Nói thêm về sự phát hiện nền văn hóa Óc Eo

13/12/2020 - 18:41

Lâu nay hầu như ai cũng cho rằng nhà khảo cổ người Pháp - Louis Malleret là người đầu tiên phát hiện nền văn hóa Óc Eo, với địa điểm được khai quật đầu tiên ở Ba Thê (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang ngày nay) vào năm 1944. Bài viết này xin cung cấp thêm một số thông tin để bạn đọc hiểu rõ hơn về những ngày đầu tiên nền văn hóa này được biết đến.

Nhà trưng bày Văn hóa Óc eo tại An Giang. Ảnh của Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang.

Lần đọc các sách sử cũ, có khá nhiều tư liệu ghi chép về sự phát hiện những cổ vật trong lòng đất. Trịnh Hoài Đức ghi trong “Gia Định thành thông chí” về gò Cây Mai: “Cách phía Nam trấn (Phiên An) 30 dặm rưỡi, ở đây gò đất nổi cao (…) trên có ngôi chùa Ân Tôn (…), năm Bính Tý (1816) niên hiệu Gia Long thứ 15 có thầy tăng trùng tu (chùa), đào lấy được ngói gạch cỡ lớn của đời xưa rất nhiều, và lại đào được hai miếng vàng lá, tứ bề vuông một tấc, mỗi miếng nặng 3 đồng cân, trên mặt chạm hình cổ Phật cỡi voi”. Trong một cuốn sách xuất bản năm 1885, Trương Vĩnh Ký có nói rõ cổ tích của vùng đất Chợ Quán (Sài Gòn), theo đó Viện Bảo tàng Sài Gòn đến đào và tìm gặp nhiều tảng đá to đem về đặt ngoài hành lang viện, hình như đó là táng cửa, táng cột phướn và định chừng nếu có dịp đào đất chỗ này, may ra còn gặp cổ tích nữa.

Trong phần viết về cù lao Lớn, trang 268, sách “Tự vị Tiếng Việt miền Nam”, Vương Hồng Sển cho biết về “Tên cù lao ở hạt Vĩnh Long, Đại Châu; cù lao Minh giữa Cổ Chiên và Hàm Luông (Bến Tre)” và ghi chú thêm một số sự kiện. Tại Long An Tự ở làng An Thạnh, tổng Minh Đạo, tỉnh Bến Tre, còn gọi Vat Trà Non, cách Mỏ Cày độ 5km, năm 1928 có đào gặp một lu chôn 94 Phật nhỏ bằng vàng có, bằng bạc có, ngoài kim khí, trong bọc đất sét, đem về Viện Bảo tàng Sài Gòn, nhưng năm 1944 lại gởi giấu trong tủ sắt Tòa bố tỉnh Long Xuyên, đến năm 1945 có lính Nhựt chiếm, các vật lưu trữ ấy đều bị thất lạc (theo “Le Cisbassac”, trang 48). Năm 1930, đào được ở làng Thới Thạnh, tổng Minh Phú (Bến Tre) một Phật bằng chai (“Le Cisbassac”, trang 49). Tại làng Phước Mỹ Trung, tổng Minh Thiện (Bến Tre), ném về hướng bắc của chợ Ba Vát, có đào gặp một đầu Phật đá Miên tại chùa Linh Quang Tự (“Le Cisbassac” trang 49).

Như vậy trong sách, sử cho thấy người dân ở hầu khắp Nam Kỳ đều bắt gặp những cổ vật trong lòng đất tận từ thời Gia Long. Cũng cần biết thêm, từ những phát hiện của nhân dân, nhà trí thức Nam Bộ Phạm Thiều (1904-1986) - sau này là một trong những vị Giáo sư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - từng đề xuất với chính quyền thuộc địa lúc bấy giờ cho tiến hành thám sát, khai quật để nghiên cứu. Tác giả Hoàng Lê trong bài viết “Giáo sư Phạm Thiều cảm nhận trong tôi” có kể lại: “Năm 1927 xin đi vào Nam Kỳ dạy học và làm ở Sở Khảo cổ (…). Có lần bọn sinh viên chúng tôi hỏi thầy có kỷ niệm gì sâu sắc khi làm ở khảo cổ, thầy Phạm Thiều kể về gò Óc Eo ở Ba Thê, Long Xuyên, thầy phát hiện và báo để ông Malleret biết”.

Nhà trưng bày Văn hóa Óc eo tại An Giang. Ảnh của Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang.

Nhà khảo cổ Malleret là người có công lớn đối với nền văn hóa Óc Eo - một nền văn hóa mà người Việt Nam nói chung, người ở đồng bằng Nam Bộ nói riêng, trước hết là cư dân ở Óc Eo - Ba Thê, vô cùng trân trọng. Bởi đó là một di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phản ánh đời sống sinh hoạt cổ sơ của lớp cư dân bản địa, rất có giá trị trong việc nghiên cứu về tiến trình văn minh nhân loại.

Cụ thể ngày 9-2-1944, ông Malleret đã hướng dẫn đoàn phái bộ khảo cổ lên đường đi Long Xuyên để thực hiện khai quật di chỉ khảo cổ Óc Eo. Trong lữ ký “Hai tháng ở gò Óc Eo” hay là “Câu chuyện đi đào vàng” đăng trên tạp chí Tri Tân, một thành viên của phái bộ, tác giả Biệt Lam Trần Huy Ba, có tả đoạn từ Long Xuyên tới làng Vọng Thê và công việc bố trí khai quật ban đầu, dưới dạng thơ gồm 128 câu, xin trích vài đoạn:

“Tới Vọng Thê mười hai giờ đúng,

Đủ kỳ hào dân chúng đón mời”

“Xa trông thấp thoáng mấy gò,

Kìa gò Cây Thị, nọ gò Óc Eo,

Gò Giồng Cát lèo tèo mấy xóm,

Làng Ông Phi một mỏm chạy dài.

