Đại tá Lê Phát Thành tham gia dâng hoa tưởng niệm tại bia chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố
1. Sinh ra và lớn lên tại xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, trong một gia đình có truyền thống cách mạng, Đại tá Lê Phát Thành đã sớm giác ngộ cách mạng. Ông tham gia lực lượng địa phương quân Vàm Cỏ và trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố là trận đánh quy mô đầu tiên mà Đại tá tham gia.
“Thời điểm đó, tôi còn trẻ lắm, tất cả đều thực hiện theo kế hoạch của chỉ huy đơn vị. Lúc đó, bộ đội ta gặp khó khăn về vũ khí. Không có phương tiện liên lạc nên sự phối hợp giữa các cánh quân được thực hiện theo hiệu lệnh kèn và tiếng súng. Hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng vẫn làm nên một trận thắng vẻ vang” - Đại tá Lê Phát Thành kể.
Và điều khiến ông nhớ mãi chính là sự yêu thương của người dân dành cho bộ đội. Kết thúc trận đánh trở về, những mâm cơm nóng hổi đã sẵn sàng để bộ đội ăn lấy sức, tối đến phải hành quân, giải tù binh về căn cứ.
Năm 1963, ông được cử đi học sĩ quan lục quân, sau đó, được chọn tham gia lớp tình báo trong vòng 2 năm và chính thức hoạt trong lĩnh vực tình báo. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tình báo, người chiến sĩ phải hoạt động hoàn toàn độc lập, lanh lợi, bình tĩnh và có khả năng xử lý tình huống hết sức linh hoạt.
Trong suốt nhiều năm hoạt động, ông làm nhiệm vụ liên lạc để vận chuyển tài liệu và đưa đón đồng đội trong mạng lưới khi cần thiết. “Muốn hoàn thành nhiệm vụ cần phải xây dựng được cơ sở tin cậy của mình, liên tục thay đổi tên họ, đường đi nước bước để tránh bị địch nghi ngờ. Ngay cả trong tổ chức, đồng đội chưa chắc đã biết mặt, biết tên nhau. Khó khăn, nguy hiểm thì nhiều nhưng chưa bao giờ tôi nản lòng hay lung lay ý chí vì lời thề với nước, với dân” - Đại tá Lê Phát Thành chầm chậm nói.
Sự cẩn trọng, bí mật được rèn luyện trong quá trình làm tình báo đã giúp Đại tá cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng khi đứng trong hàng ngũ lực lượng tác chiến trực tiếp. Đại tá Lê Phát Thành kể, năm 1972, ông tham gia Đoàn 316 đặc công biệt động tình báo nhằm chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Để chuẩn bị cho nhiệm vụ quan trọng ấy, lực lượng đã “ém quân” để nghiên cứu địa hình trong suốt 1 năm. Ban ngày, anh em đặc công nép mình trong những đám lá vùng ven đô, đêm đến lại hoạt động, theo dõi, nghiên cứu tình hình và lực lượng của địch. Thời điểm đó, lực lượng của địch ở khu vực Thủ Đức, Sóng Thần còn nhiều, chúng phản kích rất ác liệt. Nhận nhiệm vụ bảo vệ cầu Rạch Chiếc, đơn vị giằng co với địch từng tấc đất, quyết tâm không để chúng phá cầu, chờ đại quân tiến vào Sài Gòn (TP.HCM ngày nay), thống nhất đất nước.
Với tinh thần sẵn sàng đến bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì Đảng và nhân dân giao phó, Đại tá Lê Phát Thành từng 2 lần có mặt tại chiến trường Campuchia để làm nghĩa vụ quốc tế.
“Trên đất bạn, khó khăn nhất vẫn là không quen địa hình, ngôn ngữ. Bọn Pol Pot lại gài lựu đạn rất nhiều nên mỗi chuyến hành quân đều nguy hiểm.Tôi cũng bị thương do lựu đạn gài của chúng. Khó khăn đến đâu thì bộ đội ta cũng khắc phục được. Không chỉ trực tiếp chiến đấu, ta còn cài cắm lực lượng vào hàng ngũ địch. Năm 1979, nhờ chiến thuật đó, đơn vị tôi bắt được 1 trung đoàn phó của Pol Pot mà không tốn một viên đạn nào” - Đại tá Lê Phát Thành nhớ lại.
Gần 90 tuổi, Đại tá Lê Phát Thành vẫn nghe đài, thỉnh thoảng đọc báo và đọc sách
2. Nhấp ngụm trà, vị Đại tá gần 90 tuổi mỉm cười, nói: “Có rất nhiều điều thuộc về nghiệp vụ tình báo tôi không thể chia sẻ được. Tôi chỉ mong rằng qua những gì tôi kể, thế hệ sau có thể hình dung về những gì đất nước đã trải qua. Tôi mong thế hệ thanh niên bây giờ sẽ vững bước tiếp tục sự nghiệp, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Thế hệ cha anh đã hy sinh để bảo vệ độc lập dân tộc thì lực lượng quân đội ngày nay với lợi thế có tri thức, tiếp thu khoa học hiện đại, được đào tạo chính quy, hùng mạnh sẽ là lực lượng kế thừa xứng đáng để bảo vệ cách mạng, bảo vệ đất nước và hạnh phúc của nhân dân”.
Giờ đây, mỗi ngày, vị Đại tá già dành thời gian nghỉ ngơi, chăm lo sức khỏe. Ông vẫn nghe đài, thỉnh thoảng đọc báo và đọc sách để nắm rõ những đổi mới của quê hương. Hàng tháng, ông dự sinh hoạt Đảng cùng các đảng viên tại địa phương. Và mỗi sáng thứ hai hàng tuần, Đại tái lại chỉnh tề trang phục, cùng cán bộ, đảng viên tại UBND xã Hiệp Thạnh chào cờ đầu tuần.
Đại tá Lê Phát Thành nói: “Tôi đi chào cờ và tham gia sinh hoạt Đảng vì lòng tôn trọng dành cho Tổ quốc. Vì ngày vào Đảng đã có lời thề hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng cho tới giây phút cuối cùng”./.
Theo QUẾ LÂM (Báo Long An)