Nhiều tư liệu quý tại Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định

14/09/2020 - 14:33

Kỷ niệm 28 năm Ngày mất của Nữ tướng Nguyễn Thị Định (28-7-1992 - 28-7-2020 âm lịch, nhằm ngày 15-9-2020), chúng tôi đã tìm về ấp Phong Điền, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm thăm lại Di tích lịch sử Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Nơi đây, không chỉ lưu giữ nhiều tư liệu về Nữ tướng mà hiện đã đưa vào hoạt động thêm công trình mới và đang tiến hành phục dựng tiếp mô hình sự kiện liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của bà. Di tích đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi thăm Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ảnh: Thanh Đồng

Nhiều tư liệu quý

Để tưởng nhớ, tri ân Nữ tướng tài ba của quê hương, tháng 12-2000, tỉnh đã xây dựng Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định (tổng diện tích gần 15 ngàn mét vuông) và khánh thành đưa vào hoạt động từ tháng 12-2003. Nơi đây tập hợp, lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật quý về Nữ tướng Nguyễn Thị Định; là địa chỉ đỏ để cán bộ lãnh đạo, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ ở khắp nơi về tham quan, tìm hiểu và tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa. Vào ngày 28-7 âm lịch hàng năm, xã Lương Hòa phối hợp với Ban Quản lý Di tích tỉnh tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa kỷ niệm ngày mất của bà tại đây; mang ý nghĩa tưởng nhớ, tri ân về vị Nữ tướng tài ba của dân tộc.

Khu lưu niệm là một không gian rộng, với nhiều cây xanh được trồng xung quanh cùng thảm cỏ xanh trồng trước khu đền thờ, tạo vẻ mỹ quan. Các tư liệu, hiện vật được trưng bày kết hợp thuyết minh di tích, góp phần giới thiệu sinh động, trực quan và tạo nhiều cảm xúc cho du khách đến tham quan. Khu di tích trưng bày hàng trăm bức ảnh ghi lại thân thế, cuộc đời sự nghiệp cách mạng của bà Ba.

Bên cạnh đó, còn có bảng tóm tắt tiểu sử và các phần thưởng cao quý của Nữ tướng Nguyễn Thị Định, như: Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hòa bình Quốc tế Lê-nin, Huân chương Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Thế giới, các huân chương của các nước: Lào, Bungari, Cuba trao tặng (về quan hệ quốc tế), Huy hiệu Vì sự nghiệp giải phóng Phụ nữ, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng… Đặc biệt, ngày 30-8-1995, bà được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Khách đến tham quan tại Phòng trưng bày tư liệu Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ảnh: A. Nguyệt

Nơi đây hiện còn bảo quản nhiều hiện vật quý về áo bà ba, áo gió, khăn rằn, võng, mùng, bút, sổ tay, mắt kính… mà bà Ba từng sử dụng trong quá trình hoạt động cách mạng. Ngoài ra, còn có chiếc xe Honda 90, bà từng sử dụng đi công tác tại Trung ương Cục miền Nam (tỉnh Tây Ninh) trước ngày 30-4-1975; bộ bàn ghế bà Ba dùng làm việc và hội họp trong thời gian hoạt động bí mật ở nhà ông Trần Văn Thậm (xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm) từ năm 1956 - 1958; lá thư viết tay của bà Ba gửi người cháu gái Nguyễn Thị Mẫn thăm hỏi, động viên… Các tư liệu được tìm kiếm, bổ sung qua thời gian nên đã ngày càng phong phú hơn.

Những công trình mới

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH Xây dựng Việt Long (TP. Hồ Chí Minh) đã phục dựng “Nhà làm việc của Thiếu tướng Nguyễn Thị Định tại căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam - Căn cứ Tà Thiết, tỉnh Bình Phước”. Vị trí phục dựng nằm trong khuôn viên khu lưu niệm, cạnh đền thờ.

