Những thanh niên vượt khó vươn lên

04/11/2020 - 14:26

Sau hoạt động kỷ niệm 64 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, tôi có dịp gặp gỡ với các thanh niên khuyết tật vượt khó tiêu biểu. Mỗi câu chuyện là một tấm gương sáng, lan tỏa trong cộng đồng những giá trị tốt đẹp.

Từ trái sang: anh Trà Kỳ Minh, em Lê Kim Ngân và mẹ, anh Đỗ Văn Mãi.

Vươn lên vì gia đình

Câu chuyện của anh Trà Kỳ Minh, sinh năm 1985, lôi cuốn nhiều người bởi sự sống động. Anh kể về cuộc sống của mình vô cùng bình thản nhưng lại ẩn chứa biết bao vất vả. Bị tật hai chân do di chứng của căn bệnh sốt bại liệt, từ năm 7 tuổi, anh Minh đã gắn bó với nhiều bạn đồng cảnh ngộ ở Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật tỉnh. Hết 15 tuổi, anh rời trường và được tạo điều kiện để học nghề. Sau đó, anh bước vào đời rồi lập gia đình. Hiện tại, anh làm việc tại kho hàng của một nhà phân phối bánh kẹo ở TP. Bến Tre. “Cho đến bây giờ, tôi không nghĩ mình khác gì so với những người bình thường. Các bạn đi làm thì mình cũng đi làm, tự mỗi người biết điểm mạnh, điểm yếu của mình. Những người bình thường thì cũng phải ra sức làm việc mới đạt được thành quả, còn mình có tật thì càng phải nỗ lực nhiều hơn nữa”, anh Trà Kỳ Minh nói.

“Chưa bao giờ thôi nỗ lực” cũng chính là điều mà anh Đỗ Văn Mãi, sinh năm 1989, ngụ ấp An Trạch Đông, xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam luôn tâm niệm. Suốt thuở ấu thơ, cậu bé Đỗ Văn Mãi luôn ao ước được một lần chạy xe đạp đi học như nhiều bạn bè cùng trang lứa nhưng di chứng cơn sốt bại liệt khiến anh đi lại khó khăn, sức khỏe giảm sút. “Thấy cha mẹ đưa đón đi học vất vả, lúc đó mình tập chạy xe đạp nhưng không xong. Mỗi lần té trầy trụa mình mẩy là mẹ mình lại khóc, sợ bệnh nặng hơn nên quyết không cho tập xe nữa. Mình xin cha mẹ cho đi bộ đến trường gần nhà. Đến cấp 3, mình thuê nhà trọ ở An Thạnh để đi học. Hôm nào gặp bạn bè hoặc thầy cô đi ngang thì mình được cho quá giang”.

Chính điều kiện đi lại khó khăn như vậy, thêm phần kinh tế gia đình không đủ khả năng nên sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh Mãi được xét tuyển đậu vào trung cấp dược nhưng đành gác lại. Chàng thanh niên 18 tuổi lúc đó đã “đánh liều” mua con giống về chăn nuôi, khởi nghiệp từ con heo với tiền thức ăn thì phải mua thiếu của đại lý. Thua lỗ, thất bại do thiếu kinh nghiệm không làm anh nản lòng. Té chỗ nào thì đứng lên từ chỗ ấy. Sau nhiều năm kiên trì học hỏi, lao động, đến nay, anh Đỗ Văn Mãi đã là một trong các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm hiệu quả ở xã Thành Thới A. Bên cạnh đó, anh còn kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuê trại các hộ dân trên địa bàn để phát triển nghề. “Không còn tự ti, trái lại mình có thêm phần hãnh diện. Vì giờ đây, mình đã tự làm chủ, tự gánh vác và chăm lo cho gia đình”, anh Đỗ Văn Mãi bộc bạch.

Cống hiến cho xã hội

Anh Trà Kỳ Minh có tâm huyết lớn với nghề làm dừa bonsai. Nhìn những trái dừa èo uột bỏ đi lăn lóc trong vườn nhà, anh mày mò làm thử dừa bonsai rồi cứ thế càng làm càng đam mê hơn. Quy tụ nhiều thanh niên cùng sở thích và thành lập Câu lạc bộ dừa bonsai Hàm Luông trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh, anh Minh mong muốn cùng các bạn mình tạo dựng nên một sân chơi, học hỏi kinh nghiệm cũng là làm kinh tế với sản phẩm dừa bonsai.

Điểm ấn tượng ở anh Trà Kỳ Minh là sự tự tin, luôn muốn lan tỏa những giá trị tích cực trong cộng đồng. Là người tự lập, anh ít khi nào ỷ lại, nhờ vả ai. “Những người khiếm khuyết như anh mượn nhờ người khác rất dễ. Nhưng một lần, hai lần, thì bản thân mình sẽ lười đi, không có ai bên cạnh thì sẽ không biết làm gì. Cho nên, tôi luôn phải tự giác, khả năng mình còn làm được thì sẽ tự làm”, anh Minh nói. Cùng với sự bền bỉ và ý chí của mình, anh Trà Kỳ Minh là điểm sáng, động viên nhiều thanh niên phấn đấu.

Anh Đỗ Văn Mãi cũng vậy. Hơn 10 năm vất vả, nỗ lực của anh đã đơm hoa thơm trái ngọt. Từ một cậu bé thể chất yếu đuối, anh đã vượt khó vươn lên, tạo lập sự nghiệp. Ngoài ra, anh còn tham gia tích cực các hoạt động của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã, hỗ trợ các công trình thanh niên, là tấm gương sáng cho thanh niên noi theo.

Câu chuyện về anh Trà Kỳ Minh và anh Đỗ Văn Mãi chợt lắng đọng lại. Ngồi trước mặt tôi lúc này là em Lê Kim Ngân, sinh năm 2005, học sinh lớp 10, Trường THPT Lê Anh Xuân, huyện Mỏ Cày Bắc. Cô học trò nhỏ ngồi lọt thỏm trong chiếc xe lăn không giấu được vẻ bẽn lẽn khi lần đầu nói chuyện với người lạ. Kim Ngân bị tật hai chân do di chứng bệnh viêm tủy cắt ngang, em không tự đi lại được. Lúc Ngân tới tuổi đi học, nhiều người biết hoàn cảnh đều không dám chắc rằng em có thể đi học vì thể chất em yếu hơn các bạn đồng trang lứa. Vậy mà, với tình yêu của cha và mẹ, Ngân đã đến trường, em là học sinh khá giỏi 9 năm liền. Kim Ngân thích vẽ và ấp ủ ước mơ học nghề thiết kế. Hàng ngày ở nhà, em luôn phụ giúp mẹ những công việc vừa sức. “Động lực giúp em cố gắng chính là tình thương của mẹ. Thấy mẹ vất vả vì mình, em càng tự nhủ phải cố gắng hơn mỗi ngày”, Kim Ngân bày tỏ.

Lê Kim Ngân là một học sinh đã phấn đấu vượt lên những khiếm khuyết để học tập và theo đuổi ước mơ. Anh Đỗ Văn Mãi đã kiên trì với nghề chăn nuôi để tạo dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Anh Trà Kỳ Minh không bao giờ bỏ cuộc trước khó khăn để gắn bó và phát triển nghề làm dừa bonsai. Các bạn trẻ tuy số phận yếu thế nhưng lại mang ý chí bền bỉ để tỏa sáng như hoa hướng dương trong học tập, lao động và cống hiến cho xã hội.

Theo THANH ĐỒNG (Báo Đồng Khởi)