Phát huy lợi thế vận tải thủy vùng ĐBSCL

07/10/2022 - 09:10

Vùng ÐBSCL có hệ thống sông ngòi dày đặc, liên kết tất cả các địa phương trong vùng, có lợi thế rất lớn cho vận tải công suất lớn bằng đường thủy. Phát huy lợi thế của vận tải thủy san sẻ lượng hàng hóa với vận tải đường bộ, tăng cường khả năng lưu thông hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

A A

Chưa phát huy tiềm năng

ÐBSCL có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, hệ thống sông dài 28.000km. Trong đó, 23.000km có khả năng khai thác vận tải thủy; có 2 tuyến đường thủy huyết mạch từ TP Hồ Chí Minh đi Kiên Giang, Cà Mau và kênh Quan Chánh Bố cho tàu tải trọng lớn ra, vào sông Hậu và 5 tuyến hành lang đường bộ nối ÐBSCL với vùng Ðông Nam Bộ và cả nước cùng hệ thống cảng trải dài dọc trên sông Hậu, sông Tiền.

Hoạt động vận tải thủy trên địa bàn TP Cần Thơ.

Tuy nhiên, theo thống kê của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, sản lượng thông qua hệ thống cảng của ÐBSCL, trung bình giai đoạn 2016-2022 chỉ tăng khoảng 4%/năm, thấp đáng kể so với các nhóm cảng khác và trung bình cả nước. Trong khi đó, nếu so sánh các tuyến từ ÐBSCL, cụ thể là Cần Thơ đến cụm cảng khu vực TP Hồ Chí Minh và cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, xét về thời gian tuy dài hơn so với đường bộ, nhưng với khối lượng vận chuyển lớn, giá thành vận chuyển thấp. Vận tải thủy là loại hình vận chuyển hiệu quả, góp phần đáng kể trong việc giảm sức ép lên các loại hình giao thông khác, đặc biệt thân thiện với môi trường và khá an toàn.

Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Phó phòng Kế hoạch đầu tư, Cục Hàng hải Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải, đánh giá, lượng hàng hóa thông qua cảng biển vùng ÐBSCL vẫn chưa thật sự được phát huy tốt. Từ năm 2017 đến nay, lượng hàng hóa thông qua cảng biển ÐBSCL chỉ tăng 2,2%. So với nhóm các cảng biển khác của cả nước, nhóm cảng biển số 6 (nhóm cảng biển số 6 thuộc ÐBSCL gồm 12 cảng biển; trong đó, 1 cảng loại I ở Cần Thơ và 11 cảng biển loại II ở Tiền Giang, Bến Tre, Ðồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang) có thị phần hàng hóa chỉ chiếm 3%. Riêng đối với hàng container thông qua nhóm cảng biển ÐBSCL chỉ xấp xỉ 10%, trong khi mặt bằng chung của cả nước là 34-35%. Lượng hàng trực tiếp qua nhóm cảng biển ÐBSCL là rất ít, chỉ khoảng 9%, trong khi 91% còn lại phải thông qua các cảng biển khác ở khu vực TPHCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu...

Theo ông Phùng Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, cơ sở hạ tầng cho vận tải đường thủy nội địa chưa được quan tâm đầu tư kịp thời, đúng mức. Các trang thiết bị, điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu còn thiếu. Các doanh nghiệp, hãng tàu, doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp xuất khẩu chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau.

Giải pháp nào gỡ điểm nghẽn?

Tại hội nghị thúc đẩy phát triển vận tải thủy phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực ÐBSCL diễn ra mới đây tại Cần Thơ, các đại biểu tập trung phân tích những điểm mạnh, điểm yếu cũng như cơ hội, thách thức phát triển vận tải thủy của vùng. Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp thúc đẩy phát triển vận tải thủy, tăng khả năng cạnh tranh hàng hóa cho vùng ÐBSCL.

Ông Nguyễn Xuân Tuấn cho rằng: Trước tiên cần phải tập trung cải tạo, nâng cấp, bảo trì được tuyến luồng hàng hải hiện hữu. Ðồng thời, khai thác hiệu quả các cảng biển, bến cảng trong khu vực, nhất là ở các địa phương có nguồn hàng lớn như TP Cần Thơ, tỉnh An Giang và Trà Vinh. Mặt khác, sớm hình thành và đưa vào khai thác trung tâm logistics vùng để hỗ trợ phát triển công nghiệp và tạo ra các chuỗi giá trị hàng hóa qua cảng biển. Kết hợp song hành công tác đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế khai thác cảng và các lĩnh vực kinh tế gắn liền với cảng biển, vận tải biển...

Ông Phùng Ngọc Minh kiến nghị: Các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương ưu tiên, tập trung đầu tư vào các tuyến thủy nội địa liên vùng, tuyến luồng huyết mạch. Chẳng hạn các khu vực kinh tế cửa khẩu, quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất có bến thủy nội địa chuyên dụng. Về định hướng phát triển nhằm thu hút tàu quốc tế, tàu container nội địa chạy biển có thể hoạt động ổn định và lâu dài vào cụm cảng biển Cần Thơ, cần nghiên cứu xem xét đánh giá lại khả năng bồi lắng, dòng chảy và thực hiện xã hội hóa đầu tư nạo vét khơi luồng cửa Ðịnh An và đảm bảo nạo vét thường xuyên để duy trì mớn nước ổn định cho luồng Quan Chánh Bố. Ðể khuyến khích, phát triển các tàu trung chuyển quốc tế (tuyến nội Á như Cần Thơ - TP Hồ Chí Minh - Singapore...), UBND TP Cần Thơ có chính sách ưu đãi với một số chuyến tàu đầu tiên cho các hãng tàu tiên phong. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong khu vực nên ưu tiên sử dụng, đặt chỗ với các hãng tàu để khai thông tuyến. Theo tính toán từ các hãng tàu, việc mở tuyến tàu container quốc tế trực tiếp từ Cần Thơ có thể giúp giảm đến 30-35% chi phí logistics cho doanh nghiệp...

Ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội Ðại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam cho rằng: Cần nghiên cứu bổ sung thêm quy hoạch hệ thống cảng thủy nội địa, kho cảng cạn, depot… tại các khu vực kinh tế trọng điểm của ÐBSCL và Ðông Nam Bộ để tập kết hàng hóa từ các khu công nghiệp, tăng cường kết nối hàng hóa đến các cảng biển trong khu vực. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hợp tác với hãng tàu nước ngoài mở depot tại khu vực ÐBSCL...

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang thông tin: Sau khi tuyến luồng kênh Tắt - Quan Chánh Bố - sông Hậu đưa vào hoạt động với độ sâu luồng -6,5m, cho phép tàu biển có trọng tải 10.000 tấn đầy tải, tàu 20.000 tấn giảm tải. Nhờ vào đó, số lượng hàng hóa thông qua cảng ở TP Cần Thơ, khu vực lân cận tăng đều hằng năm. Hiện Bộ đang được triển khai thực hiện dự án nạo vét luồng kênh Quan Chánh Bố giai đoạn 2 và đang chỉ đạo quyết liệt để có thể hoàn thành dự án chậm nhất trong quý II/2023. Khi đó, khối lượng bồi lắng sẽ giảm đi, tốc độ chạy tàu được tăng lên, từ đó cải thiện hiệu quả của tuyến luồng.

 

Theo T. TRINH (Báo Cần Thơ)