
Tượng đài Trương Vĩnh Ký trong khuôn viên Trường THPT mang tên ông.
Bác học, tâm thuật, khiêm tốn
Nhà bác học Trương Vĩnh Ký được giới nghiên cứu nhận định là một trong những nhân vật lịch sử rất giỏi của Bến Tre nói riêng, khu vực và cả nước nói chung. Tập tài liệu “Bến Tre - Đất và người” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh ấn hành năm 2020 có nêu: Trong giới học thức, Trương Vĩnh Ký được đặc biệt kính trọng. Toàn bộ sự nghiệp được tóm gọn trong ba chữ “Bác học, tâm thuật, khiêm tốn”. Từ các công trình của ông, các nhà nghiên cứu công nhận ông đọc và nói rất giỏi 15 sinh ngữ phương Tây, nếu tính luôn tiếng mẹ đẻ, ông nói và viết được 27 thứ tiếng, viết 11 ngoại ngữ châu Á (trong đó, ông viết sách giáo khoa dạy 9 trong số 11 ngôn ngữ ấy).
Ai cũng hiểu, sự giỏi có được từ quá trình lao động cần mẫn, nhà bác học Trương Vĩnh Ký đã minh chứng rõ cho điều đó. Lịch sử ghi lại, ông sinh ngày 6-12-1837 ở Cái Mơn, thôn Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoằng An, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), trong một gia đình Công giáo dòng. Nhờ tư chất thông minh, hiếu học, Trương Vĩnh Ký được các linh mục quý trọng, tạo điều kiện cho ăn học. Sau khi Pháp chiếm lục tỉnh Nam Kỳ, ông được Pháp sử dụng như một quan chức An Nam đầu tiên của chính quyền Pháp, đảm đương nhiều vị trí nhưng tất cả đều trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục.
Điều đặc biệt, suốt thời gian làm việc cho Pháp, ông tham gia vào ngạch quan lại hành chính do Pháp bổ nhiệm, không vô dân Tây, không mặc âu phục như một số quan lại đương thời. Ông chỉ làm phiên dịch, dạy học, viết sách, viết báo… những công việc thuộc lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, hoàn toàn không tham gia công việc hành chính trực tiếp với dân. Phía Pháp tuy sử dụng nhưng luôn nghi hoặc, cảnh giác với ông. Với điều kiện khó khăn, bất lợi từ mọi phía, ông dồn hết tâm lực vào việc nghiên cứu, dịch thuật, sưu tầm… mà ông xem là có lợi cho nhân dân, cho xã hội, góp phần khai thông dân trí, nâng cao dân trí. Ông là người đi tiên phong trong công cuộc chuẩn bị cho sự hiện đại hóa nền học vấn của dân tộc từ Hán học sang Quốc ngữ. Các thế hệ học trò của ông, nhiều người là nhà báo, nhà văn và nhà giáo rất có tên tuổi vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ở Bến Tre, các ông Lương Khắc Ninh, Nguyễn Khắc Huề, Hà Đăng Đàn, Nguyễn Dư Hoài, Lê Hoằng Mưu… đều là những nhà báo, nhà văn nổi tiếng. Ông mất ngày 1-9-1898, được an táng tại Chợ Quán (TP. Hồ Chí Minh).
Hậu thế tôn vinh
Năm 1938, nhân dân Bến Tre đã lập nhà bia nơi quê hương ông (ấp Vĩnh Bắc, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) để tưởng nhớ về ông. Nhà bia có hình tứ giác, mái lợp tôn giả ngói, chóp hình tháp, với 16 cột màu trắng, không tường. Bên trong có một tấm bia bằng đá xanh, cao khoảng 2,5m, mặt trước kia được viết bằng 3 ngôn ngữ (Pháp, Hán, Việt), nội dung giới thiệu nơi sinh ra của nhà bác học Trương Vĩnh Ký. Tại TP. Hồ Chí Minh - nơi an nghỉ của ông, năm 1927, nhân dân Nam Bộ đã góp tiền xây bức tượng đồng toàn thân Trương Vĩnh Ký đặt ở vườn hoa trước Dinh Độc Lập (nay bức tượng được đặt ở Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh). Tên của ông còn được đặt cho nhiều tuyến đường, trường học trong nước.
Tại quê nhà xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, cũng có ngôi trường mang tên ông: Trường THPT Trương Vĩnh Ký. Khóa học đầu tiên diễn ra vào năm học 1978-1979 với 2 lớp khối 10. Ban đầu, trường là phân hiệu Vĩnh Thành của Trường THPT Chợ Lách. Sau 6 năm hoạt động, trường đã có đủ các cấp lớp cùng đội ngũ giáo viên đáp ứng cho nhu cầu giảng dạy. Năm học 1984-1985, trường trở thành một trường độc lập với tên Trường THPT Chợ Lách B. Ngày 20-8-2007, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1353 về việc đổi tên trường, vinh dự mang tên nhà bác học Trương Vĩnh Ký.
Cô Lê Thị Xuân Mai - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2020-2021, trường có 1.224 học sinh của 28 lớp. Trường đã tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021. Thực hiện giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp cho cả học sinh của 3 khối. Tất cả các thiết bị, đồ dùng dạy học hiện được đảm bảo sử dụng hiệu quả. Nhà trường ngoài việc thực hiện dạy đầy đủ các môn văn hóa cơ bản, trường còn quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh. Đoàn thanh niên đóng vai trò nòng cốt trong các hoạt động ngoại khóa, về nguồn… góp phần giáo dục lý tưởng, kỹ năng sống cho đoàn viên, thanh niên trong trường. Năm học 2019-2020, trường có 12 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh.
Anh Mai Quốc Tuấn - Trợ lý thanh niên của trường cho biết, Đoàn trường đã lồng ghép tuyên truyền, giáo dục về tiểu sử cuộc đời nhà bác học Trương Vĩnh Ký vào các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt Đoàn trường hay các cuộc thi tìm hiểu các nhân vật lịch sử. Đặc biệt, vào mỗi đầu năm học, Đoàn trường đều tổ chức chuyên đề riêng tuyên truyền về tiểu sử Trương Vĩnh Ký cho các em học sinh đầu cấp mới vào trường. Tại khuôn viên trường cũng có một tượng đài bán thân Trương Vĩnh Ký, Đoàn trường cũng tổ chức cho học sinh tham gia chăm sóc vệ sinh, hoa kiểng và sinh hoạt tại khu vực này, nhằm góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho các em.
“Em là người con của xã Vĩnh Thành, đặc biệt là học sinh của trường THPT Trương Vĩnh Ký, em cảm thấy rất vinh dự. Em cũng đã tham gia nhiều hoạt động tìm hiểu về thân thế cuộc đời của nhà bác học Trương Vĩnh Ký, ông là tấm gương về tinh thần không ngừng nghiên cứu cho chúng em học tập noi theo”, bạn Nguyện Thị Tuyết Nhi - Bí thư Chi đoàn lớp 11A1 chia sẻ.
Bản thân em là học sinh giỏi nhiều năm liền và luôn tích cực tham gia hoạt động đoàn trường cũng như các hoạt động khác của trường.
Theo ÁNH NGUYỆT (Báo Đồng Khởi)