“Những chiếc tên lửa này được tạo ra từ ống nhựa, chai nhựa, nắp khóa, van xe đạp, keo dán. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, chúng em vận dụng các định luật, kiến thức vật lý để làm nên sản phẩm này. Khi ra mắt sản phẩm, chúng em rất phấn khởi vì nhận được sự quan tâm và nhiều lời khen ngợi. Đó là động lực để chúng em tiếp tục sáng tạo” - nhóm bạn Kiều Phong - Công Lý - Tấn Phát - Minh Khang - Thanh Sơn, học lớp 11A2 (Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hưng Lợi, huyện Thạnh Trị) không giấu được niềm tự hào khi kể về quá trình tạo ra những chiếc “Tên lửa nước”.
Sản phẩm "Tên lửa nước" tham dự Ngày hội STEM của nhóm học sinh lớp 11A2 Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hưng Lợi, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng). Ảnh: XUÂN NGUYÊN
Tại Ngày hội STEM, còn nhiều mô hình, sản phẩm khoa học thú vị như: máy sấy tay cảm biến, đèn ngủ thông minh, thang nâng thủy lực, mô hình sinh học - mô hình biểu diễn quá trình nguyên phân của tế bào, mô hình hút thuốc lá dẫn đến ung thư phổi, mô hình tế bào vi khuẩn, mô hình tế bào thực vật được đánh giá cao về sự sáng tạo, thiết thực.
Thầy Phạm Thanh Trọng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hưng Lợi cho biết: “Hoạt động nhằm tạo điều kiện cho giáo viên trao đổi chuyên môn, phát triển kỹ năng thiết kế bài dạy STEM trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, từng bước đưa giáo dục STEM vào thực tế giảng dạy. Đối với học sinh, nhà trường mong muốn xây dựng cho các em một sân chơi giải trí lành mạnh, thấy được “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, để khơi dậy trong các em niềm đam mê sáng tạo khoa học, công nghệ, phát triển các kỹ năng”.
Theo thầy Trần Nguyễn Minh Khải, giáo viên hướng dẫn cho nhóm học sinh lớp 9A1 thực hiện sản phẩm “Máy sấy cảm biến”, các sản phẩm STEM do học sinh cùng giáo viên của nhà trường nghiên cứu, chế tạo trên cơ sở vận dụng các kiến thức tích hợp STEM. Sản phẩm tham gia trưng bày tại ngày hội đều sử dụng nguyên liệu tái chế hoặc đã qua sử dụng, rẻ tiền, thân thiện với môi trường. Các sản phẩm đảm bảo tiêu chí an toàn cho người sử dụng, không có nguyên liệu gây cháy, nổ, ô nhiễm môi trường và quan trọng là có thể áp dụng vào thực tiễn. Tại Ngày hội STEM lần này, còn diễn ra Hội nghị “Xây dựng kế hoạch bài dạy STEM, cấp trung học phổ thông”. Theo đó, các giáo viên ở các trường trên địa bàn tỉnh chia sẻ về kế hoạch bài dạy STEM, tạo điều kiện cho giáo viên trao đổi chuyên môn, học tập kinh nghiệm, phát triển kỹ năng thiết kế bài dạy STEM trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Các giáo viên tham dự chương trình tập huấn giáo dục STEM do Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng tổ chức. Ảnh: XUÂN NGUYÊN
Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng cho biết, từ năm 2020, ngành Giáo dục tỉnh đã triển khai thực hiện giáo dục STEM trong giáo dục trung học. Sở đã mở các lớp tập huấn STEM, thưc hiện thí điểm mô hình giáo dục STEM ở 3 trường phổ thông trên địa bàn tỉnh gồm: Trường Thực hành Sư phạm Sóc Trăng, Trường Trung học cơ sở Đại Tâm, Trường Trung học phổ thông Thuận Hòa, với 3 cấp học, trên cơ sở đề tài khoa học của Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng. Hiện tại, các trường vẫn duy trì giáo dục STEM trong giảng dạy. Cuối năm vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tổ chức chương trình tập huấn giáo dục STEM cho 324 học viên là cán bộ quản lý, giáo viên các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh, với 7 lớp kiến thức giáo dục STEM. Báo cáo viên là các cán bộ, giảng viên đến từ Vụ Giáo dục Trung học và các trường đại học. Đầu tháng 3, một số trường trên địa bàn thành phố đã tổ chức Ngày hội STEM, cho thấy việc áp dụng mô hình giáo dục STEM đã có tín hiệu tích cực.
Trao đổi về giáo dục STEM, đồng chí Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng chia sẻ: “Để triển khai tốt giáo dục STEM cần tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò của cán bộ, giáo viên trong thực hiện các nội dung đổi mới dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, trong đó chú ý tuyên truyền nâng cao nhận thức về giáo dục STEM, nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, cần khuyến khích các đơn vị mở rộng thực hiện mô hình giáo dục STEM, xây dựng các câu lạc bộ STEM để giáo viên, phụ huynh đồng hành cùng học sinh khám phá, trải nghiệm khoa học kỹ thuật. Qua đó, chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn và đề xuất các giải pháp để triển khai hiệu quả các hoạt động giáo dục STEM trong các nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng toàn diện và phát huy tính chủ động, tư duy sáng tạo cho học sinh các cấp”.
Theo Báo Sóc Trăng