Bên cạnh những dự án triển vọng đạt thứ hạng cao, nhiều người còn ấn tượng với sáng kiến độc đáo của 2 học sinh Trường THPT Tắc Vân (TP Cà Mau). Mặc dù không tiến sâu vào top 10 chung cuộc, nhưng giải thưởng “đặc biệt” mà ban tổ chức dành riêng cho 2 tác giả trẻ này, chính là nguồn khích lệ lớn, giúp các em phát huy khả năng sáng tạo, có nhiều cơ hội trau dồi, học hỏi khi góp mặt ở một sân chơi lớn.
Phan Trần Trung Tính (lớp 11C3) và Lý Lê Xuyến (lớp 11C2) chính là tác giả của dự án “Mô hình cấu tạo tế bào - Thiết bị dạy học trực quan 3D” - sáng kiến đoạt giải tiềm năng tại cuộc thi lần này.
Gần gũi, khiêm tốn, tự tin là những gì cảm nhận được sau buổi trò chuyện cùng 2 bạn trẻ tài năng. Vốn là những học sinh giỏi, từ khi còn học cấp 2, 2 bạn đã bộc lộ nhiều năng khiếu, niềm đam mê đặc biệt với môn Sinh học và giành nhiều giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh. Ðây cũng là bước đệm để 2 em có thêm động lực tham gia cuộc thi.
Giải thưởng dự án “Tiềm năng” là nguồn khích lệ tinh thần rất lớn để Tính và Xuyến phát huy khả năng sáng tạo, chắp cánh cho những dự án tiến xa trong tương lai.
Chia sẻ về ý tưởng này, Lý Lê Xuyến cho biết: “Khi học trên lớp, giáo viên môn Sinh học đã cho chúng em thực hành làm các mô hình trực quan phục vụ cho nội dung bài học, để chúng em dễ nhớ bài. Tuy nhiên, nếu như các mô hình trước đó thường làm bằng ống hút hoặc trái bóng thì chúng em nảy ra ý tưởng dựng nên những mô hình 3D bằng chất liệu nhựa, đảm bảo tính thẩm mỹ, độ bền cao”.
Với sản phẩm “Mô hình cấu tạo tế bào”, mỗi bộ sản phẩm bao gồm 12 chi tiết tách biệt nhau, tương ứng 12 loại bào quan trong tế bào. Chất liệu sử dụng chính bằng nhựa, bên trong mô phỏng đầy đủ các loại bào quan của một tế bào như: nhân, lưới nội thất, ti thể, lục lạp… Ðây cũng là nội dung phục vụ giảng dạy Sinh học lớp 10.
“So với các thiết bị dạy học hiện nay, mô hình này có các ưu điểm như: sản phẩm được in theo công nghệ 3D nên học sinh có thể trực tiếp chạm được, để cảm nhận và khám phá kiến thức. Bên cạnh đó, các chi tiết tách biệt nhau nên có thể lắp ghép và sử dụng dễ dàng cho từng tiết học. Mỗi bào quan được thiết kế thành 2 phần, cho phép học sinh tách ra để quan sát bên trong”, em Phan Trần Trung Tính cho biết.
So với các cuộc thi trong phạm vi nhà trường, khi mang dự án này đến một sân chơi lớn, 2 bạn trẻ đã trải qua không ít khó khăn. Ðể có sản phẩm hoàn chỉnh và bài thuyết trình trong vòng vài phút trước ban giám khảo, 2 bạn chỉ có vỏn vẹn 10 ngày để chuẩn bị và nghiên cứu. Trong quá trình làm dự án, đồng hành cùng Tính và Xuyến còn có sự hỗ trợ của các thầy cô trong tổ chuyên môn, hội đồng cố vấn và sự động viên tinh thần từ Ban giám hiệu cũng như Ðoàn trường, tiếp thêm sự tự tin cho 2 em đến với cuộc thi.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, 2 em cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp để dự án ngày càng hoàn thiện hơn, mong có ngày dự án sẽ được triển khai trong thực tế. Bên cạnh đó, 2 em mong muốn thông qua dự án này sẽ truyền cảm hứng để học sinh trong trường sáng tạo thiết bị dạy học trực quan cho các môn học khác có thể tự tin thực hiện ý tưởng, để mỗi giờ học sinh động hơn.
Cô Trương Linh Phi, Bí thư Ðoàn Trường THPT Tắc Vân, chia sẻ: “Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện cũng như cơ hội để học sinh tham gia cuộc thi “Khởi nghiệp”. Ðây là cơ hội vận dụng các kiến thức đã học vào cuộc sống thực tế, đánh thức khát vọng, giá trị của bản thân, hình thành ý tưởng kinh doanh, đầu óc kinh tế cũng như định hướng nghề nghiệp khi các em còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Thông qua sân chơi này, giúp các em hình thành kỹ năng thuyết trình, hùng biện trước đám đông, kỹ năng hợp tác giao tiếp cũng như tiếp nhận, góp phần đáp ứng được yêu cầu đổi mới của nền giáo dục trong giai đoạn hiện nay”./.
Theo Báo Cà Mau