đến cây me như ngọn nến thắp lên biết bao ký ức đời làng Ba Cụm của ông. Nhìn toàn thân cây đầy thương tích mà ông thắt lòng, đưa tay sờ lên từng mảnh đạn bom xuyên qua thành sẹo mà rưng rưng cảm xúc. Ông lấy sổ tay viết ngay mấy vần thơ về hồn cốt cây me: Cây me cổ thụ ai trồng?/ Trải bao chinh chiến bão giông vẫn còn/ Hiên ngang vươn ngọn xanh rờn/ Biểu trưng tiên tổ giữ hồn nước non/ Dân làng từng lớp cháu con/ Trải qua kháng chiến sắt son một lòng/ Nhìn cây cảm xúc trào dâng/ Thân đầy thương tích bóng râm vẫn tròn/ Gốc già cỗi nảy chồi non/ Dâng đời xanh mãi - cháu con trường tồn.

Là người đầu tiên được mời lên phát biểu tại buổi lễ, vẫn chất giọng trong trẻo như ngày nào, ông nhắc đến ký ức các bậc cao niên trong làng và gia phả dòng họ Phạm của ông, cho thấy làng Ba Cụm cũng như bao làng quê Nam bộ khác - ra đời từ những buổi đầu “khai hoang lập ấp” đầu thế kỷ XVIII trở đi. Theo tư liệu, khi ông cha ta vào Nam mở cõi thì đây là nơi “đất nước lạ lùng, con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh” (ca dao thời khẩn hoang). Người miền ngoài đi ghe bầu vượt biển vô Nam, thường nhắm cửa sông mà quay mũi ghe vào (vì sông cho nước ngọt để sống và làm ra cái ăn). Họ ra đi mang theo một giống cây gì đó đến trồng trên vùng quê mới, để trông cây lại nhớ quê cũ. Cây me làng Ba Cụm sinh ra từ đó, đến nay ước đã 300 năm tuổi. Tâm thức cháu con làng Ba Cụm vẫn vọng lời tiên tổ: Cây có cội mới nảy cành xanh ngọn/ Nước có nguồn mới biển rộng sông sâu...

Tuy thương tật đầy mình, song “cụ” me làng Ba Cụm vẫn có nét đẹp bonsai nghệ thuật

Tuy thương tật đầy mình, song “cụ” me làng Ba Cụm vẫn có nét đẹp bonsai nghệ thuật

Làng là từ hành chính xưa, nay là thôn, ấp, nhưng đây đó vẫn còn bảo tồn hoặc phục dựng làng cổ để tạo điểm du lịch văn hóa - tâm linh. Phía sau cổng làng cổ là một cộng đồng xã hội gắn kết nhau từ đời này qua đời khác để tồn tại và phát triển. Sách Cổng làng Hà Nội xưa và nay có làng Trung Kính Thượng treo ba chữ Hán trên cổng: Cương Tĩnh Thụ - nhắc mọi thế hệ dân làng rằng cây cổ thụ, giếng nước xưa là gốc của làng. Thi sĩ Bàng Bá Lân (1912-1988) có bài thơ Cổng làng: ... Ngày nay dù ở nơi xa/ Nhưng khi về đến cây đa đầu làng/ Thì bao nhiêu cảnh mơ màng/ Hiện ra khi thoáng cổng làng trong tre. Làng Ba Cụm không có cây đa trong bóng tre đầu làng, chỉ có cây me khiêm tốn, cứ tới mùa lại đơm bông, kết trái. Khi máy bay và đại bác Mỹ cấp tập đánh bom, nã pháo, cây me tưởng không thể sống được qua mùa khói lửa. Ấy thế mà như có phép lạ, cây me cổ thụ làng Ba Cụm vẫn hồi sinh một cách diệu kỳ với vẻ đẹp thanh, kỳ, cổ, quái (thanh: Xanh biếc và khỏe mạnh; kỳ: Lạ - bị bom đạn xuyên thủng nhiều mảnh, tạo vết sẹo đầy thân, lại còn bị mối ăn rỗng ruột như cái mõ tre; cổ: Cây lâu năm; quái: Dáng vẻ cây xù xì, xương xẩu, gân guốc,... chỉ còn thiếu cái chậu là hội đủ tiêu chuẩn cây kiểng nghệ thuật bonsai). Đây là CDS đầu tiên của huyện Bến Lức và là cây thứ 5 của tỉnh được công nhận CDS (4 CDS kia là cây trôm mõ làng Khánh Hậu (TP.Tân An), cụm 11 cây me chùa Rạch Núi (huyện Cần Giuộc), cụm 1 cây trôm mõ và 5 cây dầu rái tại Cổ Sơn tự (chùa Nổi, huyện Vĩnh Hưng) và 2 cây da đình Vạn Phước (huyện Cần Đước)). Đã là CDS thì theo nghĩa văn hóa tâm linh là “cây thiêng”.

“... Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước, đây là căn cứ địa cách mạng, nhân dân theo Đảng, theo Bác Hồ chiến đấu rất kiên cường, nhiều người anh dũng hy sinh; hầu hết gia đình đều có công với nước, nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; và chính mảnh đất này đã sinh ra nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Võ Thị Thắng với “Nụ cười chiến thắng” bất tử - sống mãi với thời gian…” (trích phát biểu của ông Phạm Thanh Phong).

Bài phát biểu của ông cũng nhắc lại trang sử làng mình: “Một vùng đất thiêng từng có nhiều nông dân yêu nước, sớm tham gia chống Pháp, bị giặc bắt khảo tra, hành hình (xử bắn ngày 14/5/1948); và cuộc thảm sát của giặc Mỹ ngày 11/12/1964, giết chết 35 người, trong đó, có 28 trẻ em từ 14-15 tuổi đang coi trâu cùng cả trăm con trâu bị tàn sát. Bà con nhân dân sở tại đã lập miễu (miếu) thờ và dựng bia căm thù tội ác của giặc để cho đời sau ghi nhớ”.

Điều đáng ghi nhận là UBND huyện Bến Lức đã cùng UBND xã Tân Bửu tổ chức khá trọng thể buổi lễ và công bố danh sách nhân sự Ban Bảo vệ CDS gồm 16 người do Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bửu làm Trưởng ban. Việc bảo vệ CDS là rất cần thiết. Được biết, chính quyền địa phương đang lập hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận làng Ba Cụm - nơi có CDS trên - là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, để tôn tạo thành một điểm tham quan du lịch văn hóa - tâm linh./.

Tản bút của Quang Hảo

Theo Báo long An