Sóc Trăng: Độc đáo món "canh ăn liền"

22/01/2024 - 10:07

Ý tưởng món “Canh ăn liền” được em Diệp Trần Huyền Trang và em Đỗ Thanh Ân (lớp 12A6) Trường Trung học phổ thông Phú Tâm (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) nung nấu, ấp ủ trong những tháng ngày chống chọi đại dịch Covid-19. Khi hoàn thành, sản phẩm mang đi dự thi “Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp và mô hình thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu năm 2023” do Tỉnh đoàn Sóc Trăng tổ chức đã đạt giải nhì. Đây là động lực để các em phấn đấu hơn nữa cho ý tưởng của mình.

A A

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản của nông dân. Trong đó, nông dân xã Phú Tâm trồng nhiều bí đao và củ cải trắng, đến lúc thu hoạch thương lái không đến thu mua được. Trước tình cảnh đó, Trang và Ân muốn làm điều gì đó để giúp nông dân giảm bớt khó khăn. Thế là cả hai nảy ra ý tưởng sấy khô bí đao, củ cải trắng để sử dụng lâu dài. Sau đó, bổ sung một số nguyên liệu, phụ liệu sẽ thành món canh cho người xa xứ, cho những người bận rộn có ngay tô canh đậm đà hương vị quê nhà.

Em Đỗ Thanh Ân và em Diệp Trần Huyền Trang, học sinh Trường Trung học phổ thông Phú Tâm (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) là tác giả của món "Canh ăn liền".

Đại dịch đã qua và 2 em được sự giúp đỡ, định hướng của cô Trần Ngọc Bảo Trân - Phó Bí thư Đoàn trường nên bắt tay hiện thực ý tưởng. Muốn làm được món “canh ăn liền” thì khâu nguyên liệu phải chọn lọc chất lượng mới đảm bảo cho món canh có hương vị tự nhiên, hấp dẫn. Nguyên liệu gồm có bí đao gọt vỏ, xắt mỏng, miếng vừa phải; sau đó sấy khô (nếu sấy lạnh thì tốt hơn vì giữ được hương vị tự nhiên). Các em đã sấy bằng nồi chiên không dầu; mỗi mẻ hơn 10 giờ mới đạt yêu cầu. Còn xá pấu (củ cải muối) lựa loại ngon, ngâm vào nước cho bớt độ mặn, vớt ra cho khô, xắt mỏng và mang đi sấy. Tôm khô thì chọn loại nhỏ, đãi sạch tạp chất. Cùng với các loại gia vị quen thuộc đã sấy khô như hành, tiêu, tỏi, bột ngọt; tất cả để chung vào một gói nhỏ.

Quá trình thực nghiệm cho thấy khi đổ nước sôi vào hỗn hợp sản phẩm đã sấy, chờ chừng 4 - 5 phút thì tô canh chín đều, hương vị tự nhiên của bí đao, của xá pấu, tôm khô… được giữ nguyên. Mùi thơm của tô canh ăn liền bốc lên thơm ngào ngạt… Để “tham khảo” và lấy ý kiến “phản biện” nhằm hoàn thiện sản phẩm, các em đã chia nhỏ, mời thầy cô, bạn bè ăn thử! Mọi người đều đánh giá cao độ ngon, thơm của canh ăn liền và góp ý làm sao tăng thêm độ màu ban đầu của nguyên liệu. Màu của bí đao, của củ cải muối cần xanh hơn, trắng hơn mới tạo sự hấp dẫn của tô canh… Tiếp thu các ý kiến đóng góp, các em miệt mài, say mê hoàn thiện sản phẩm qua từng mẻ chiên, từng nguyên liệu chọn lọc; qua từng cách nêm nếm hợp khẩu vị người dùng… Sản phẩm mang đi dự thi “Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp và mô hình thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu năm 2023” của Tỉnh đoàn Sóc Trăng tổ chức đã đạt giải nhì.

Hướng tới để hoàn thiện sản phẩm “Canh ăn liền”, Huyền Trang và Thanh Ân cho biết cần cải tiến bao bì cho bắt mắt; có công nghệ sấy đạt chuẩn để giữ màu và hương vị tự nhiên của sản phẩm và khâu bảo quản bằng kỹ thuật hút chân không. Mặt khác, cần có sự kiểm định chất lượng; đảm bảo các thông số và an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.

Năm 2023, 2 em còn bội thu một số giải thưởng cấp tỉnh. Thanh Ân đạt giải ba và Huyền Trang đạt giải khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi môn Địa lý cấp tỉnh năm 2023. Học giỏi Địa lý lại “lấn sang” lĩnh vực chế biến “canh ăn liền” tưởng chừng nghịch lý nhưng thực ra có nguyên nhân sâu xa! 2 em chia sẻ là học Địa lý không phải luôn tìm những kiến thức lý thuyết, rời xa thực tế mà phải luôn vận dụng vào thực hành. Qua trải nghiệm thực tế về kiến thức thổ nhưỡng môn Địa lý, 2 em cho biết mỗi vùng đất có thế mạnh riêng, nếu biết phát huy thì sẽ có nhiều điều kiện phát triển. Vùng đất Vũng Thơm vốn là đất giồng, loại đất thịt pha cát do biển thuở xa xưa bồi lắng nên giàu chất vi lượng trong đất. Vì thế, dưa hấu, bắp, củ cải, bí đao, đậu nành và các nông sản khác trồng trên đất này luôn có hương vị riêng biệt. Bí đao thơm hơn, ngọt hơn và củ cải rất năng suất, ngọt, thơm hơn vùng khác! Món “Canh ăn liền” sử dụng nông sản trồng ở Phú Tâm nên có hương vị thơm ngon đặc trưng.

Thầy Trần Công Lý - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phú Tâm cho biết: “Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em tham gia các cuộc thi, nhất là những cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp. Đó là nơi các em thể hiện tài năng của mình bằng các sản phẩm độc đáo, mang tính thực tiễn cao, có thể vận dụng vào thực tế địa phương…”.

Theo LÊ LAM HỒNG (Báo Sóc Trăng)