Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,28%, tăng cao nhất trong 10 năm qua và đứng thứ 10 cả nước, thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả đạt được là động lực, nền tảng góp phần đưa Vĩnh Long tiến tới hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN
Kinh tế phục hồi và tăng trưởng nhanh
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời, năm 2022, tỉnh thực hiện đạt và vượt 20/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có 11 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 40.039 tỷ đồng, tăng 11,28% so với cùng kỳ.
Trong năm 2022, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phục hồi kinh tế được tỉnh tập trung thực hiện kịp thời, từ đó các khu vực kinh tế đều có tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 2,01%, cơ cấu giá trị sản xuất trồng trọt thay đổi theo hướng tăng sản phẩm có lợi thế, giảm sản phẩm có hiệu quả thấp. Hoạt động du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được phục hồi và tăng khá cao với tổng lượt khách đạt 1 triệu lượt người, doanh thu đạt 480 tỷ đồng, tăng 155% so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đã khôi phục và đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 29,2% so năm 2021. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2010 đến nay.
Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư phát triển trong năm của tỉnh đạt 16.218 tỷ đồng, đạt 102,6% kế hoạch, tăng 10,5% so với năm 2021. Tổng thu ngân sách 6.707 tỷ đồng, đạt 103,44% dự toán; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 793 triệu USD, tăng 37,91%…Trong năm, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án với tổng số vốn đăng ký tương đương 9.404 tỷ đồng.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được chú trọng, có chuyển biến tích cực. Đời sống người dân được cải thiện và nâng lên, GRDP bình quân đầu người đạt 69 triệu đồng, tăng 15,4 triệu đồng so năm 2021. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 67/87 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 21 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả vượt bậc trong phát triển kinh tế, công tác giảm nghèo và an sinh xã hội được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các địa phương thực hiện có hiệu quả; các chính sách đảm bảo an sinh xã hội được triển khai thực hiện kịp thời, thiết thực. Trong năm, tỉnh đã hoàn thành việc xây mới, sửa chữa 526 căn nhà ở cho gia đình người có công với nước, 2.221 căn nhà hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở. Tính đến tháng 10/2022, Vĩnh Long không còn hộ gia đình chính sách, hộ nghèo khó khăn về nhà ở giai đoạn 2020-2022.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm nhận định, những kết quả tích cực, nổi bật trên các lĩnh vực của năm 2022 đã tạo thêm thuận lợi, thời cơ để đưa tỉnh Vĩnh Long phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Phát huy lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững
Các tuyến đường thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long rực rỡ sắc Xuân chào đón năm mới. Ảnh tư liệu: Lê Thúy Hằng/TTXVN.
Trên đà phục hồi kinh tế năm 2022, tỉnh Vĩnh Long đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 8% cho năm 2023. Bên cạnh đó, tỉnh phấn đấu GRDP bình quân đầu người 72,2 triệu đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu 750 triệu USD; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 5.768 tỷ đồng... Ngoài ra, Vĩnh Long bố trí trên 3.722 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh cho kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là năm Vĩnh Long xác định sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo nền tảng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời, tỉnh có 5 tuyến quốc lộ đi qua, nằm giữa 2 đô thị lớn, cách Thành phố Hồ Chí Minh 136 km và thành phố Cần Thơ 33 km nên thuận tiện trong giao thông đường bộ và đường hàng không. Riêng về đường thủy, Vĩnh Long nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, đặc biệt nằm giữa 2 con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu, tạo vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển giao thương của vùng. Với các yếu tố giao thông ngày càng thuận lợi, tỉnh Vĩnh Long trở thành điểm kết nối quan trọng và thuận tiện giữa Thành phố Hồ Chí Minh với Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát huy lợi thế về vị trí địa lý, tỉnh Vĩnh Long đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế và tiềm năng của tỉnh. Hiện tỉnh đang chủ động phối hợp với Trung ương hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các công trình giao thông quan trọng như tuyến đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Hồng Ngự - Vĩnh Long - Trà Vinh. Bên cạnh các công trình quan trọng trên, tỉnh cũng tập trung đầu tư mạng lưới giao thông nội tỉnh kết nối các tuyến giao thông quốc gia, giao thông liên vùng nhằm tối ưu hóa trong khai thác hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn phục vụ mục tiêu phát triển của tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Long đã nghiên cứu vận dụng để xây dựng các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đầu tư riêng của địa phương trong khuôn khổ cho phép ở tất cả các ngành kinh tế như đổi mới cải cách thủ tục hành chính, tập trung vào tính minh bạch của chính quyền, củng cố niềm tin của doanh nghiệp và luôn đặt doanh nghiệp vào vị trí quan trọng của sự phát triển.
Thu hoạch lúa Đông Xuân tại xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long khẳng định, tỉnh sẽ luôn đồng hành sát cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, cam kết sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển ổn định, bền vững, với phương châm “Thành công của các doanh nghiệp tại tỉnh Vĩnh Long chính là sự thành công của chính quyền tỉnh trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội lâu dài của tỉnh Vĩnh Long”.
Song song với thu hút, kêu gọi đầu tư vào địa phương, tỉnh Vĩnh Long tập trung thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp để hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Tỉnh cũng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tăng thêm nguồn lực cho phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu tăng thu ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, tập trung ưu tiên chi đầu tư và các nhiệm vụ trọng tâm; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Mặt khác, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đột phá, chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, hạ tầng giao thông, trong đó phấn đấu hoàn thành thủ tục đề nghị Trung ương hỗ trợ xây dựng cầu Đình Khao; hoàn thành thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chào đón năm mới 2023 với nhiều kỳ vọng mới, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Do đó, tỉnh thực hiện nhất quán mục tiêu, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững; tập trung giải quyết các điểm nghẽn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công... phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch năm 2023, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Theo TTXVN