Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tham dự họp trực tuyến với Chính phủ về Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long và sông Hồng vào chiều ngày 24-4.
Theo Bộ NN&MT, mục tiêu tổng quát của Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là chủ động điều tiết nguồn nước để cấp nước, tiêu, thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn cấp nước bền vững cho dân sinh và các ngành kinh tế; đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình sản xuất một cách linh hoạt; nâng cao năng lực chủ động phòng, chống thiên tai, sẵn sàng ứng phó với trường hợp bất lợi nhất; đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, giữ vững quốc phòng, an ninh.
Trong quá trình thực hiện quy hoạch, vùng ĐBSCL được đầu tư 30 cống kiểm soát dọc sông Tiền; hoàn thiện, nâng cấp 9 công trình hệ thống thủy lợi vùng ven biển; thực hiện 67 dự án nạo vét các trục kênh cấp nước của các vùng: Tây sông Hậu, Tứ giác Long Xuyên và các hệ thống thủy lợi vùng ven biển; triển khai 45 công trình cho dự án chuyển nước cho vùng Nam Quốc lộ 1A (Bạc Liêu) và 61 công trình cho dự án chuyển nước cho vùng Bán đảo Cà Mau; nghiên cứu 4 công trình kiểm soát cửa sông mang tính khả thi, hiệu quả. Về công trình trữ nước phân tán, thực hiện cải tạo 6 công trình hiện có, xây dựng mới 20 cụm công trình trữ nước với tổng dung tích khoảng 180 triệu m3; đồng thời đầu tư 18 hệ thống trạm bơm điện với công suất 604.000m3/h.
Phấn đấu đến năm 2030, bảo đảm cấp và tạo nguồn cấp nước trong sinh hoạt cho khoảng 17-18 triệu người dân tại vùng ĐBSCL; tạo nguồn cấp nước cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao từ các hệ thống công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, cấp nước chủ động cho khoảng 1,5-1,6 triệu héc-ta đất trồng lúa 2 vụ và 0,65-0,75 triệu héc-ta đất trồng lúa vụ 3; 0,21 triệu héc-ta rau màu, hoa, cây cảnh, với mức đảm bảo tưới 85%; 0,4-0,45 triệu héc-ta cây ăn trái, với mức bảo đảm tưới 90-95%; cấp nước chủ động cho nuôi trồng thủy sản với diện tích khoảng 0,8 triệu héc-ta. Ngoài ra, chủ động tiêu, thoát nước ra sông trục chính, tăng diện tích tiêu bằng động lực, đảm bảo tiêu, thoát nước ở vùng thấp trũng phục vụ dân sinh, nông nghiệp với tần suất từ 5% đến 10%; phòng, chống ngập úng khoảng 100.000ha với tần suất 1% cho các thành phố: Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Long, Long Xuyên, Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu…; chủ động kiểm soát mặn khoảng 1,35 triệu héc-ta đất sản xuất nông nghiệp theo các điểm khống chế mặn từ 1-4‰ trong vùng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị trong quy hoạch thủy lợi vùng ĐBSCL cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa những công trình hiện hữu và công trình được đầu tư mới.
Phát biểu tại buổi họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị trong quy hoạch cần đảm bảo tính thống nhất, khoa học, đồng bộ giữa những công trình hiện hữu và công trình được đầu tư mới; trong đó xác định vị trí thực hiện các công trình cống, đập đảm bảo tính dài hạn và phát huy hiệu quả theo mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện quy hoạch cần chú ý giải quyết tốt bài toán về ô nhiễm môi trường khi điều tiết, vận hành các công trình mang tính hợp lý và liên thông giữa các địa phương; đặc biệt là khắc phục được tình trạng ngập úng tại các đô thị. Cơ quan chuyên môn sử dụng mô hình toán học, mô phỏng học trong thực hiện công tác dự báo, cảnh báo tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu, từ đó có giải pháp thực hiện các công trình và phi công trình thủy lợi được hợp lý ở từng khu vực tại ĐBSCL, qua đây giúp người dân thích nghi với biến đổi khí hậu, sản xuất hiệu quả. Đặc biệt, xem xét ưu tiên đầu tư những công trình mang tính cấp bách để sớm mang lại hiệu quả trước mắt và lâu dài trong ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCL, nhất là tình hình hạn hán, xâm nhập mặn…
Theo Báo Hậu Giang