Nhấp nhô gò đá một hai,

Ông Tà lại mọc một vài cây trôm.

Ngắm địa thế hai hôm về trước,

Đồ cổ xưa nhặt được khá nhiều.

Mảnh sành hạt ngọc nồi niêu

Cùng đồ trang sức mỹ miều khắp nơi.

Viện Bác Cổ phái người xem xét,

Các phái viên dò xét từng li.

Hễ tìm kiếm được vật gì,

Bản đồ kịp giở tức thì biên tên”...

Phái bộ khảo cổ có 4 nhân viên, ngoài ra có 15 trại sinh ở các tỉnh Rạch Giá, Long Xuyên, Sài Gòn và Cần Thơ. Tỉnh Long Xuyên phái thêm một thầy khán hộ và 10 người lính khố xanh, tất cả gồm có 30 người. Họ đến làng Vọng Thê thời bấy giờ thuộc quận Long Xuyên, tỉnh Long Xuyên, bao bọc quanh dãy núi Ba Thê, giáp làng Mỹ Lâm thuộc tỉnh Rạch Giá. Họ cũng khám phá gò Óc Eo về phía đông nam núi Ba Thê độ hai cây số; hay gò Cây Thị là khu vực cao nhất trên một cánh đồng bát ngát nhấp nhô vài gò đất. Ở khu vực này có câu chuyện một người thợ cày ở Vọng Thê, khi cày ruộng, lưỡi cày chạm vào một vật cứng, bới ra xem thì là một pho tượng ở trong một cái khung dài độ 20 phân; khi rửa sạch đất thì ra bằng vàng, người đó đem về nhà để thờ được ít lâu, thì bị kẻ trộm lấy mất. Từ đó người ta đồn đại xôn xao, rồi kẻ kiếm được vật này, người lượm được đồ kia, thứ thì bằng vàng, thứ thì bằng ngọc thạch.

Một số hiện vật của văn hóa Óc Eo tại Bảo tàng tỉnh An Giang. Ảnh của Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang.

Tư liệu ghi lại rằng, cư dân vùng ấy thuật lại trong vài năm họ đã lượm được rất nhiều đồ quý báu, nên cứ đến kỳ nước lớn thì mỗi ngày có hàng nghìn ghe xuồng kéo đến; số người lặn nước mò vàng có tới vài ba nghìn người; người được thức nọ, kẻ được thức kia, không mấy người phải về tay không. Đến nỗi hàng quà, hàng bánh, kẻ bán người mua, những đồ lượm được, đã thành một cái chợ to; ghe thuyền tụ họp rất đông vui. Có cả mấy hiệu vàng bạc ở các nơi kéo về, nghiễm nhiên mở hàng để mua đồ mà dân đãi được; họ mua được hươu vàng, rùa vàng, tượng vàng, kiềng vàng, nhẫn vàng, đồ ngọc thạch chạm trổ tinh vi, hột cườm bằng mã não, thủy tinh, toàn quý vật. Vì thế nên một cánh đồng bề dài độ 4 cây số, bề ngang độ 2 cây rưỡi, đã bị họ đào thành từng lỗ sâu nông, như cánh đồng bị bom đạn phá. Họ đào bới tứ tung. Tứ phương đồn đại, người ta lại càng kéo đến nhiều hơn.

Ông Louis Malleret, Chánh đoàn phái bộ khảo cổ, sau đó nghiên cứu và tuyên bố những đồ vật tìm thấy ở vùng Óc Eo này có lẽ thuộc phạm vi của nước Phù Nam vào hồi thế kỷ thứ tư, thứ năm sau Tây lịch. Phù Nam nguyên là một “hòn đảo lớn” bởi nó được khu biệt rõ từ một vịnh biển ở vùng cửa sông Cửu Long mà lúc bấy giờ hãy còn nằm sâu trong đất liền (tận vùng đất mà ngày nay ta gọi là Thoại Sơn). Lúc ấy thuyền của người Trung Hoa và Ấn Độ có thể giong buồm đến Phù Nam và đi luôn tới Mã Lai dễ dàng. Sau vương quốc này mở rộng thêm, lãnh thổ bao trùm hết nước Campuchia, miền Nam Thái Lan, một phần nước Lào, toàn miền Nam Việt Nam và có thể lớn hơn nếu kể luôn những lần hưng binh đi chinh phục một số nơi khác, nhưng chỉ có tính cách nhất thời.

Tùy từng giai đoạn lịch sử, kinh đô Phù Nam được di dời ít nhất cũng vài lần. Từ nghi thức thủy táng nhà vua của người Phù Nam (sau khi hỏa táng vua Matualin xong, họ ném hộp vàng đựng xương của ngài xuống biển), cho phép các nhà nghiên cứu hiểu rằng có lúc kinh đô của Phù Nam ở sát biển cho nên có thể đó là Óc Eo. Qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ cho rằng Óc Eo chính là thành Naphetna, nơi đóng đô của vua Phù Nam và cung của ông hoàng Nripaditya cũng ở tại Óc Eo này.

Vậy Ba Thê - Óc Eo lúc bấy giờ không chỉ là một hải cảng sầm uất mà một thời còn là kinh đô của vương quốc cổ Phù Nam.

Theo NGUYỄN HỮU HIỆP (Báo Cần Thơ)