“Vua Trâu” Nguyễn Hồng Ngự, những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer huyện Long Mỹ, du lịch đỏ... là những nhân tố được kỳ vọng tạo nên sản phẩm du lịch thu hút cho địa phương này.
Xây dựng sản phẩm du lịch: Khó nhưng có thể
Là người tư vấn cho sản phẩm du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn (thành phố Cần Thơ), bà Lê Thị Bé Bảy chia sẻ, bà là người con của quê hương Long Mỹ. Khi làm sản phẩm du lịch ở nơi khác, bà vẫn đau đáu một mong muốn là quê mình cũng có sản phẩm du lịch.
“Huyện Long Mỹ dù được xem là không có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng tôi thấy có. Nếu làm cho đến nơi đến chốn, sẽ không đâu có. Đó là xây dựng câu chuyện về khu nuôi và huấn luyện trâu của ông Nguyễn Hồng Ngự, ở xã Lương Nghĩa. Nhiều người gọi ông là “Vua Trâu”. Ông đã làm giàu từ con trâu, có hướng làm kinh tế riêng độc đáo, chuyên biệt. Ông có kinh nghiệm lựa, nuôi, huấn luyện các loại trâu. Ông chính là kho kiến thức vô giá, độc đáo, riêng có ở Long Mỹ nói riêng, Hậu Giang nói chung”, bà Bé Bảy hiến kế.
Huyện Long Mỹ còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, nhưng đặc biệt nhất là đã bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật hát Aday của đồng bào dân tộc Khmer, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là loại hình văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Theo ý kiến của các chuyên gia du lịch, khai thác câu chuyện này nên gắn với lễ hội truyền thống, hoạt động văn hóa, thể thao của đồng bào dân tộc Khmer, vì huyện Long Mỹ là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, nhất là ở Xà Phiên, Lương Tâm, Lương Nghĩa...
Bên cạnh xây dựng những câu chuyện riêng biệt, địa phương cần khai thác yếu tố ẩm thực từ những món ăn rất gần gũi đã dần được nâng tầm, đạt chuẩn OCOP, như trà mãng cầu, mắm cá lóc, khô trâu, chả giò lươn... Đây cũng là một cách vừa thu hút sự quan tâm của du khách. Bởi suy cho cùng, ẩm thực là một trong những điều mong muốn trải nghiệm mà đa phần du khách đều hướng tới khi khám phá nơi mình đến...
Câu chuyện dài, cần nhiều nỗ lực
Phát triển du lịch là câu chuyện dài và chưa bao giờ dễ. Xác định khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch từ trong khó khăn, huyện Long Mỹ đã có những định hướng phát triển. Xác định thế mạnh là du lịch nông thôn, nên đã từng bước đầu tư hạ tầng, tạo cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.
Bên cạnh đó là có kế hoạch xây dựng sản phẩm, gắn với tua, tuyến theo từng giai đoạn. Địa phương quyết tâm đến hết năm 2025, sẽ xây dựng 4 tuyến du lịch tham gia, đến các nơi như di tích lịch sử - văn hóa, văn hóa tín ngưỡng, cảnh quan sông nước, du lịch sinh thái nông nghiệp, sản phẩm OCOP...
Từ khi du lịch được xem là một trong 4 trụ cột quan trọng của tỉnh để định hướng đầu tư, phát triển, lĩnh vực này ở Hậu Giang có những chuyển biến rõ rệt. Các địa phương đã nhập cuộc và chủ động xây dựng kế hoạch, đề án phát triển du lịch; tổ chức tọa đàm, hội nghị, hội thảo để lắng nghe những ý kiến từ chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh du lịch...
Trong Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Long Mỹ được định hướng khai thác sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với ẩm thực và sản phẩm OCOP.
Năm 2024, để cụ thể hóa hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh giai đoạn 2021-2025, Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh đã xây dựng bộ sản phẩm du lịch, còn gọi là chương trình du lịch mẫu, nhằm bảo đảm cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá được thực hiện một cách có hệ thống, đạt hiệu quả cao. Sản phẩm du lịch huyện Long Mỹ có tên là “Huyện Long Mỹ - Vị ngọt thanh bình”, khai thác được những nét độc đáo của địa phương, góp phần vào bức tranh chung của du lịch tỉnh...
Ông Nguyễn Vũ Trường, Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, nhấn mạnh: “Những gợi ý từ các chuyên gia, nhà tư vấn du lịch sẽ giúp chúng tôi tiếp tục định hình, khai thác tiềm năng, thế mạnh một cách hiệu quả. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những kế hoạch dài hơi, từ việc phát triển hạ tầng giao thông đến nghiên cứu khai thác các sản phẩm độc đáo, riêng có được gợi ý. Bên cạnh đó là việc tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và cùng địa phương làm du lịch, quảng bá hình ảnh địa phương và tạo mọi điều kiện để mời gọi đầu tư về du lịch”.
Theo Báo Hậu Giang