Nhà cổ Bình Thủy – khoảng lặng vẻ đẹp Tây Đô

22/09/2019 - 14:26

Vùng sông nước, miệt vườn Cần Thơ luôn là điểm đến lôi cuốn du khách, dẫu có trở lại nhiều lần vẫn không thôi bị hấp dẫn, trong đó, nhà cổ Bình Thủy là một điển hình làm dày thêm trải nghiệm vẻ đẹp xứ Tây Đô của du khách.

Sau 3 năm, trở lại thăm nhà cổ Bình Thủy (nhà thờ họ Dương) trên đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ giữa những cơn mưa bất chợt vẫn cảm giác như lần đầu tiên được đến với di sản văn hóa đặc sắc này.


Nhà cổ Bình Thủy luôn nhộn nhịp khách tham quan

Tọa lạc trên một diện tích khoảng 8.000 mét vuông, xung quanh nhà cổ được bao bọc bởi cây cảnh cắt tỉa tỉ mỉ, bốn mùa trổ hoa. Cùng với vẻ đẹp cổ kính, cảnh quan được chăm chút khiến cho ngôi nhà luôn mang một vẻ đẹp đầy thơ mộng, tươi mới.

Theo tư liệu, gia tộc họ Dương đến lập nghiệp ở Nam bộ khoảng cuối thế kỷ XVIII, tính đến nay đã trải qua 6 thế hệ: thế hệ thứ nhất là ông Dương Văn Đạo, tiếp theo là ông Dương Văn Hưng, ông Dương Văn Vị, ông Dương Chấn Kỷ, ông Dương Văn Ngôn và hiện nay thế hệ thứ 6 là ông Dương Minh Hiển.

Nhà cổ Bình Thủy bên ngoài thiết kế kiến trúc kiểu Pháp năm gian, hai mái nhưng bên trong lại được bài trí theo đặc trưng truyền thống của một gia đình người Việt được gia tộc họ Dương xây dựng vào năm 1870. Ba gian trong dùng làm nơi thờ tự, hai gian hai bên dùng làm nơi sinh hoạt của gia đình. Nhà sau được sử dụng làm nơi sinh hoạt chung. Ngăn cách nhà trước và nhà giữa là một hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện và ô hộc được tạo tác bằng gỗ với các đồ án quy ước quen thuộc trong kiến trúc cổ, đồng thời cũng gần gũi với đời sống của người Việt ở Nam bộ.


Không chỉ độc đáo về kiến trúc, nhà cổ còn gắn liền những câu chuyện, giai thoại hấp dẫn của gia đình họ Dương

Bên trong nhà cổ, du khách còn rất ấn tượng bởi những mốn đồ quý giá được gìn giữ, như: hai bộ bàn ghế xuất xứ từ Vân Nam - Trung Quốc, mặt bàn bằng đá cẩm thạch, vân xanh, đường kính 1,5m, dầy hơn 6cm, bộ salon kiểu Pháp đời Louis 15, mặt bàn bằng đá cẩm thạch sắc xanh, chùm đèn bạch đăng thế kỷ 18.


Nhiều hiện vật quý hiếm, giá trị được lưu giữ tại nhà cổ Bình Thủy

Nhờ vẻ đẹp độc đáo, nhà cổ Bình Thủy trở thành phim trường nổi tiếng của các bộ phim như “Người đẹp Tây Đô”, “Những nẻo đường xa”, “Nợ đời”, “Người tình”. Năm 2009, nhà cổ Bình Thủy đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Cho đến nay, đây vẫn là ngôi nhà cổ đẹp nhất ở Cần Thơ. Đồng thời, Bình Thủy là mẫu nhà cổ hiếm hoi còn sót lại khá nguyên vẹn giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu đời sống sinh hoạt, văn hóa cũng như tiến trình phát triển dưới tác động khác nhau lúc giao thời giữa hai thế kỷ của cư dân Đồng bằng sông Cửu Long.

[nha co bi nh thu y khoa ng la ng ve de p tay do]
Với vẻ đẹp điển hình, nhà cổ Bình Thủy trở thành bối cảnh của nhiều bộ phim nổi tiếng trong và ngoài nước

Trong hơn 70 ngôi nhà cổ của Cần Thơ, nhà cổ Bình Thủy như một khoảng lặng thú vị của vẻ đẹp văn hóa xứ Tây Đô, bởi đến đây không chỉ được ngắm cảnh quan, kiến trúc mà còn được nghe thêm về số phận li kỳ, giai thoại của ngôi nhà điện ảnh này.

Có lẽ vậy mà nhà cổ Bình Thủy luôn mang đến một dư vị ngọt ngào, nhẹ nhàng hoài cổ, đầy bịn rịn níu chân du khách khác với cảm xúc choáng ngợp, phấn khích về cảnh mua bán tấp nập của chợ nổi; hay sự háo hức, sống động vui chơi ở miệt vườn…


Đến thăm nhà cổ Bình Thủy luôn là mong muốn của nhiều du khách khi về với Cần Thơ

Thời gian qua, cùng với các giá trị của nhiều di tích lịch sử khác trên địa bàn quận Bình Thủy, ngành du lịch, văn hóa Cần Thơ luôn quan tâm, trùng tu và gìn giữ, bảo tồn nhà cổ; góp phần đa dạng điểm đến, tăng sức hút cho du lịch Cần Thơ đối với du khách

Rời nhà cổ trong làn gió nhẹ từ sông Bình Thủy với một mong mỏi di tích này sẽ luôn giữ được sức sống, vẻ đẹp tiêu biểu của xứ Tây Đô theo năm tháng; để luôn là một chốn dừng chân giàu văn hóa trên con đường mang tên danh nhân Bùi Hữu Nghĩa - người con của vùng đất lịch sử Bình Thủy, từng được mệnh danh là một trong bốn con “Rồng” miền Nam xưa.

Theo HOA QUỲNH (Báo Công thương)