Phục dựng Nhà làm việc của Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ảnh: A. Nguyệt

Theo tài liệu lịch sử, căn cứ Tà Thiết (xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) là nơi sống và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Bộ Chỉ huy Miền trong thời gian từ năm 1972 - 1975, trong đó có Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Nhà làm việc của Nữ tướng Nguyễn Thị Định tại căn cứ Tà Thiết được thiết kế nửa chìm, nửa nổi để về đêm hạn chế ánh sáng đèn phát ra ngoài nhằm tránh bị địch phát hiện và bom đạn. Không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi được làm âm xuống lòng đất với độ sâu 1m. Trong nhà có xây dựng một hầm chữ A ngay chính giữa vách, được kết nối với một giao thông hào thoát hiểm dẫn vào rừng. Địa điểm đã được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt vào năm 2015. Công trình tái hiện tại khuôn viên Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định được phục dựng nguyên mẫu như ở căn cứ Tà Thiết, tỉnh Bình Phước, khởi công ngày 9-3-2020 và hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 19-5-2020.

Chị Phạm Thị Trúc Phương - Thuyết minh viên Di tích Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định cho biết, công trình đã đưa vào phục vụ từ nhiều tháng qua, thu hút nhiều du khách đến tham quan. Các đoàn khách đến đây đều đến nhà làm việc của Nữ tướng tham quan và chụp ảnh lưu niệm. Ngoài công trình này, hiện di tích đang được phục dựng thêm công trình, đó là một núi đá có thác nước. Đặc biệt, cây đàn đá 5 tấn (vị trí kế bên nhà làm việc). Cây đàn đá là biểu tượng tiêu biểu cho dân tộc Khmer - dân tộc đã bảo vệ bà Ba khi ở căn cứ Tà Thiết. Hiện di tích đã vận động được nhà tài trợ trao tặng cây đàn đá và đang sắp xếp vận chuyển về. Phần phục dựng này đang thi công và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020. Trong 9 tháng năm 2020, di tích đã đón tiếp hơn 12,4 ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh.

Nhân chuyến về làm việc với Trường Chính trị tỉnh Bến Tre vào đầu tháng 9-2020, đoàn cán bộ, giáo viên Trường Chính trị Hoàng Đình Giong, tỉnh Cao Bằng đã đến tham quan tại Di tích Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ông Tô Vũ Ninh - Trưởng đoàn, Phó hiệu trưởng trường chia sẻ: Đây là lần thứ hai ông đến Bến Tre và cảm thấy xúc động khi xem các hiện vật, hình ảnh về Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Hầu hết thành viên trong đoàn lần đầu đến đây. Đây là các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy về lý luận chính trị cũng như lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Thông qua việc tham quan Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định giúp đoàn có cơ hội khắc sâu thêm kiến thức về Nữ tướng và đưa vào giảng dạy. Dịp này, đoàn chụp một số tư liệu để đưa vào giáo trình giảng dạy về lịch sử Đảng cho các học viên.

Nữ tướng Nguyễn Thị Định sinh ngày 15-3-1920, tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm. Bà mất ngày 26-8-1992 (nhằm ngày 28-7 âm lịch, hưởng thọ 72 tuổi) tại TP. Hồ Chí Minh. Phần mộ bà hiện nằm tại đây. Ngày 15-9-2020, UBND xã Lương Hòa cùng Ban Quản lý di tích tỉnh sẽ tổ chức lễ giỗ kỷ niệm 28 năm Ngày mất của Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Qua đó, ôn lại cuộc đời, sự nghiệp của Nữ tướng, tôn vinh sự cống hiến to lớn của bà trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và đổi mới đất nước. Lễ kỷ niệm gồm các nghi thức cúng truyền thống, dâng hương, dâng hoa, đọc văn bia, tham quan trưng bày tư liệu.

Theo ÁNH NGUYỆT (Báo Đồng Khởi)